Về mặt tài chính, Việt Nam đang ở trong một tình trạng không lấy gì làm dễ chịu. Trước hết là vấn đề nợ công, trong đó nợ công quốc gia của Việt Nam đã sắp chạm ngưỡng cho phép là 65% GDP trong khi con ngựa bất kham này vẫn chưa có dấu hiệu giảm tốc hay dừng lại.

Cái giá của việc chậm trễ cải cách nền kinh tế

Nhàn Đàm | 06/06/2016, 19:38

Về mặt tài chính, Việt Nam đang ở trong một tình trạng không lấy gì làm dễ chịu. Trước hết là vấn đề nợ công, trong đó nợ công quốc gia của Việt Nam đã sắp chạm ngưỡng cho phép là 65% GDP trong khi con ngựa bất kham này vẫn chưa có dấu hiệu giảm tốc hay dừng lại.

Dù tiếng trống cải cách đã được chính thức gióng lên được hơn một tháng, với những nỗ lực và cam kết kiên quyết của thủ tướng trong hoạt động thúc đẩy môi trường đầu tư, thì đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có những động thái mang tính bước ngoặt trong các vấn đề cải cách nền kinh tế đất nước.

Việc khá nhiều những mục tiêu mà cải cách kinh tế đặt ra đang có sự va chạm và xung đột với lợi ích của một số bộ ngành, địa phương đang có xu hướng cản trở quá trình cải cách này. Dĩ nhiên, dục tốc thì bất đạt, chúng ta không được phép vội vàng nhất là trong một vấn đề có tầm quan trọng lớn như thế này với tương lai đất nước, nhưng thực tế là Việt Nam đang đứng ở sát chân tường, và cái giá của việc chậm trễ cải cách nền kinh tế sẽ vô cùng lớn.

Về lý thuyết, các cuộc cải cách nhất là về kinh tế thường được xem là những sự kiện mang tính tích cực đối với tương lai một quốc gia, tuy nhiên trên thực tế thì điều kiện dẫn tới các cuộc cải cách kinh tế luôn có tính hai mặt.

Chỉ khi nào tình trạng hiện tại không thể tồn tại lâu hơn mà không đem lại những rủi ro lớn, thì các cuộc cải cách về kinh tế mới bắt đầu diễn ra. Vì thế, các quốc gia thường phải đối mặt với những hậu quả không lấy gì làm dễ chịu nếu như cuộc cải cách kinh tế của mình thất bại hoặc diễn ra chậm trễ hơn nhiều so với dự kiến. Việt Nam ở thời điểm hiện tại cũng đang ở trong tình trạng tương tự.

Dễ dàng trả lời câu hỏi rằng, Việt Nam sẽ đạt được những lợi ích gì nếu như cuộc cải cách kinh tế đang được chính phủ phát động hiện nay thành công?

Nếu các mục tiêu căn bản của quá trình cải cách mà thủ tướng đã đề xuất như đề án “Quốc gia khởi nghiệp”, đặt khu vực kinh tế tư nhân làm trụ cột và là động lực của tăng trưởng kinh tế, vv…vv được hoàn thành đúng kỳ hạn từ nay đến năm 2020 (thời hạn của dự án “Quốc gia khởi nghiệp”) và cho đến năm 2035 (thời hạn báo cáo phát triển kinh tế Việt Nam 2016-2035 kết thúc), thì Việt Nam sẽ có một nền kinh tế thuộc diện khá phát triển.

Nếu tất cả các mục tiêu của đề án cải cách kinh tế đều được hoàn tất, thì đến năm 2035 Việt Nam sẽ có thu nhập bình quân đầu người khoảng 7.000 USD/năm, với một nền kinh tế khá phát triển lấy khu vực kinh tế tư nhân làm chủ đạo và tuân theo các nguyên tắc kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, vấn đề sẽ trở nên khó khăn hơn nếu chúng ta đi tìm câu trả lời cho câu hỏi, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những hậu quả gì nếu quá trình cải cách kinh tế đang được phát động hiện nay diễn ra chậm trễ, hoặc tồi tệ hơn là thất bại.

Câu trả lời sẽ không lấy gì làm dễ chịu, khi mà một thực tế hiển nhiên là Việt Nam đã đứng ở chân tường rồi, các sức ép về kinh tế đang trở nên ngày càng khắc nghiệt hơn và chỉ có thể được giảm nhẹ bớt phần nào nếu quá trình cải cách diễn ra thành công và trong tương lai gần.

Hai sức ép lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay có thể sẽ bùng nổ nếu như cải cách kinh tế diễn ra chậm chạp, đó là sức ép về gánh nặng tài chính quốc gia, và sức ép về sự xâm lấn về mặt thị trường nội địa.

Về mặt tài chính, Việt Nam đang ở trong một tình trạng không lấy gì làm dễ chịu. Trước hết là vấn đề nợ công, trong đó nợ công quốc gia của Việt Nam đã sắp chạm ngưỡng cho phép là 65% GDP trong khi con ngựa bất kham này vẫn chưa có dấu hiệu giảm tốc hay dừng lại.

Vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn khi tốc độ tăng trưởng của nợ công đang vượt xa mức tăng trưởng GDP trong nền kinh tế. Cụ thể, theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, thì tốc độ tăng nợ công của Việt Nam hiện nay đang quá nhanh, nợ công quốc gia tính đến năm 2015 đã tăng gấp đôi so với năm 2010, và sẽ tiếp tục tăng thêm gấp đôi trong vòng 10 năm tới.

Tổng nợ công của Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại là khoảng 2,7 triệu tỷ đồng. Việc nợ công tăng quá nhanh và vượt xa tốc độ tăng trưởng kinh tế đang đẩy nền kinh tế Việt Nam dần tiến đến nguy cơ vỡ nợ, tương tự như những gì Hy Lạp đã phải trải qua trong cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu.

Kể cả khi kịch bản xấu nhất là vỡ nợ không xảy ra, thì khối nợ công quá lớn này cũng đủ khả năng để đẩy nền kinh tế Việt Nam vào tình trạng mãi mãi không bao giờ lớn, do áp lực trả nợ quá lớn dẫn đến nguồn vốn chi cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội sẽ ngày càng teo tóp lại.

Vấn đề sức ép tài chính còn trở nên nghiêm trọng hơn, khi hàng loạt các hiệp định thương mại mà Việt Nam vừa ký kết sẽ dẫn đến sự xáo trộn lớn trong vấn đề thu ngân sách quốc gia.

Từ nay đến năm 2018, phần lớn các hiệp định thương mại mà Việt Nam ký kết sẽ có hiệu lực, như TPP hay các đối tác thương mại ở khu vực ASEAN. Hầu hết các dòng thuế nhập khẩu sẽ được đưa về mức 0% và chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn thu từ các dòng thuế này

Theo thống kê của Tổng cục hải quan, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2016 thu ngân sách của toàn ngành đã đạt 102.000 tỷ đồng, và tính tổng cộng thu cả năm thì nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu sẽ là một trong những nguồn thu trọng yếu của ngân sách nhà nước.

Mất đi một trong những nguồn thu quan trọng nhất, trong khi sức ép trả nợ và chi cho đầu tư phát triển ngày càng tăng lên, rõ ràng Việt Nam không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc cải cách nền kinh tế.

Quan trọng không kém, là việc xu hướng các nhà đầu tư nước ngoài xâm nhập và tạo dựng được chỗ đứng ngày càng lớn trong nền kinh tế Việt Nam, lấn át các doanh nghiệp nội địa.

Kể từ giai đoạn 2011-2015, khu vực kinh tế quốc doanh với đầu tàu là các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có xu hướng giảm quy mô và thu nhỏ về phạm vi hoạt động trong nền kinh tế, thì lại là giai đoạn mà các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ngày càng bành trướng.

Tính đến cuối năm 2015 khối FDI đã chiếm tới 70% tổng xuất khẩu của Việt Nam. Nguy cơ phụ thuộc về kinh tế đã ở rất gần, khi mà trong suốt nhiều năm khối kinh tế tư nhân trong nước gặp nhiều khó khăn và không thể phát triển đã tạo ra cơ hội để các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng bành trướng về mặt thị phần.

Nói cách khác, cuộc cải cách kinh tế mà thủ tướng vừa phát động, đang là cơ hội cuối cùng để nền kinh tế Việt Nam có thể cứu vãn tình thế. Nếu cải cách kinh tế thành công, với sự chuyển dịch lớn lao về mô hình tăng trưởng trong đó khu vực tư nhân thế chỗ cho khu vực quốc doanh để trở thành động lực tăng trưởng chủ đạo trong nền kinh tế, thì các nguy cơ về sức ép tài chính và nợ công cũng như nguy cơ đánh mất thị trường nội địa vào tay các nhà đầu tư nước ngoài mới có thể được giải quyết một cách dứt điểm.

Vì thế, vấn đề chính yếu hiện nay của chúng ta là phải tìm mọi cách thúc đẩy quá trình cải cách kinh tế diễn ra càng nhanh càng tốt. Thời gian không còn nhiều, và mỗi sự chậm trễ là một nguy cơ phải trả bằng một cái giá rất đắt.

Dĩ nhiên là “dục tốc bất đạt”, nhưng nếu chúng ta cứ tiếp tục nhượng bộ các bộ ngành trong việc trì hoãn những cải cách quyết liệt, thì cái giá phải trả trong tương lai gần sẽ là rất lớn và không thể đong đếm nổi. Với tình trạng nền kinh tế Việt Nam hiện nay, chậm cải cách có nghĩa là chết.

Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ CafeF, Cafebiz)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cái giá của việc chậm trễ cải cách nền kinh tế