Yann LeCun (Giám đốc khoa học AI của Meta Platforms) cho biết ông từng từ chối lời mời làm Giám đốc nghiên cứu tại Google vào năm 2002.
Thế giới số

Giám đốc AI của Meta từng từ chối Google vì chê lương thấp và quy mô nhỏ

Sơn Vân 05/01/2024 22:15

Yann LeCun (Giám đốc khoa học AI của Meta Platforms) cho biết ông từng từ chối lời mời làm Giám đốc nghiên cứu tại Google vào năm 2002.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội X, Yann LeCun tiết lộ có một số lý do đằng sau quyết định này, gồm cả quy mô công ty nhỏ và gói bồi dưỡng thấp.

Yann LeCun cho biết mức lương ở Google lúc đó thấp, đặc biệt là vào thời điểm ông cần tiền để nuôi các cậu con trai tuổi teen. Dù gói bồi dưỡng thấp, ông hé lộ "gói quyền chọn cổ phiếu cuối cùng sẽ có giá trị cao".

Ông kể Google chỉ có 600 nhân viên và không có doanh thu vào thời điểm đó. Điều này có nghĩa là vai trò giám đốc nghiên cứu tại Google sẽ liên quan đến nhiều thứ khác ngoài nghiên cứu, gồm cả chiến lược và quản lý công ty, Yann LeCun viết trong bài đăng.

Giành được Giải thưởng Turing vào năm 2018 cho nghiên cứu của mình, Yann LeCun cho biết ông muốn tái tập trung vào nghiên cứu trong một số lĩnh vực, gồm cả học máy (machine learning).

Turing là một giải thưởng hàng năm được Hiệp hội Máy tính ACM (Association for Computing Machinery) trao tặng để tôn vinh những đóng góp nổi bật và độc đáo trong lĩnh vực khoa học máy tính. Giải thưởng được đặt tên theo Alan Turing, nhà toán học và nhà máy tính nổi tiếng có những đóng góp quan trọng trong việc phân tích và giải mã mã Enigma của Đức trong Thế chiến II.

Giải thưởng Turing được coi là một trong những giải thưởng cao quý nhất trong lĩnh vực khoa học máy tính và thường được trao cho người đã có những đóng góp xuất sắc, lâu dài với ngành này. Các nhà nghiên cứu nổi tiếng và đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực thuật toán, trí tuệ nhân tạo (AI), mạng máy tính… thường được trao giải thưởng Turing.

giam-doc-ai-cua-meta-tung-tu-choi-google-vi-che-luong-thap-va-quy-mo-nho.jpg
Yann LeCun từng từ chối lời mời làm Giám đốc nghiên cứu tại Google vào năm 2002 - Ảnh: Internet

Giải thưởng Turing năm 2018 trị giá 1 triệu USD được trao cho ba nhà khoa học gồm Yann LeCun, Yoshua Bengio và Geoffrey Hinton, những người đã đặt nền móng cho AI hiện đại. Họ được ví như những “bố già” của thế giới AI.

Các kỹ thuật mà Yann LeCun, Yoshua Bengio, Geoffrey Hinton phát triển từ những năm 1990 và 2000 đã góp phần tạo ra những đột phá lớn trong lĩnh vực thị giác máy tính và nhận dạng giọng nói. Các thành quả nghiên cứu của họ đã giúp củng cố sự phát triển cho lĩnh vực AI hiện nay, từ ô tô tự lái đến chẩn đoán y tế tự động.

Theo trang The Verge, trên thực tế, chúng ta đều đang tận hưởng những thành quả khoa học của Yann LeCun và Yoshua Bengio, Geoffrey Hinton mà đôi khi chúng ta chẳng hề hay biết. Đó có thể là hệ thống nhận dạng khuôn mặt trên smartphone hay những câu gợi ý khi bạn đang chat hoặc gõ email.

Jeff Dean, người đứng đầu bộ phận AI của Google vào năm 2018, ca ngợi thành tựu của ba nhà khoa học này. Ông cho rằng mạng nơ ron thần kinh nhân tạo là một trong những tiến bộ lớn nhất của ngành khoa học hiện đại. Trọng tâm của mạng lưới này đến từ các kỹ thuật cơ bản được phát triển bởi Yann LeCun, Yoshua Bengio và Geoffrey Hinton.

Thành tựu của bộ ba này đặc biệt đáng chú ý khi họ giữ niềm tin vào AI tại thời điểm triển vọng của công nghệ ảm đạm. Chia sẻ sau khi nhận giải thưởng Giải thưởng Turing 2018, Yann LeCun cho biết những năm 90 của thế kỷ trước là khoảng thời gian đen tối với ông. Đó là khi ông không thể công bố các nghiên cứu về mạng lưới thần kinh bởi sự thiếu hứng thú từ phía cộng đồng.

Dự án của ba nhà khoa học này chỉ bắt đầu được phổ biến và bùng nổ vào những năm 2012, 2013. Trong giai đoạn đó, Yoshua Bengio, Geoffrey Hinton và Yann LeCun đã chứng minh được rằng dự án mạng lưới thần kinh của họ mang tới những kết quả trông thấy trong khả năng nhận dạng khuôn mặt. Dần dần kể từ đó, công trình nghiên cứu của ba nhà khoa học đi tiên phong gồm mạng lưới thần kinh và tích chập, đã mở ra một chương mới về phát triển các thuật toán dành cho AI và mở rộng trong toàn bộ công nghệ của loài người.

Yann LeCun, người tiên phong về học sâu (deep learning), cho biết gia đình ông không muốn chuyển đến bang California (Mỹ) vào thời điểm nhận được lời mời từ Google. "Bố già" AI nói thêm rằng nếu đảm nhận vai trò tại Google, ông có thể đã thay đổi một phần văn hóa công ty.

Nhà khoa học sinh năm 1960 viết: "Nếu gia nhập, tôi nghĩ văn hóa nghiên cứu tại Google sẽ khác. Tôi có thể đã làm cho nó cởi mở hơn một chút và tham vọng hơn sớm hơn một chút".

Các nhà phê bình trước đây đã cáo buộc Google chậm chạp và quá thận trọng trong việc phát triển AI của mình.

Sự thành công của ChatGPT do OpenAI phát triển và Microsoft hậu thuẫn đã gióng lên hồi chuông cảnh báo tại Google. Kể từ đó, Google đã phát hành các sản phẩm cạnh tranh với OpenAI, gồm cả chatbot AI Bard và mô hình ngôn ngữ lớn Gemini.

"Facebook có thể lạc hậu nếu không bắt kịp ChatGPT"

Yann LeCun từng cảnh báo Mark Zuckerberg rằng ChatGPT có thể gây rắc rối cho công ty truyền thông xã hội này và ông cần phải hành động nhanh chóng trước khi quá muộn.

6 tuần sau khi OpenAI ra mắt ChatGPT vào tháng 11.2022, Yann LeCun đã nói chuyện thành thật với Mark Zuckerberg khi họ chờ ăn trưa tại trụ sở Meta Platforms ở thành phố Menlo Park (bang California, Mỹ), theo nguồn tin của tờ The New York Times.

The New York Times đưa tin Yann LeCun nói với Mark Zuckerberg rằng Meta Platforms cần bắt kịp công nghệ của OpenAI và thực hiện các động thái phát hành trợ lý trí tuệ nhân tạo (AI) riêng.

Theo Yann LeCun, nếu Meta Platforms không tập trung mạnh mẽ vào các nỗ lực về AI của mình, Facebook và Instagram có thể bị lạc hậu và “tuyệt chủng”.

Mark Zuckerberg không trả lời, nhưng tỏ ra khó chịu với những lời nhắc nhở của Yann LeCun. Song vào buổi tối cùng ngày, tỷ phú công nghệ dường như đã thay đổi suy nghĩ.

“Tôi đã suy nghĩ về những gì ông. Và tôi nghĩ ông đúng", Mark Zuckerberg với Yann LeCun trong bữa tối tối hôm đó, theo The New York Times.

Sau đó, Mark Zuckerberg muốn Meta Platforms được biết đến như công ty AI hàng đầu và đã triển khai các tính năng AI trên các ứng dụng như Facebook, Instagram, WhatsApp.

Theo The New York Times, dù có một số phản đối từ phía các đội pháp lý và chính sách của Meta Platforms vì lo ngại về an toàn, Mark Zuckerberg vẫn quyết định phát hành mô hình AI mã nguồn mở của công ty càng sớm càng tốt.

Đến tháng 2, Meta Platforms đã đổi tên Genesis, mô hình ngôn ngữ lớn mà nhóm Yann LeCun xây dựng, thành LLaMA và phát hành nó cho các nhà nghiên cứu bên ngoài công ty.

Song vài ngày sau khi phát hành lần đầu, mã nguồn của LLaMA bị rò rỉ trên diễn đàn 4chan, gây lo ngại về an ninh nội bộ. Vụ rò rỉ này là một trong những yếu tố thúc đẩy Thượng nghị sĩ Josh Hawley ở bang Missouri và Richard Blumenthal tại bang Connecticut (Mỹ) viết thư cho Meta Platforms trong những tháng sau đó, cáo buộc rằng công ty "không thực hiện bất kỳ đánh giá rủi ro có ý nghĩa nào" trước khi phát hành LLaMA và khiến mô hình AI này dễ bị kẻ xấu khai thác.

Vào tháng 2, cùng tháng Meta Platforms phát hành LLaMA, Microsoft đã giới thiệu công cụ tìm kiếm Bing được hỗ trợ bởi AI cho những người dùng. Sau đó, Bing Chat bị cáo buộc đưa ra những phản hồi đáng lo ngại.

Cùng tuần đó, Google đã công bố phiên bản beta của Bard, bị một số nhân viên chỉ trích là công việc "gấp rút" và "không thành công", sau khi mắc lỗi thực tế trong bản demo đầu tiên.

Trải nghiệm lần đấy không làm Meta Platforms chùn bước khi hãng tiếp tục theo đuổi các công cụ AI mới với việc phát hành Llama 2 vào tháng 7, phiên bản tiếp theo của mô hình AI ban đầu.

Đến tháng 9, công ty mẹ Facebook đã trình làng thế hệ kính thông minh Ray-Ban Meta mới nhất và hàng chục chatbot AI đóng vai những người nổi tiếng, chẳng hạn Paris Hilton hay Snoop Dogg.

Bài liên quan
Giám đốc AI của Meta: 'ChatGPT như sự xuất hiện thứ hai của đấng cứu thế'
Đã một năm kể từ khi OpenAI ra mắt ChatGPT và nhiều người vẫn ngạc nhiên về mức độ phổ biến của chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) do OpenAI phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giám đốc AI của Meta từng từ chối Google vì chê lương thấp và quy mô nhỏ