Về nội dung người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số ĐBQH, đại biểu HĐND đánh giá tín nhiệm thấp thì trong 10 ngày phải xin từ chức, Ủy ban Pháp luật đề nghị làm rõ thêm căn cứ.

Cán bộ tín nhiệm thấp phải từ chức trong 10 ngày: Cần làm rõ căn cứ

Hoài Lam | 11/05/2023, 12:00

Về nội dung người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số ĐBQH, đại biểu HĐND đánh giá tín nhiệm thấp thì trong 10 ngày phải xin từ chức, Ủy ban Pháp luật đề nghị làm rõ thêm căn cứ.

Sáng 11.5, tại phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Đồng thời xem xét việc bổ sung nội dung này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Ban Công tác đại biểu đã có tờ trình về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Dự thảo nghị quyết mới được xây dựng để kịp thời thể chế hóa chủ trương về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đã được xác định trong các văn kiện của Đảng và pháp luật, cũng như khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Nghị quyết 85 được ban hành từ năm 2014.

Điểm mới đáng chú ý của tờ trình lần này là quy định hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và thời hạn, thời điểm thực hiện.

Trước đó, Nghị quyết 85 quy định người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá "tín nhiệm thấp", có thể xin từ chức.

Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu quốc hội, đại biểu HĐND trở lên đánh giá "tín nhiệm thấp", thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực HĐND trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm.

tin-nhiem.jpg
Cán bộ tín nhiệm thấp sẽ phải từ chức - Ảnh: Thanh Niên

Theo Ban Công tác đại biểu, quy định này dẫn đến việc tùy nghi, không đồng bộ, thống nhất trong cả nước. Do đó, cơ quan này đã bổ sung quy định về thời hạn và thời điểm thực hiện khi có hệ quả với người được lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm.

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm lần này quy định, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá "tín nhiệm thấp" thì xin từ chức.

Việc xin từ chức được thực hiện trong thời gian không quá 10 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Trường hợp không từ chức, Quốc hội, HĐND xem xét, quyết định việc bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất, nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Với người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu quốc hội, đại biểu HĐND trở lên đánh giá "tín nhiệm thấp", cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội, HĐND tiến hành miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất, nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Một điểm mới nữa là dự thảo Nghị quyết bổ sung quy định công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Dự thảo cũng bổ sung chức danh Tổng thư ký Quốc hội vào phạm vi, đối tượng lấy phiếu tín nhiệm.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị cơ quan soạn thảo lý giải rõ hơn cơ sở của việc xác định mốc thời hạn quy định trong dự thảo Nghị quyết là 10 ngày để người được lấy phiếu có mức “tín nhiệm thấp” xin từ chức và 30 ngày để UBND có thẩm quyền xử lý đối với trường hợp Chủ tịch UBND có mức “tín nhiệm thấp”.

Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị quy định rõ trong dự thảo Nghị quyết trường hợp người giữ nhiều chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn mà không còn được Quốc hội, HĐND tín nhiệm thì xin từ chức hoặc bị miễn nhiệm đối với tất cả các chức vụ đang giữ. Bởi theo quy định tại khoản 5 Điều 1 của dự thảo Nghị quyết, trong trường hợp này, Quốc hội, HĐND thực hiện lấy phiếu một lần đối với các chức vụ mà người đó đảm nhiệm.

Ngoài ra, ông Hoàng Thanh Tùng cho hay quá trình thảo luận, có ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng bỏ phiếu tín nhiệm, thực chất là một hình thức xem xét kỷ luật đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Lý do là theo quy định tại Điều 11 dự thảo Nghị quyết, các trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND thường là do phát hiện có dấu hiệu sai phạm hoặc qua thăm dò cho thấy người được Quốc hội, HĐND bầu, phê chuẩn đạt mức "tín nhiệm thấp".

Trong khi đó, hệ quả nặng nhất đối với người được lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm quy định trong dự thảo Nghị quyết đều là trình Quốc hội, HĐND quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm.

Do đó, ý kiến này đề nghị trong trường hợp người được bỏ phiếu tín nhiệm có từ quá nửa tổng số đại biểu trở lên đánh giá “không tín nhiệm” thì Quốc hội, HĐND tiến hành bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị cách chức đối với người đó.

Bài liên quan
Người dân TP.HCM có thể ngồi nhà 'chấm điểm' cán bộ khi làm thủ tục hành chính
UBND TP.HCM vừa ban hành quy định đánh giá chất lượng phục vụ người dân và tổ chức trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Brazil và Dominicana
39 phút trước Sự kiện
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana đã thành công tốt đẹp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cán bộ tín nhiệm thấp phải từ chức trong 10 ngày: Cần làm rõ căn cứ