Kẻ lừa đảo tạo lập các tài khoản ảo, sử dụng ảnh đại diện là logo Apple và đăng tải các bài viết với nội dung: “Đặt mua sớm iPhone 16 để nhận được nhiều ưu đãi” đính kèm đường link dẫn tới trang web giả mạo.
Theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (Cục An toàn thông tin, Bộ TT-TT), mới đây, người dùng Mỹ cho biết họ bắt gặp nhiều quảng cáo bán điện thoại iPhone 16 với mức giá ưu đãi trên các nền tảng mạng xã hội. Thực chất, đây là những quảng cáo giả mạo, dụ dỗ người dùng truy cập nhằm đánh cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản.
Kẻ lừa đảo tạo lập các tài khoản ảo, sử dụng ảnh đại diện là logo Apple và đăng tải các bài viết với nội dung: “Đặt mua sớm iPhone 16 để nhận được nhiều ưu đãi” đính kèm đường link dẫn tới trang web giả mạo.
Sau khi truy cập vào những đường link, người dùng sẽ được chuyển hướng tới trang web giả mạo với giao diện gần giống với trang web chính thống của Apple.
Để thực hiện đặt hàng, nạn nhân sẽ phải cung cấp các thông tin, như số điện thoại, địa chỉ nhà, số thẻ ngân hàng và mã CVV để tiến hành đặt mua sản phẩm. Với thủ đoạn này, kẻ xấu dễ dàng chiếm đoạt tiền mà nạn nhân không hề hay biết.
Trước thực trạng lừa đảo, Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) khuyến cáo người dân cảnh giác khi bắt gặp các quảng cáo với nội dung tương tự như trên. Cảnh giác với những lời mời gọi đặt mua sản phẩm với mức giá rẻ bất thường.
Người dân chỉ nên mua sản phẩm thông qua đại lý phân phối hoặc trang web chính thống với địa chỉ url hợp lệ; tuyệt đối không chuyển tiền cho người lạ hoặc thông qua các website lạ.
Cảnh giác trước chiêu “trải nghiệm phiên bản TikTok mới”
Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cũng cho biết mới đây, ban quản trị ứng dụng TikTok đã đưa ra cảnh báo về một hình thức lừa đảo mới, dụ dỗ người dùng tải về phần mềm giả mạo có chứa mã độc.
Cụ thể, kẻ xấu chủ động nhắn tin tiếp cận người dùng, kêu gọi tải xuống phần mềm phiên bản mới thông qua đường link được đính kèm. Tuy nhiên, đây là những ứng dụng chứa mã độc, giúp chúng chiếm quyền kiểm soát thiết bị, đánh cắp thông tin và dữ liệu cá nhân của nạn nhân.
Đối với hình thức lừa đảo trên, kẻ lừa đảo sẽ tạo lập những tài khoản TikTok giả mạo hệ thống ứng dụng, gửi tin nhắn thông báo nạn nhân là một trong những cá nhân được chọn tham gia trải nghiệm phiên bản TikTok mới đang trong giai đoạn thử nghiệm.
Để thu hút sự quan tâm của nạn nhân, chúng hứa hẹn đem lại sự mới mẻ cho trải nghiệm của người dùng với giao diện và nhiều tính năng mới. Sau khi truy cập vào đường dẫn được đính kèm, nạn nhân sẽ được yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân để được tải xuống phiên bản cập nhật của phần mềm. Sau khi tải về, toàn bộ dữ liệu trên thiết bị của nạn nhân sẽ bị đánh cắp.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dùng TikTok nói riêng và các nền tảng mạng xã hội khác nói chung nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn tương tự. Cẩn trọng xác thực danh tính của người gửi khi nhận được tin nhắn.
Tuyệt đối không truy cập vào đường link lạ, không cung cấp thông tin cá nhân khi chưa xác minh được tính chính thống của trang web, không tải về các ứng dụng từ nguồn không xác định.
Người dùng chỉ nên tải về ứng dụng từ hệ thống cửa hàng App Store (đối với người dùng iPhone) và CH Play (đối với người dùng Android).