Các nhà nghiên cứu khẳng định biến đổi khí hậu có thể tạo ra những thay đổi lớn ở các vùng trồng nho trên toàn cầu.
Biến đổi khí hậu khiến các vườn nho truyền thống bị suy thoái nhưng lại mở ra những cơ hội mới ở những vùng khác. Các nhà nghiên cứu đã lập bản đồ toàn cảnh các vùng trồng nho trên thế giới có thể thay đổi như thế nào.
Trong khi khoảng 90% các khu vực ven biển và vùng thấp ở châu Âu và California có thể mất khả năng sản xuất rượu vang một cách hiệu quả, thì các khu vực khác như British Columbia ở Canada và bang Washington có thể hưởng lợi.
Các nhà nghiên cứu từ các cơ quan khoa học Pháp - gồm INRAE (Viện nghiên cứu công về nông nghiệp, thực phẩm và môi trường của Pháp), Bordeaux Sciences Agro, CNRS (Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia), Đại học Bordeaux và Đại học Bourgogne - đã hợp tác cùng nhau để tạo ra bản đồ sản xuất rượu vang trong tương lai. Họ kết luận rằng, ở mọi châu lục, ‘sẽ có người thắng và kẻ thua’.
Chuyển đổi vùng rượu vang
Các vùng trồng nho hiện nay chủ yếu nằm ở vĩ độ trung bình (bang California của Mỹ; miền nam nước Pháp; miền bắc Tây Ban Nha và Ý; Barossa của Úc; Stellenbosch của Nam Phi; và Mendoza của Argentina, cùng những nơi khác), nơi có khí hậu đủ ấm để cho phép trồng nho chín nhưng không bị nóng quá và tương đối khô (giảm thiểu khả năng mắc bệnh).
Nhưng những thay đổi đã được nhìn thấy: việc thu hoạch ở hầu hết các vườn nho hiện bắt đầu sớm hơn từ 2 đến 3 tuần so với 40 năm trước, gây ra những ảnh hưởng lên nho và quy trình làm rượu vang (Ở Pháp - nơi các hồ sơ đã được lưu giữ trong nhiều thế kỷ - các nhà khoa học đã có thể theo dõi sự thay đổi của khí hậu thông qua ngày thu hoạch nho được ghi lại từ năm 1354).
Ở những vùng trồng nho lâu đời, các điều kiện phù hợp cho việc sản xuất rượu vang có thể sẽ thay đổi đáng kể hơn nhiều trong thế kỷ 21. Trên thực tế, 90% vùng sản xuất rượu vang truyền thống ở vùng ven biển và vùng đất thấp của Tây Ban Nha, Ý, Hy Lạp và miền nam California có nguy cơ biến mất vào cuối thế kỷ vì hạn hán quá mức và các đợt nắng nóng thường xuyên. Kéo theo đó là “những hậu quả kinh tế và xã hội tiêu cực to lớn”.
Nhưng nhiệt độ ấm hơn có thể làm cho các khu vực khác phù hợp với trồng nho làm rượu. Theo WineGB, nước Anh đã hưởng lợi trong sản xuất rượu vang: diện tích vườn nho trên khắp nước Anh đã tăng 74% trong 5 năm qua. Nghề trồng nho hiện đại diện cho một trong những ngành nông nghiệp phát triển nhanh nhất của Anh.
Các khu vực khác sẽ ngày càng trở nên thịnh vượng về rượu vang như bang Washington và Oregon ở Mỹ, Tasmania ở Úc và các vùng phía bắc nước Pháp. Các vựa nho ở Argentina sẽ phải di chuyển về phía nam xuống Patagonia, còn các vườn nho ở Ecuador và Colombia trên dãy Andes sẽ phải dịch lên cao hơn.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét hai kịch bản: một kịch bản khi nhiệt độ tăng lên 2 °C và kịch bản nóng lên cao hơn với mức tăng tới 4 °C, đồng thời xem xét các vùng sản xuất rượu vang có thể thay đổi như thế nào trong suốt thế kỷ 21.
Trên quy mô toàn cầu, khoảng 25% vùng sản xuất rượu vang hiện tại có thể được hưởng lợi từ việc tăng nhiệt độ giới hạn ở mức 2°C và khoảng 26% có khả năng duy trì sản xuất bằng các biện pháp quản lý phù hợp.
Các nhà nghiên cứu lưu ý: “Điều này có nghĩa là mức độ nóng lên toàn cầu dưới 2 °C có thể được coi là ngưỡng an toàn cho hơn một nửa số vườn nho truyền thống”.
Ngược lại, khi nhiệt độ tăng vượt quá 2°C, 70% các vùng sản xuất rượu vang hiện tại có thể đánh mất điều kiện phù hợp để trồng nho. Cụ thể, 29% có thể gặp điều kiện khí hậu quá khắc nghiệt, cản trở việc sản xuất rượu vang cao cấp, trong khi tương lai của 41% còn lại sẽ phụ thuộc vào tính khả thi hiệu quả của các biện pháp thích ứng hiệu quả.
Bắc Mỹ: California rung chuyển
Sản xuất rượu vang ở Bắc Mỹ (chiếm khoảng 10% sản lượng toàn cầu) hiện tập trung ở California, gồm cả ở Thung lũng Napa nổi tiếng. Nhưng diện tích thực sự phù hợp để sản xuất rượu vang ở California có thể giảm tới 50% vào cuối thế kỷ 21.
Mức độ nóng lên toàn cầu vừa phải vẫn còn duy trì cho các vùng ven biển của California điều kiện phù hợp để sản xuất rượu vang chất lượng cao. Nhưng các nhà sản xuất rượu ở đây sẽ phải đối mặt với nguy cơ hạn hán, nắng nóng và cháy rừng ngày càng tăng.
Còn nếu nhiệt độ nóng lên toàn cầu vượt quá 2°C, vùng ven biển California sẽ chuyển sang khí hậu quá ấm áp và khô cằn để trồng nho, có thể dẫn đến suy giảm chất lượng rượu vang và tính hiệu quả.
Các khu vực nội địa của California còn nhạy cảm hơn và có thể gặp vấn đề sớm hơn. Phần phía nam của California - vốn có đặc điểm là khí hậu khô và ấm - được dự đoán sẽ trở nên không phù hợp để sản xuất rượu vang chất lượng cao trong bối cảnh nhiệt độ toàn cầu nóng lên vượt quá 2 °C.
Nhưng các vùng rượu vang ở phía bắc, chẳng hạn như British Columbia, bang Washington, Oregon, Great Lakes và New England… tiềm năng sản xuất rượu vang cao cấp lại tăng lên nhờ sự chuyển đổi từ khí hậu mát mẻ sang trung bình (hoặc thậm chí ấm áp) thích hợp cho việc trồng nho.
Nhưng cần lưu ý là điều này chỉ đúng khi nhiệt độ tăng tối đa 2 độ C: còn nếu vượt ngưỡng này, nguy cơ các đợt nắng nóng và áp lực dịch bệnh (đặc biệt ở những vùng ẩm ướt này) lại càng gia tăng.
Châu Âu: Chuyển từ Địa Trung Hải sang Đại Tây Dương
Tây Ban Nha, Pháp, Ý và Đức đang chiếm một nửa sản lượng rượu vang toàn cầu. Mức độ nóng lên toàn cầu ở mức thấp (<2 °C) sẽ cho phép hầu hết các vùng rượu vang truyền thống tiếp tục sản xuất, mặc dù họ phải thực hiện một số biện pháp thích ứng nhất định (đặc biệt là ở Nam Âu).
Trong các kịch bản nóng lên nghiêm trọng hơn, hầu hết các khu vực Địa Trung Hải có nguy cơ không phù hợp để sản xuất rượu vang và giải pháp duy nhất để giữ các vườn nho ở vĩ độ dưới 45° N là di dời đến các vùng cao hơn.
Nhưng 90% vùng sản xuất rượu vang truyền thống nằm ở vùng đất thấp và ven biển của Tây Ban Nha, Ý và Hy Lạp có nguy cơ biến mất vào cuối thế kỷ này. Về mặt lý thuyết, chỉ một phần nhỏ của sự mất mát này (dưới 20%) có thể được bù đắp bằng cách chuyển các vườn nho về phía vùng núi (độ cao lên tới 1.000 m).
Nhìn chung, diện tích bề mặt thích hợp của các vùng sản xuất rượu vang truyền thống dự kiến sẽ giảm 20–70% vào cuối thế kỷ này, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của kịch bản Trái đất nóng lên.
Các vùng rượu vang mới dự kiến sẽ mở rộng về phía bắc, đặc biệt là dọc theo ven bờ Đại Tây Dương, dẫn đến sự tăng trưởng ròng các khu vực phù hợp với khí hậu ở châu Âu lên tới 60%.
Châu Phi và châu Á hiện có mức sản xuất rượu vang thấp (lần lượt là 3,8% và 3,5%). Các vùng rượu vang mới nổi tiềm năng ở châu Phi gồm vùng cao nguyên Kenya và Ethiopia, nơi ngành công nghiệp rượu vang đang ở giai đoạn phát triển ban đầu. Ở châu Á, các khu vực mới nổi có tiềm năng gồm bán đảo Tiểu Á và dãy núi Pamir-Himalayan.
Nhìn chung, tùy thuộc vào mức độ nóng lên toàn cầu, có tới 65% các vườn nho truyền thống của Úc có thể trở nên không phù hợp về mặt khí hậu, trong khi các vùng sản xuất rượu vang ở New Zealand có tiềm năng mở rộng thêm 15–60% vào cuối thế kỷ này.
Học cách thích nghi
Câu hỏi quan trọng sẽ là những thay đổi diễn ra với tốc độ và mức độ như thế nào – điều này phụ thuộc vào mức độ tăng nhiệt độ.
Và các nhà nghiên cứu thừa nhận rằng một số dự báo của họ có thể khá bi quan, bởi vì họ không tính đến khả năng người trồng thích ứng với các điều kiện thay đổi.
Các vùng rượu vang hiện tại có thể thích ứng với mức độ ấm lên nhất định bằng cách thay đổi giống cây và cách quản lý vườn nho.
Chất lượng rượu vang rất nhạy cảm với nhiệt độ trong quá trình chín nho. Lý do là các kiểu thời tiết thay đổi có thể làm thay đổi hương vị, mùi thơm và chất lượng rượu vang (nhiệt độ thấp trong quá trình chín nho thường dẫn đến rượu có màu xanh lục và axit, trong khi nhiệt độ cao dẫn đến nồng độ cồn cao và độ axit thấp, có mùi thơm trái cây nấu chín thay vì trái cây tươi).
Và trong khi nghiên cứu phát huy tiềm năng cho các vùng rượu vang mới, chúng cần được tạo ra một cách thân thiện với môi trường. Môi trường sống hoang dã có thể bị đe dọa khi nông dân dọn đất để trồng vườn nho; và thậm chí chuyển đổi đất nông nghiệp hiện có sang trồng nho đồng nghĩa với việc ít đất canh tác dành cho sản xuất lương thực hơn. Nếu những vườn nho mới được tưới tiêu, điều này sẽ làm tăng sự cạnh tranh về nguồn nước ngọt.