Sau những động thái và quyết tâm cải cách đầy ấn tượng của TP.HCM với mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế tài chính hàng đầu ở Đông Nam Á, giờ đây đến lượt Hà Nội cũng bắt đầu tham gia cuộc chạy đua phát triển.

Hà Nội và TP.HCM trong cuộc chạy đua phát triển

Nhàn Đàm | 06/06/2016, 05:04

Sau những động thái và quyết tâm cải cách đầy ấn tượng của TP.HCM với mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế tài chính hàng đầu ở Đông Nam Á, giờ đây đến lượt Hà Nội cũng bắt đầu tham gia cuộc chạy đua phát triển.

Cuộc cải cách kinh tế ở Việt Nam vừa được phát động hơn một tháng trước đang đi theo chiều hướng khá năng động và khác khá nhiều so với suy nghĩ của nhiều người. Trong khi các tiến triển về mặt vĩ mô nền kinh tế vẫn chưa có nhiều bước tiến thực sự, khi các giải pháp hỗ trợ và thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp của chính phủ vẫn chưa thực sự tạo ra nhiều hiệu quả, thì điểm sáng về cải cách và phát triển lại đang thuộc về các trung tâm kinh tế đầu tàu của cả nước.

Sau những động thái và quyết tâm cải cách đầy ấn tượng của TP.HCM với mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế tài chính hàng đầu ở Đông Nam Á, giờ đây đến lượt Hà Nội cũng bắt đầu tham gia cuộc chạy đua phát triển.

Trong cuộc chạy đua phát triển này, Hà Nội là người đến sau khi mà những động thái cam kết cải cách trên quy mô lớn đã được thúc đẩy ở TP.HCM từ cách đây vài tháng.

Tuy nhiên, từ vị trí là người đến sau, Hà Nội ở thời điểm hiện tại đang vượt lên dẫn trước đối thủ ở phía Nam của mình một quãng đường khá dài khi đề án phát triển Hà Nội từ 2016-2020 đã được công bố đầy đủ và chi tiết trong hội nghị “Hà Nội 2016: Hợp tác, đầu tư và phát triển” – một hội nghị với quy mô lớn chưa từng có với sự tham gia của lãnh đạo chính phủ và 500 khách mời được tổ chức vào ngày thứ Bảy 4.6.

Trong đề án phát triển 2016-2020 này, các vấn đề mấu chốt nằm trong diện ưu tiên cải cách để thúc đẩy phát triển được liệt kê rất rõ ràng.

Cụ thể, các phương hướng chủ yếu của đề án phát triển đầy tham vọng này là: ưu tiên và tập trung cho khu vực kinh tế tư nhân theo công thức “Nhà nước 20 – Tư nhân 80”, theo đó Hà Nội sẽ huy động khoảng 2,5-2,6 triệu tỷ đồng vốn đầu tư xã hội cho phát triển từ nay đến 2020, trong đó 20% là vốn đầu tư ngân sách, và 80% còn lại đến từ khu vực ngoài nhà nước.

Trong đó, các dự án sử dụng vốn ngân sách sẽ chỉ tập trung vào những dự án hạ tầng và những dự án phục vụ phát triển kinh tế xã hội có tính chất lan tỏa, và nhường lại toàn bộ các lĩnh vực phát triển kinh tế cho khu vực kinh tế tư nhân.

Mục tiêu căn bản mà Hà Nội hướng đến từ nay đến 2020 khá tham vọng, trong đó đạt mức tăng trưởng trung bình 8,5-9%/năm trong giai đoạn 2016-2020, và có thêm 200.000 DN mới trong giai đoạn này, nghĩa là chiếm gần một nửa mục tiêu của kế hoạch “Quốc gia khởi nghiệp” là từ nay đến năm 2020 cả nước có thêm 500.000 DN mới.

Việc công bố đề án phát triển kinh tế - xã hội toàn diện này đang cho phép Hà Nội đạt được một bước tiến dài vượt lên trên so với đối thủ chính của mình là TP.HCM, dù đầu tầu kinh tế của cả nước ở phía Nam đã đi trước Hà Nội một khoảng thời gian lên tới vài tháng.

Vì dù TP.HCM đã thể hiện những quyết tâm cải cách kinh tế - xã hội mạnh mẽ của mình từ cách đây vài tháng, sau khi tân bí thư Đinh La Thăng nhậm chức, thì thực tế là đến thời điểm hiện tại TP.HCM vẫn chưa đưa ra được một đề án tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội như Hà Nội vừa làm được.

Nguyên nhân chủ yếu có lẽ là vì chính quyền TP.HCM vẫn đang muốn được cấp một cơ chế đặc biệt đóng vai trò nền tảng để giải phóng toàn bộ khả năng phát triển của thành phố vốn bị hạn chế khá nhiều trong những năm qua, vì thế nên TP.HCM mới chưa đưa ra được một đề án phát triển tổng thể mà Hà Nội vừa mới công bố.

Quả thực, so với TP.HCM vốn là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước thì những điều kiện về thúc đẩy phát triển kinh tế của Hà Nội sẽ không thể bằng, nhưng Hà Nội trên thực tế lại đang nắm giữ rất nhiều điều kiện thuận lợi hơn hẳn so với TP.HCM trong cuộc đua phát triển hiện tại.

Việc giữ vai trò là thủ đô đã khiến cho Hà Nội có một cơ chế riêng và thuận lợi hơn TP.HCM khá nhiều khi mà đến nay chính quyền TP.HCM vẫn đang trầy trật trong việc xin được cấp một cơ chế đặc thù tương tự như Hà Nội.

Chẳng hạn như về nguồn vốn được giữ lại để đầu tư cho phát triển, TP.HCM dù là đầu tàu kinh tế của cả nước, tạo ra 20% GDP và 30% thu ngân sách nhưng tổng chi hàng năm chỉ đạt khoảng 7-10% tổng sản phẩm địa phương (bao gồm cả ODA), trong khi đó mức chi hàng năm được phép lên tới 19% (chưa tính ODA).

Chính việc được giữ lại nhiều vốn hơn để tập trung cho phát triển kinh tế - xã hội, cộng với việc giữ vai trò thủ đô và được hưởng nhiều những lợi ích chẳng hạn như các dự án giao thông hạ tầng, nên Hà Nội hiện tại đang nắm giữ nhiều điều kiện thuận lợi hơn so với TP.HCM trong cuộc bứt phá về phát triển kinh tế, dù tiềm năng của TP.HCM đang lớn hơn Hà Nội khá nhiều.

Bản đề án tổng thể kế hoạch phát triển 2016-2020 của Hà Nội được đánh giá là đầy đủ và mang tính cải cách rõ nét, trong đó hướng đi chủ đạo là nhường lại phần lớn những lĩnh vực phát triển kinh tế cho khu vực tư nhân, hỗ trợ và thúc đẩy các DN tư nhân phát triển bằng hết khả năng có thể, đồng thời thu gọn và giới hạn lại phạm vi hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước và các hoạt động đầu tư phát triển bằng vốn ngân sách nhà nước.

Bản đề án tổng thể của Hà Nội vì thế đang theo đúng những tinh thần cơ bản của kế hoạch “Quốc gia khởi nghiệp” mà thủ tướng đã công bố cách đây vài tuần, nên có thể gọi đó là bản đề án của kế hoạch “thành phố khởi nghiệp” của riêng Hà Nội.

Việc thúc đẩy các thành phố trung tâm đóng vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước phát triển mạnh mẽ như TP.HCM hay Hà Nội là một bước đi phù hợp vì nó đóng vai trò các chiến lược cải cách kinh tế theo chiều dọc, song song với quá trình cải cách kinh tế theo chiều ngang là các giải pháp cải cách vĩ mô trong bình diện nền kinh tế của cả nước do chính phủ thực hiện.

Vì trên thực tế, quá trình cải cách nền kinh tế dù diễn ra trên bình diện bao phủ và trải rộng ra khắp cả nước, thì nó vẫn chỉ tập trung mạnh mẽ nhất ở các thành phố lớn vốn là các đầu tàu tăng trưởng. Vì thế, ngoài việc cải cách vĩ mô trên bình diện nền kinh tế như một điều kiện cần, thì việc cần làm là thúc đẩy cải cách và tăng trưởng ở các thành phố trung tâm lớn như Hà Nội hay TP.HCM là điều kiện đủ.

Nói cách khác, đó là một cuộc chạy đua phát triển mà người chiến thắng là các thành phố, còn người hưởng lợi sau cùng là nền kinh tế đất nước.

Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ The Saigon Times, CafeF, Cafebiz)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội và TP.HCM trong cuộc chạy đua phát triển