Các nhà hoạt động vì tự do dân chủ đang gia tăng việc phản đối cảnh sát sử dụng dữ liệu tìm kiếm Google để hỗ trợ giải quyết các vụ án hình sự, khi mà phương thức này đang phải chịu sự giám sát chặt chẽ hơn trên toàn nước Mỹ.
Thế giới số

Cảnh sát dùng dữ liệu tìm kiếm Google bắt được kẻ hiếp dâm và thách thức pháp lý mới

Sơn Vân 06/01/2024 13:20

Các nhà hoạt động vì tự do dân chủ đang gia tăng việc phản đối cảnh sát sử dụng dữ liệu tìm kiếm Google để hỗ trợ giải quyết các vụ án hình sự, khi mà phương thức này đang phải chịu sự giám sát chặt chẽ hơn trên toàn nước Mỹ.

Sau khi một phụ nữ ở bang Pennsylvania (Mỹ) bị hiếp dâm vào năm 2016, cảnh sát gửi lệnh khám xét tới Google (thuộc Alphabet) để tìm thông tin về những người dùng đã nhập tên hoặc địa chỉ của nạn nhân vào công cụ tìm kiếm trong tuần trước sự việc, theo giấy tờ của tòa án.

Google đã phản hồi bằng địa chỉ IP của một người dùng đã tìm kiếm địa chỉ của nạn nhân hai lần ngay trước khi vụ cưỡng hiếp xảy ra, giấy tờ tòa án cho thấy. Bước đột phá đó giúp cảnh sát bắt đầu theo dõi một nhân viên trại giam, người cuối đã bị bắt và kết án.

canh-sat-dung-du-lieu-tim-kiem-google-bat-ke-hiep-dam-va-thach-thuc-phap-ly-moi(1).jpg
Cảnh sát Mỹ bắt được kẻ hiếp dâm người phụ nữ ở bang Pennsylvania nhờ yêu cầu Google cung cấp dữ liệu tìm kiếm - Ảnh: Internet

Hôm 5.1.2024, Tổ chức Biên giới Điện tử (EFF), Hiệp hội Luật sư Biện hộ Hình sự Quốc gia (NACDL) và chi nhánh ở bang Pennsylvania của NACDL đã lập luận trong một hồ sơ nộp lên tòa án rằng kỹ thuật điều tra được sử dụng trong vụ án, được gọi là lệnh khám xét từ khóa tìm kiếm, có phạm vi quá rộng và có nguy cơ xâm phạm quyền riêng tư của những người vô tội.

Michael Price, Giám đốc tố tụng Trung tâm Tu chính án thứ tư của NACDL, cho biết trong một tuyên bố: “Lệnh khám xét từ khóa tìm kiếm là một trong những mạng lưới kỹ thuật số cho phép chính phủ lục lọi thông tin riêng tư nhất của chúng ta và Tòa án Tối cao Pennsylvania nên coi chúng là vi hiến”.

Đại diện của Google không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị bình luận về vấn đề trên.

Dù có rất ít ví dụ được biết đến về lệnh khám xét từ khóa tìm kiếm, nhưng hành động này đã bị giám sát sau khi Tòa án Tối cao Mỹ hủy bỏ quyền phá thai. Những người ủng hộ quyền riêng tư đã cảnh báo rằng lệnh khám xét từ khóa tìm kiếm và lệnh khám xét hàng rào địa lý (geofence), trong đó cảnh sát yêu cầu Google cung cấp dữ liệu về người dùng có thiết bị ở gần hiện trường vụ án, có thể được sử dụng để truy tố phụ nữ phá thai ở các bang coi hành vi này là bất hợp pháp.

Hồi tháng 10.2023, Tòa án Tối cao bang Colorado đã ra phán quyết rằng bằng chứng thu thập được từ lệnh khám xét từ khóa tìm kiếm có thể được sử dụng trong một vụ án giết người. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng quyết định này có thể khuyến khích nhiều cảnh sát áp dụng kỹ thuật gây tranh cãi đó. Tuy nhiên, tòa án khẳng định phán quyết này chỉ áp dụng cho tình tiết cụ thể của vụ án đó và không đưa ra quan điểm rộng hơn về việc sử dụng dữ liệu tìm kiếm Google.

Andrew Crocker, Giám đốc Giám sát Tố tụng của EFF, cho biết điều đó khiến các nhà vận động hy vọng về một kết quả khác ở bang Pennsylvania.

Tháng 12.2023, Google đã chấm dứt hoạt động đáp ứng các khám xét theo hàng rào địa lý. Động thái này diễn ra ba tháng sau cuộc điều tra của trang Bloomberg Businessweek cho thấy cảnh sát trên khắp Mỹ ngày càng sử dụng lệnh khám xét để lấy dữ liệu vị trí và tìm kiếm từ Google, ngay cả với các trường hợp không sử dụng bạo lực và cả những người không liên quan gì đến tội phạm.

Andrew Crocker cho biết động thái của Google với các lệnh khám xét hàng rào địa lý khiến việc các tòa án xem xét tính hợp hiến của lệnh khám xét từ khóa tìm kiếm trở nên quan trọng hơn. Lý do vì loại lệnh này có thể trở nên phổ biến hơn khi cảnh sát khám phá các công cụ điều tra mới.

Ông nói: “Sự thay đổi chính sách của Google với lệnh khám xét hàng rào địa lý có thể làm cảnh sát chuyển sang sử dụng lệnh khám xét từ khóa tìm kiếm nhiều hơn”.

Google Maps không còn giữ dữ liệu vị trí người dùng, không thể giao thông tin cho cảnh sát

Google đã thực hiện một số thay đổi trong ứng dụng Maps nhằm tăng cường quyền riêng tư của người dùng.

Dữ liệu từ tính năng dòng thời gian (timeline) trong Google Maps, được kiểm soát bởi cài đặt Lịch sử vị trí (Location history) và lưu giữ bản ghi các tuyến đường cũng như chuyến đi mà người dùng thực hiện, sẽ sớm được lưu trữ trực tiếp trên thiết bị của bạn thay vì Google.

Điều đó có nghĩa là bản thân Google sẽ không còn quyền truy cập vào dữ liệu lịch sử vị trí của người dùng nữa. Nói rộng ra, cơ quan thực thi pháp luật cũng vậy, vốn thường yêu cầu dữ liệu vị trí của người dùng từ Google, chẳng hạn thông qua các lệnh khám xét hàng rào địa lý, yêu cầu dữ liệu về mọi người dùng ở gần một địa điểm tại một thời điểm cụ thể.

Google ngày càng phải chịu áp lực phải ngừng thu thập dữ liệu vị trí của người dùng, đặc biệt kể từ khi vụ Roe kiện Wade bị lật ngược.

Dữ liệu vị trí, cùng với lịch sử tìm kiếm trên internet và thậm chí cả lịch sử nhắn tin, có thể được sử dụng làm bằng chứng hình sự chống lại những cá nhân phá thai ở các bang quy định hành vi này là bất hợp pháp.

42 đảng viên đảng Dân chủ từ Hạ viện và Thượng viện Mỹ ký một lá thư vào tháng 5.2022 gửi tới Sundar Pichai - Giám đốc điều hành Google kêu gọi công ty ngừng thu thập và lưu giữ thông tin vị trí của người dùng.

“Phương pháp thu thập và lưu giữ hồ sơ rộng rãi về dữ liệu vị trí điện thoại di động hiện tại của Google sẽ cho phép nó trở thành công cụ cho những kẻ cực đoan cực hữu đang tìm cách trấn áp những người tìm kiếm dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản”, trích nội dung thư.

Tháng 7.2022, Google thông báo sẽ xóa dữ liệu lịch sử vị trí của những người dùng đã đến các phòng khám phá thai, trung tâm điều trị ma túy, nơi tạm trú cho người bị bạo hành gia đình, phòng khám giảm cân và các địa điểm nhạy cảm khác liên quan đến sức khỏe.

Google cho biết nếu hệ thống của công ty xác định được rằng người dùng đã truy cập một trong những địa điểm nhạy cảm này thì hệ thống sẽ xóa mục nhập đó khỏi lịch sử vị trí người dùng đó “ngay sau khi họ truy cập”. Bây giờ quyền kiểm soát này đã trở lại trong tay người dùng cá nhân.

Google nói với trang Insider rằng bản cập nhật sẽ là một phần trong nỗ lực lớn hơn của công ty nhằm tăng cường quyền riêng tư cho người dùng và cung cấp cho các cá nhân quyền kiểm soát nhiều hơn với dữ liệu của họ, đồng thời hướng đến các công cụ khác như tự động xóa và chế độ ẩn danh. Công ty cho biết phản hồi về bản cập nhật lịch sử vị trí là tích cực.

Cài đặt Lịch sử vị trí bị tắt theo mặc định trong ứng dụng Google Maps. Bên dưới là cách tìm thấy cài đặt này trong Google Maps, bật hoặc tắt và xóa mục nhập cụ thể:

1) Trong ứng dụng, bạn nhấn vào biểu tượng hình tài khoản Google của mình ở góc trên bên phải.

2) Từ menu xổ xuống, bạn nhấn vào Dữ liệu của bạn trong Maps.

3) Trong trang mở ra, bạn xuộn xuống mục Lịch sử vị trí (hay Nhật ký vị trí).

canh-sat-dung-du-lieu-tim-kiem-google-bat-ke-hiep-dam-va-thach-thuc-phap-ly-moi1.jpg

Tại đây, bạn có thể bật hoặc tắt tính năng Dòng thời gian và lịch sử vị trí của mình cũng như thay đổi cài đặt sao lưu và tự động xóa.

Nhấn vào Xem và xóa hoạt động sẽ cho phép bạn xem bất kỳ lịch sử vị trí nào từng được lưu trong Google Maps và cung cấp cho bạn tùy chọn xóa các mục cụ thể.

Hồi tháng 6.2022, Tòa án Tối cao Mỹ lật ngược phán quyết mang tính bước ngoặt trong vụ Roe kiện
Wade (Roe v Wade) vốn công nhận quyền phá thai.
"Hiến pháp không trao quyền phá thai. Thẩm quyền ra quy định về việc phá thai được trả lại cho người dân và các quan chức dân cử", Tòa Tối cao Mỹ tuyên bố.

Vụ Roe kiện Wade có từ năm 1973 giúp hợp pháp hóa quyền phá thai trên toàn nước Mỹ. Việc đảo ngược
án lệ này đồng nghĩa Tối cao pháp viện Mỹ cho phép các bang tùy ý quyết định cấm hay cho phép phá thai.

Trong lịch sử tư pháp Mỹ, Tòa án Tối cao đã lật lại các các phán quyết để trao cho người dân nhiều quyền hơn. Tuy nhiên, đây là trường hợp ngược lại. Quyết định này sẽ hạn chế quyền của nhiều thế hệ người Mỹ.

Ước tính khoảng 26 bang trên 50 bang ở Mỹ đã hoặc sẽ thông qua luật cấm phá thai trừ một số trường hợp ngoại lệ. Dù vậy, việc phá thai nhiều khả năng vẫn sẽ hợp pháp tại một số bang theo quan điểm tự do. Hiện hơn 10 bang có luật bảo vệ quyền phá thai. Với phán quyết mới, những phụ nữ mang thai ngoài ý muốn phải đến các bang khác nếu
muốn phá thai.

Trong ý kiến ủng hộ việc lật lại phán quyết vụ Roe kiện Wade, Thẩm phán Samuel Alito cho biết quyết
định của Tòa án Tối cao đưa ra năm 1973 đã gây ra những hậu quả nặng nề, đồng thời không giúp mang lại giải pháp cho tranh cãi liên quan vấn đề phá thai.
"Vụ việc đã châm ngòi cho tranh cãi và chia rẽ đất nước sâu sắc", ông Samuel Alito cho hay.

Cựu Tổng thống Mỹ - Donald Trump từng ca ngợi phán quyết của Tòa án Tối cao, sau khi vụ Roe kiện
Wade bị đảo ngược. Trump nói rằng quyết định này "được thực hiện vì tôi đã làm mọi thứ như đã hứa, bao gồm cả việc đề cử 3 thẩm phán vào Tòa án Tối cao".

Phán quyết mang tính lịch sử này của Tòa án Tối cao Mỹ được cho là chiến thắng của phe bảo thủ vốn phản đối việc phá thai. Thế nhưng, Tổng thống Mỹ - Joe Biden cho rằng đây là phán quyết được ba thẩm phán do ông Trump bổ nhiệm và là “sự hiện thực hóa một
hệ tư tưởng cực đoan”.

“Đó là ba thẩm phán được bổ nhiệm bởi cựu Tổng thống Donald Trump – người đóng vai trò cối lõi
của quyết định nhằm xóa bỏ công lý và loại bỏ quyền cơ bản của phụ nữ ở đất nước này. Quyết định này là một nỗ lực có chủ ý trong nhiều thập kỷ qua để đảo ngược sự cân bằng của luật pháp”, ông Biden nói.

Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định quyết định trên là một "sai lầm bi thảm".

“Tòa án đã làm điều mà họ chưa từng làm trước đây, tước bỏ quyền lợi thiết yếu với rất nhiều người dân Mỹ - vốn đã được công nhận từ rất lâu. Quyết định của tòa án sẽ ngay lập tức gây ra nhiều hậu quả", ông Biden nói thêm.

Bài liên quan
Elon Musk đầu tư vào Google DeepMind vì lo ngại AI có thể phá hủy việc thuộc địa hóa sao Hỏa
Demis Hassabis, người đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Google DeepMind, đã nhận được khoản đầu tư từ Elon Musk sau khi chỉ ra những thiếu sót trong kế hoạch thuộc địa hóa sao Hỏa của tỷ phú giàu nhất thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cảnh sát dùng dữ liệu tìm kiếm Google bắt được kẻ hiếp dâm và thách thức pháp lý mới