Giao tranh liên miên khiến hàng nghìn người dân ở Dải Gaza không có nhà cửa, vì nhà của họ cứ xây xong thì lại bị phá hủy.

Cảnh không nhà, không chốn nương thân của người dân ở Dải Gaza

Cẩm Bình | 25/05/2021, 11:49

Giao tranh liên miên khiến hàng nghìn người dân ở Dải Gaza không có nhà cửa, vì nhà của họ cứ xây xong thì lại bị phá hủy.

Ramez al-Masri mất đến 3 năm xây lại nơi ở sau cuộc giao tranh xảy ra năm 2014. Thế rồi trong đợt xung đột quân sự mới nhất, không kích do Israel thực hiện chỉ mất vài giây để san phẳng ngôi nhà.

Vậy là Ramez lại lâm vào cảnh không nhà như hàng nghìn cư dân Gaza khác. Gia đình ông phải chia ra sống nhờ nhà vài bà con, chờ đợi viện trợ quốc tế giúp họ xây lại nhà.

“Con cái tôi sống rải rác khắp nơi – 3 đứa ở đây, 2 đứa ở kia, 1 đứa ở nơi khác. Mọi thứ thực sự rất khó khăn. Khi nào (Israel) còn chiếm đóng thì chúng tôi sống trong sự chết chóc mỗi ngày”, ông Ramez chia sẻ.

LHQ ước tính xung đột quân sự kéo dài 11 ngày mới đây phá hủy khoảng 1.000 ngôi nhà, nhưng hàng trăm chỗ ở khác cũng hư hại đến mức không thể ở được nữa. Mức hư hại thấp hơn lần giao tranh năm 2014 (xóa sổ và làm hư hại tổng cộng 141.000 ngôi nhà).

1000.jpeg
Những gì còn lại sau không kích - Ảnh: AP

Sau giao tranh 7 năm trước, cộng đồng quốc tế nhanh chóng viện trợ 2,7 tỉ USD tái thiết khu vực. Không rõ hiện nay các nước - hứng chịu thiệt hại kinh tế bởi dịch COVID-19 và mệt mỏi trước nỗ lực ngoại giao chưa thể mang lại hòa bình cho Trung Đông - có sẵn lòng “mở hầu bao” rộng rãi như vậy hay không.

Nhận thông báo sơ tán trước lúc có không kích vào 3 giờ sáng 19.5, ông Ramez chẳng thể ngờ nơi mình đang sống lại là mục tiêu. Nhà ông không ai có liên hệ gì với các nhóm chiến binh chống Israel.

Địa điểm từng là ngôi nhà của Ramez nay chỉ còn lại một cái hố lớn chứa đầy nước đổ ra từ nhiều đường ống bị hỏng. 7 căn liền kề hư hỏng nặng: tường sụp đổ để lộ nội thất bên trong, dầm đỡ nhà bằng bê tông không còn đủ cứng rắn để chống chịu sức nặng nữa.

Ngày 23.5 có một máy bơm di động được triển khai đến hút nước khỏi hố, sau đó xe ủi làm nhiệm vụ dọn đường. Một số người gỡ bỏ đường dây điện bị hư hỏng.

1000-2-.jpeg
Khoảng 1.000 ngôi nhà bị phá hủy trong 11 ngày giao tranh - Ảnh: AP

Sau khi mất nhà vào năm 2014, Ramez sống vất vưởng giữa nhà cho thuê và những túp lều dựng tạm bằng tấm thiếc. Ông sợ phải quay lại cuộc sống trước đây nên hy vọng cộng đồng quốc tế sớm giúp đỡ.

Quân đội Israel từ chối cho biết tại sao lại không kích nhà của ông Ramez. Trong đợt xung đột quân sự mới nhất, họ liên tục cáo buộc Hamas lợi dụng khu dân cư làm nơi ẩn náu bắn rocket và thực hiện nhiều hoạt động khác. Trước lúc không kích Israel đã phát đi thông báo sơ tán đến dân thường.

Suốt 11 ngày giao tranh, Israel thực hiện hàng trăm lần không kích. Lực lượng Hamas cùng các nhóm chiến binh khác bắn hơn 4.000 quả rocket đáp trả.

Hai bên ngừng bắn từ rạng sáng 21.5. Chiến dịch dọn dẹp Dải Gaza bắt đầu từ ngày 23.5.

Tại thành phố Beit Hanoun phía đông bắc Dải Gaza, một trong số ngôi nhà bị tấn công là nơi Nader al-Masri (anh em họ của Ramez al-Masri) - vận động viên chạy đường dài từng dự nhiều giải quốc tế - sinh sống. Ông sống trong ngôi nhà 3 tầng của bà con kể từ khi mất nhà vào năm 2014.

1000-1-.jpeg
Ông Nader al-Msri - Ảnh: AP

Không kích do Israel thực hiện lần này khiến tầng 1 cùng tầng 3 hư hại nghiêm trọng, căn phòng chứa đầy huy chương cùng phần thưởng mà ông Nader đạt được suốt sự nghiệp thi đấu cũng vậy.

“Tôi có hơn 150 chiếc cúp. Mỗi khi xảy ra giao tranh thì tôi lại mất đi vài cái, mấy năm qua mất đến khoảng 20 cái”, Nader cho biết.

Trần phòng ngủ của con gái Nader đã xuất hiện vết nứt, chiếc cặp học sinh nằm giữa đống đổ nát. Ông phải đưa con gái mình sang ở nhờ nhà chú.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đồng ý phương án nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 9 ngày liên tục
8 giờ trước Sự kiện
Thủ tướng đồng ý với phương án Bộ LĐ-TB-XH đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 9 ngày liên tục.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cảnh không nhà, không chốn nương thân của người dân ở Dải Gaza