Sau 3 năm trồng, cây dừa sáp cấy mô sinh trưởng tốt, thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại tỉnh Trà Vinh, đã cho trái sáp có cơm dày, chất lượng tốt.
Cung ứng cho thị trường 5.000 cây dừa cấy phôi giống mỗi năm
Dừa sáp loại trái cây đặc sản của tỉnh Trà Vinh, vừa mang lại giá trị kinh tế cao lại vừa tạo thương hiệu cho tỉnh Trà Vinh. Dừa sáp có đặc tính cơm (cùi) đặc sệt, hàm lượng dầu, hàm lượng dinh dưỡng cao hơn dừa thường và có mùi thơm đặc trưng.
Tuy nhiên, Ths Nguyễn Ngọc Trai, quyền Giám đốc Trung tâm Sinh học ứng dụng, Khoa Nông nghiệp - Thủy sản Trường đại học Trà Vinh cho biết, do đặc tính di truyền của loại dừa này, trái dừa sáp không thể nảy mầm trong điều kiện tự nhiên nên việc trồng cây giống bằng phương pháp nhân giống truyền thống từ trái dừa không sáp cho tỷ lệ quả dừa sáp trong quày tối đa chỉ 25%.
Để khắc phục vấn đề ấy, trong những năm qua, các nhà khoa học Trường đại học Trà Vinh đã không ngừng nghiên cứu nhằm hoàn thiện quy trình nuôi cấy phôi dừa sáp với tỷ lệ tỷ lệ trái sáp/quày đạt từ 85% trở lên. Quy trình nhân giống bằng phương pháp cấy phôi của trường đã được đăng ký sở hữu trí tuệ với tỷ lệ thành công 63% (100 phôi cho ra được 63 cây). Cây giống đã được trường thương mại hóa từ năm 2011 đến nay và nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng. Thống kê hằng năm có khoảng 5.000 cây giống dừa sáp cấy phôi được trường chuyển giao đến cộng đồng. Mô hình trồng dừa sáp cấy phôi được nông dân áp dụng cho hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nguyễn Văn Sử, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Dừa sáp Hòa Tân ở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh chia sẻ, cây dừa sáp cũng có chu kỳ ra trái như dừa thông thường, mỗi tháng sẽ thu hoạch được 1 quày.
Hiện nay, giá dừa sáp loại 1 là 100.000 đồng/trái, loại 2 là 60.000 đồng/trái. Hiệu quả kinh tế của dừa sáp truyền thống khoảng 100 triệu đồng/ha. Đối với dừa cấy phôi, hiệu quả có thể tăng 10 - 20 so với dừa sáp tự nhiên.
“Tại Trà Vinh, thương lái thu mua dừa sáp theo chất lượng chứ không phân biệt dừa truyền thống hay dừa cấy phôi. Dừa sáp cấy phôi cho hiệu quả kinh tế cao nên các thành viên của hợp tác xã đã chuyển dần sang trồng dừa này. Bà con đốn bỏ những cây dừa không hiệu quả có trái nhỏ, bị già cỗi… để xen vào đó là những cây dừa cấy phôi. Như gia đình tôi cũng đầu tư 24 triệu đồng để mua 30 cây dừa cấy phôi để trồng xen vô vườn nhà”, ông Sử cho biết.
Nuôi cấy mô để giảm giá thành cây giống
Cũng theo ông Sử, giá cây giống dừa sáp cấy phôi hiện nay vẫn còn quá cao, từ 800 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng/cây, tùy nơi sản xuất. Điều này kéo dài thời gian cải tạo vườn dừa sáp theo hướng trồng chuyên canh dừa sáp cấy phôi. Riêng giá cây giống dừa sáp cấy phôi của Trường đại học Trà Vinh từ 700.000 đồng đến 800.000 đồng/cây tùy theo số lượng đặt hàng. Chính vì vậy, việc nghiên cứu phương pháp mới nhằm tạo ra cây giống dừa sáp chất lượng cao, giá thành thấp phù hợp với nhu cầu của đa số người dân là điều rất cần thiết.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong lĩnh vực nuôi cấy phôi, Trường đại học Trà Vinh đã được Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đồng ý và cấp kinh phí thực thực hiện đề tài trọng điểm cấp bộ “Nghiên cứu nhân giống dừa bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào và kỹ thuật thâm canh dừa trồng giống nuôi cấy mô” với kinh phí 10 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2017 đến 2022 (giai đoạn 1). So với phương pháp nuôi cấy phôi, nuôi cấy mô dừa sáp là quá trình rất khó thực hiện, tuy nhiên các cây con được tạo ra từ phương pháp nuôi cấy mô sẽ đồng đều hơn về mặt di truyền cũng như giữ được đặc tính tốt của cây bố mẹ.
Theo Ths Nguyễn Ngọc Trai, các nhà khoa học thuộc Khoa Nông nghiệp - Thủy sản, Trường đại học Trà Vinh đã phối hợp nhóm nghiên cứu của Phòng Thí nghiệm trọng điểm quốc gia về nuôi cấy mô tế bào thực vật (Viện Di truyền nông nghiệp) thực hiện đề tài trên với mục tiêu nghiên cứu ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật nhằm tạo cây giống dừa sáp nuôi cấy mô thông qua sự hình thành phôi vô tính.
Sau 5 năm miệt mài nghiên cứu, nhóm các nhà khoa học thực hiện đề tài đã chọn được vật liệu cũng như môi trường thích hợp tạo mô sẹo (callus), biệt hóa tạo phôi vô tính và tái sinh cây con. Đồng thời, nhóm thiết lập được quy trình đưa cây dừa vô tính (in vitro) ra trồng và chăm sóc ở nhà lưới/vườn ươm. Kết quả là tạo ra 300 cây con dừa sáp in vitro và 200 cây dừa sáp cấy mô ngoài vườn ươm. Đây là thành công lớn, nghiên cứu đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam về nuôi cấy mô dừa nói chung, dừa sáp nói riêng và đã được các chuyên gia của Hội đồng Nghiệm thu Bộ NN-PTNT đánh giá rất cao, đồng ý nghiệm thu đề tài cũng như đề xuất đề tài tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 nhằm hoàn thiện qui trình và đánh giá sự thích nghi cây dừa sáp cấy mô tại Trà Vinh cũng như chất lượng trái sáp.
Cây dừa sáp nuôi cấy mô đã được trồng khảo nghiệm tại khu thực nghiệm trồng trọt, Trường đại học Trà Vinh. Sau 3 năm trồng, cây dừa sáp cấy mô được đánh giá sinh trưởng tốt, thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại tỉnh và cho trái sáp có cơm dày, chất lượng tốt.
Việc ứng dụng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật để sản xuất giống dừa là nhu cầu cấp thiết được nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay cây dừa nói chung và cây dừa sáp nói riêng được tạo ra từ phương pháp nuôi cấy mô vẫn chưa được thương mại hóa. Trường đại học Trà Vinh là một trong những đơn vị tiên phong trong nghiên cứu nhân giống dừa sáp, thành công ở giai đoạn 1 đã tạo động lực lớn để các nhà khoa học của trường tiếp tục nghiên cứu.
Tuy nhiên, Ths Nguyễn Ngọc Trai cũng cho biết thêm, hệ số nhân của phương pháp này trên dừa sáp ở giai đoạn 1 còn thấp, cao nhất mới đạt đến 30. Để kết quả nghiên cứu có thể đưa vào sản xuất thực tiễn, cần tiếp tục triển khai nghiên cứu ở giai đoạn 2 nhằm hoàn thiện quy trình, nâng hệ số nhân giống lên 50 (1 mẫu ban đầu có thể tạo 50 cây giống dừa sáp), tạo cây giống có chất lượng cao, đồng đều về mặt di truyền và triển khai sản xuất cây giống dừa sáp cấy mô ở quy mô công nghiệp. Từ đó, có thể hạ giá thành cây giống xuống dưới 100.000 đồng/cây giúp nhiều người dân có thể tiếp cận nguồn cây giống này và đưa dừa sáp của tỉnh Trà Vinh thành ngành hàng có thể xuất khẩu số lượng lớn trong thời gian tới.