Sau thời gian Hà Nội cho học sinh quay trở lại trường học trực tiếp, đến nay nhiều trường đã buộc học sinh dừng học vì có ca F0 khiến nhiều phụ huynh lo lắng.

Các trường ở Hà Nội loay hoay với dịch COVID-19 khi học sinh đi học trực tiếp

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 15/12/2021, 11:42

Sau thời gian Hà Nội cho học sinh quay trở lại trường học trực tiếp, đến nay nhiều trường đã buộc học sinh dừng học vì có ca F0 khiến nhiều phụ huynh lo lắng.

Trong những ngày gần đây, các F0 ở Hà Nội tăng nhanh khiến nhiều phụ huynh lo lắng, thậm chí nhiều trường học đã phải cho các khối lớp 9 và lớp 12 dừng học trực tiếp vì có các ca F0 là học sinh.

Khi Hà Nội cho phép học sinh lớp 12 đến trường học trực tiếp, rất nhiều phụ huynh đã lo lắng, thậm chí nhiều gia đình không đồng ý cho con em mình tới trường khi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin COVID-19. Nhiều phụ huynh đã để học sinh ở nhà học trực tuyến thay vì phải đến trường học trực tiếp, đối diện với nguy cơ dịch bệnh đang tăng cao và có lớp ở Hà Nội chỉ có duy nhất 1 học sinh đến trường.

Tính đến nay, học sinh lớp 12 ở Hà Nội đi học trực tiếp đã được 10 ngày. Trong bối cảnh số ca dương tính mới của Hà Nội đã chạm mốc 1.000 ca trong ngày 13.12, cả giáo viên, phụ huynh và học sinh đều tỏ ra lo lắng.

giao-vien.jpg
Học sinh, phụ huynh và giáo viên còn nhiều lo lắng khi học trực tiếp

Ghi nhận của phóng viên, mặc dù thực hiện chặt chẽ các giải pháp phòng dịch nhưng trường THPT Phạm Hồng Thái, quận Ba Đình vẫn ghi nhận cả F0, F1 và F2 trong giáo viên, học sinh. Các trường hợp này đều lây nhiễm tại cộng đồng, sau đó đến lớp học. Việc này khiến nhà trường này đã phải chuyển nhiều lớp từ học trực tiếp sang trực tuyến. Còn tại quận Đống Đa, học sinh đã được cho nghỉ học từ ngày 14.12 và Hà Nội tới nay vẫn chưa có thống kê chính thức về số học sinh thuộc diện F0, F1, F2 của thành phố được phát hiện sau khi các em đi học trở lại. Tuy nhiên, tâm lý bất ổn trong học sinh, phụ huynh và giáo viên là có thật và cần có giải pháp để các em tập trung vào việc học hành.

Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, qua thời gian thí điểm dạy học trực tiếp ở khối lớp 9 và lớp 12 trên địa bàn thành phố, đến nay có 64 nghìn học sinh khối lớp 9, lớp 12 đi học đảm bảo an toàn. Để đảm bảo chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT xác định vừa tổ chức kết hợp dạy học trực tuyến và trực tiếp, đảm bảo thích ứng linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong đó, chú trọng giản lược chương trình, tập trung vào nội dung cốt lõi. Chủ động rà soát kết quả học tập trực tuyến và bổ sung kiến thức cần thiết, tránh gây áp lực quá tải với học sinh. Quản lý chặt chẽ kỷ luật, nền nếp học tập của học sinh, kiểm tra đánh giá chất lượng dạy học.

Thầy Khuất Đăng Khoa, Hiệu trưởng Trường THPT Hai Bà Trưng (Thạch Thất, Hà Nội) cho biết, dù trường đóng tại địa bàn đang khá an toàn, dịch ở cấp độ 1, song trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên toàn thành phố nói chung, thầy và trò nhà trường luôn đặc biệt chú trọng công tác phòng chống dịch, tuyệt đối không chủ quan khi cho học sinh đến trường học trực tiếp. Để đảm bảo giãn cách, trường chia đôi khối lớp 12, một nửa sẽ học vào thứ 2, 4, 6, số lớp còn lại sẽ học vào các thứ 3, 5, 7. Không chỉ giãn cách trong từng lớp, mà còn áp dụng giãn cách giữa các lớp với nhau bằng một phòng học trống.

hoc-sinh-12-7.jpg
Nhiều trường đã cho học sinh nghỉ toàn bộ khi phát hiện 1 F0

Còn tại các quận đang có số ca F0 tăng nhanh, hiệu trưởng các trường THPT đều cho rằng, ngoài việc phòng chống dịch, đảm bảo an toàn, hiện nay nhà trường cũng đẩy mạnh việc bồi dưỡng kiến thức cho học sinh sau thời gian dài học trực tuyến. Theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT Hà Nội, các trường chỉ dạy trực tiếp 1 buổi trên ngày, do đó chưa đủ điều kiện để tổ chức các lớp học ôn tập cho học sinh. Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp của các học sinh, các trường đã cử giáo viên bồi dưỡng, hướng dẫn miễn phí, theo sát các học sinh có học lực yếu, kém, với các học sinh khác, thầy cô vẫn kết hợp dạy trực tiếp trên lớp và giao bài tập, hướng dẫn học sinh tự học thêm.

Theo các chuyên gia y tế, hiện nay theo số liệu về các ca mắc COVID-19 mà Bộ Y tế công bố, thì tỷ lệ học sinh dù không đến trường nhưng vẫn lây dịch bệnh từ người thân, người nhà, hàng xóm... tăng nhanh trong thời gian gần đây. Điều này cho thấy việc cho trẻ ở nhà hay đi học thì nguy cơ lây nhiễm vi rút vẫn khá cao, vì vậy phụ huynh cần có những giải pháp phù hợp, hướng dẫn con em mình thực hiện đủ các biện pháp 5K và không chủ quan trước dịch bệnh chứ không chỉ là giữ con ở nhà, không đi học chỉ để tránh lây bệnh. "Cần có một giải pháp phù hợp hơn, thích ứng an toàn chứ không phải giữ con mình riêng ở trong nhà để tránh dịch bệnh mà làm ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ" - chuyên gia y tế khuyến cáo.

Còn PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, khi ghi nhận người mắc COVID-19 là học sinh, không nên lo lắng. Trong trường hợp đó nên tạm dừng học trực tiếp đối với lớp có học sinh mắc COVID-19, không nên cho nghỉ học trực tiếp cả trường. Nếu ngành giáo dục cứ có F0 là cho nghỉ cả trường thì việc để cho các em trở lại trường rất khó thực hiện. Ngành giáo dục nên yêu cầu các học sinh, giáo viên thực hiện tốt an toàn phòng chống dịch bệnh, cùng với đó là các lớp học cũng đã được phân chia, quản lý rõ ràng. "Tôi thấy có trường chỉ 1 học sinh đi học. Tôi nghĩ các trường phải giải thích, truyền thông để cha mẹ biết việc học quan trọng, chứ không thể nghỉ mãi được. Học sinh tiếp xúc nhiều với máy tính, ở trong nhà mãi cũng không nên, nên cho các em tiếp xúc với bạn bè, thầy cô trường lớp để kiến thức thu thập được tốt hơn, học trực tuyến nhiều học sinh sẽ ngày càng lơ là".

Theo Hướng dẫn liên ngành về phương án phòng, chống dịch COVID-19 khi có trường hợp F0, F1, F2 trong trường học của Sở GD-ĐT và Sở Y tế TP.Hà Nội, nhà trường cần kích hoạt ngay các phương án phòng, chống dịch và báo cáo ngay cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương; thông báo cho F0 và yêu cầu không tự ý di chuyển, không tiếp xúc gần dưới 1m với người xung quanh, đeo khẩu trang y tế và chờ được hướng dẫn, xử trí. Đồng thời, nhà trường cần hướng dẫn cho F0 di chuyển theo lối đi đã được phân luồng đến phòng cách ly tạm thời; hạn chế di chuyển bằng thang máy hoặc bố trí thang máy riêng, khử khuẩn theo quy định ngay sau khi sử dụng; phong tỏa tạm thời toàn bộ trường, lớp nào ở yên lớp đó; thông báo cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh đang có mặt tại trường học thông tin chính xác, không để xảy ra hoang mang, lo lắng; yêu cầu nghiêm túc khai báo y tế, thực hiện 5K.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các trường ở Hà Nội loay hoay với dịch COVID-19 khi học sinh đi học trực tiếp