Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ trực tiếp với học sinh lớp 1 và 2, trừ trường hợp bất khả kháng.
Ngay khi Bộ GD-ĐT có văn bản "Hướng dẫn tổ chức dạy học, đánh giá học sinh tiểu học thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông ứng phó dịch COVID", trong đó đáng chú ý nhất là đối với lớp 1, 2 phải được kiểm tra định kỳ bằng hình thức thi trực tiếp. Điều này dấy lên nghi ngại của nhiều phụ huynh giữa tình hình dịch bệnh căng thẳng.
Trong văn bản mới nhất, Bộ GD-ĐT hướng dẫn tổ chức cho học sinh lớp 1, 2 kiểm tra định kỳ trực tiếp; mục đích nhằm đánh giá thực chất kết quả học tập của học sinh và tăng trách nhiệm quản lý của các cấp. Diễn ra trong điều kiện dịch, các trường sẽ lên kế hoạch chi tiết, họp phụ huynh để phổ biến, hướng dẫn. Bộ hướng dẫn chia nhỏ số học sinh mỗi lớp để ôn tập, bổ sung kiến thức, định hướng nội dung cốt lõi trước khi làm bài kiểm tra. Trong khi khối 1 và 2 được yêu cầu kiểm tra trực tiếp, các lớp 3, 4, 5 có thể triển khai bài thi cuối kỳ I bằng cách trực tiếp hoặc trực tuyến. Các môn kiểm tra gồm Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lí, Ngoại ngữ, Tin học, Tiếng dân tộc.
Tiếp nhận thông tin trên, các nhà trường và phụ huynh đều hiểu rằng, việc kiểm tra trực tiếp với lớp 1, 2 có khả thi hay không phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh thực tế của từng khu vực tại thời điểm tổ chức kiểm tra. Tuy nhiên, trả lời về vấn đề này, chị Quách Thị Hiệu, có con đang học lớp 2 tại trường Tiểu học An Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng việc kiểm tra trực tiếp này là không cần thiết, đặc biệt khi các ca nhiễm cộng đồng ở Hà Nội đang tăng nhanh.
"Việc kiểm tra cuối kỳ theo hình thức trực tuyến vẫn là đảm bảo nhất, bởi lẽ không nên quá áp lực với các con học sinh lớp 1, 2 mà chỉ cần các con nhớ các mặt chữ là được. Điều quan trọng nhất là đảm bảo sức khỏe cho các con chứ không phải là điểm số trên sách vở, nếu cho lựa chọn tôi vẫn biểu quyết cho con học và thi trực tuyến, kể cả điểm kém tôi vẫn ủng hộ, kiến thức có thể bổ sung nhưng sức khỏe của các con thì không" - chị Hiệu cho hay.
Đồng quan điểm với chị Hiệu, hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận Ba Đình cho biết, nhà trường vẫn chờ quyết định chính thức từ phòng GD-ĐT và Sở rồi mới có quyết định cuối cùng, nhà trường vẫn chuẩn bị phương án cho học sinh thi trực tuyến lẫn trực tiếp, tuy nhiên khi hỏi nhiều phụ huynh thì họ đều ủng hộ phương án trực tuyến nhiều hơn.
Về vấn đề trên, theo Hiệu trưởng trường Tiểu học Bắc Sơn A (huyện Sóc Sơn) Chu Văn Kiểm thì các trường học thuộc vùng xanh rất mong muốn học sinh khối 1, 2 được đến trường kiểm tra cuối kỳ trực tiếp. “Việc này là hoàn toàn tổ chức được với học sinh thuộc vùng 1, 2. Ví như trường Tiểu học Bắc Sơn A, mỗi khối 1, 2 có 6 lớp, tổng hơn 400 học sinh. Nếu tổ chức kiểm tra trực tiếp, nhà trường sẽ phân ca, phân lớp đảm bảo yêu cầu 5K; có khử khuẩn, đo thân nhiệt, ngồi giãn cách, đeo khẩu trang, khai báo y tế… Việc tổ chức kiểm tra trực tiếp hoàn toàn khả thi và cho kết quả đảm bảo thực chất", - thầy Chu Văn Kiểm bày tỏ.
Trong khi đó, trả lời cụ thể hơn về vấn đề này, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng vụ giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho hay, với những khối lớp đầu cấp tiểu học, không có bài kiểm tra giữa kỳ nên việc có một bài kiểm tra trực tiếp cuối kỳ rất quan trọng, giúp đánh giá cả quá trình dạy học và đánh giá lại quá trình đánh giá thường xuyên. “Đánh giá định kỳ đối với lớp 1 và lớp 2 là việc để khẳng định lại kết quả của việc đánh giá thường xuyên. Do đó, trong văn bản hướng dẫn, chúng tôi có nêu rõ việc đánh giá định kỳ chỉ được thực hiện khi học sinh đã được học nội dung chương trình các môn học, hoạt động giáo dục tương ứng. Các chương trình đó đã được giáo viên tổ chức thực hiện đánh giá thường xuyên trong quá trình học tập, được tổng hợp kết quả đánh giá tại các thời điểm theo quy định (giữa học kỳ I, cuối học kỳ I, giữa học kỳ II và cuối năm học) và được thực hiện linh hoạt vào các thời điểm phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học thực tế tại địa phương”, ông Tài nói.
Theo quan điểm vủa mình, Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết, học - kiểm tra là nguyên tắc bất biến, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải dứt khoát thực hiện. Có kiểm tra, đánh giá thì mới biết năng lực của người học, khả năng truyền đạt của người dạy đến đâu. Tuy nhiên, trước quyết định kiểm tra định kỳ trực tiếp với học sinh lớp 1, 2 mà Bộ GD-ĐT đưa ra, giáo sư Nguyễn Tùng Lâm chưa thực sự đồng tình.
Ông cho rằng học tập phải gắn liền với đánh giá, đây là quy định có trong chương trình giáo dục, chúng ta cần tôn trọng và thực hiện. Nhưng hình thức, mục đích kiểm tra thế nào, cần phải linh hoạt, mềm dẻo để phù hợp với tình hình thực tiễn hơn. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện tại, những vùng xanh, vùng đảm bảo yêu cầu vẫn đang học bình thường, thì việc đánh giá diễn ra theo hình thức trực tiếp là điều đương nhiên. Nhưng với những vùng đang trong cấp độ dịch, trẻ vẫn phải học online, thì cần đánh giá theo hình thức trực tuyến. "Đặc biệt, không nên đặt nặng về điểm số. Lớp 1, 2, trẻ "đọc thông, viết thạo" đã là xuất sắc rồi. Đánh giá là để khích lệ, giúp trẻ tiến bộ, chứ không phải vùi dập học sinh" - giáo sư Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.