Tỷ lệ sinh của loài người sẽ tiếp tục giảm mạnh trong thế kỷ tới và chỉ trong vòng 25 năm nữa, dân số ở hơn 2/3 các quốc gia sẽ suy giảm.
Đó là phát hiện của một nghiên cứu mới được công bố trên The Lancet. Nhóm các nhà khoa học quốc tế thực hiện nghiên cứu đã cảnh báo rằng các chính phủ phải chuẩn bị cho những thay đổi lớn mà thế giới sẽ phải đối mặt trong những thập niên tới, do những thay đổi này đối với mô hình dân số toàn cầu.
Natalia Bhattacharjee, nhà thống kê dân số của Viện Đo lường và Đánh giá Y tế (IHME) ở Mỹ, cho biết: “Những xu hướng tương lai về tỷ lệ sinh và số trẻ ra đời sẽ định hình lại hoàn toàn nền kinh tế toàn cầu và cán cân quyền lực quốc tế, đồng thời đòi hỏi phải tổ chức lại xã hội”.
Trở lại năm 2018, các nghiên cứu trước đây cho thấy tỷ lệ sinh ở một nửa dân số thế giới đã giảm và tình trạng sụt giảm vẫn tiếp tục.
Còn nghiên cứu mới còn bi quan hơn khi dự báo đến năm 2050, người dân sống ở 155 trong số 204 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia nghiên cứu, sẽ sinh ít con hơn mức cần thiết để duy trì dân số ổn định.
Dự báo cũng cho thấy đến năm 2100, con số này sẽ tăng lên 198 quốc gia và vùng lãnh thổ có tỷ lệ sinh thấp hơn tỷ lệ tử. Ở Bhutan, Bangladesh, Nepal và Ả Rập Saudi vốn từng là những điểm nóng về sinh nhiều con, tỷ lệ này sẽ giảm xuống dưới mức một trẻ em trên một phụ nữ. Vào thời điểm đó, còn rất ít quốc gia dự kiến có tỷ lệ sinh vượt mức cần thiết để duy trì dân số (ít nhất hai ca sinh trên một phụ nữ) là Samoa, Somalia, Tonga, Niger, Chad và Tajikistan.
Và nếu tất cả dự đoán đều đúng mà không có các chính sách di cư chiến lược, dân số loài người ở những nơi có tỷ lệ sinh thấp chắc chắn sẽ giảm xuống. Nhưng điều đó có tệ đến thế không? Ở nhiều nước, tỷ lệ sinh giảm là kết quả của điều kiện sống tốt hơn, đặc biệt là cho phụ nữ.
Nhà thống kê sinh học Stein Emil Vollset cũng là thành viên của nhóm dự báo Kịch bản Sức khỏe Tương lai cho biết: “Theo khía cạnh tích cực, tỷ lệ sinh giảm là một câu chuyện thành công, phản ánh không chỉ các biện pháp tránh thai tốt hơn, dễ dàng tiện lợi hơn mà còn phản ánh nhiều phụ nữ chọn cách trì hoãn hoặc sinh ít con hơn, để có nhiều cơ hội hơn về giáo dục và việc làm”.
Vào những năm 1950, mỗi phụ nữ sinh khoảng dưới 5 đứa trẻ, rất cao so với con số hơn 2 đứa trẻ vào năm 2021. Nhưng các tác giả chỉ ra rằng tác động của sự thay đổi mạnh mẽ như vậy đối với dân số loài người cũng sẽ phụ thuộc vào cách quản lý và nơi cư trú của con người. Họ nói rằng hiện tại, thế giới chưa chuẩn bị cho những gì sắp xảy ra.
Nghiên cứu cho thấy phần lớn trẻ em - 3/4 - sẽ được sinh ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp trong những thập niên tới.
Vào năm 2050, Tchad và Niger được dự đoán sẽ có tỷ lệ sinh cao nhất trên toàn thế giới và đến năm 2100, Samoa và Tonga được dự đoán sẽ có tỷ lệ sinh cao nhất.
Đến năm 2100, cứ hai đứa trẻ được sinh ra thì có một bé đến từ châu Phi, nơi đã đóng góp 1/3 số trẻ sơ sinh trên thế giới vào năm 2021.
Vollset nói: “Thế giới sẽ đồng thời giải quyết cả tình trạng “khủng hoảng thiếu trẻ sơ sinh' ở một số quốc gia lẫn 'sự bùng nổ trẻ sơ sinh' ở một số quốc gia khác". Khi hầu hết thế giới phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế do lực lượng ở độ tuổi lao động bị thiếu hụt và gánh nặng chăm sóc cũng như chi trả cho dân số già, thì nhiều quốc gia có nguồn lực hạn chế nhất ở châu Phi, đặc biệt là khu vực cận Sahara sẽ chịu gánh nặng ở thái cực ngược lại. Các nước này phải vật lộn với cách hỗ trợ lực lượng dân số trẻ, tăng trưởng nhanh nhất trên hành tinh trong khi đó là lại là nơi bất ổn về chính trị và kinh tế, căng thẳng về biến đổi khí hậu và hệ thống y tế chịu quá tải nhất".
Các tác giả cho biết “các chính sách nhập cư có đạo đức và hiệu quả với sự hợp tác toàn cầu” sẽ rất quan trọng trong việc quản lý sự sụt giảm dân số mà nhiều quốc gia sắp phải đối mặt.
Bhattacharjee nói: “Một khi dân số của gần như mọi quốc gia đang bị sụt giảm, sẽ cần chính sách nhập cư cởi mở để duy trì tăng trưởng kinh tế. Các quốc gia châu Phi cận Sahara có một nguồn tài nguyên quan trọng mà các xã hội già hóa đang mất dần – dân số trẻ”.
Nhưng các tác giả chỉ ra rằng điều quan trọng là phải đảm bảo việc di cư không diễn ra một chiều. Họ viết: “Dòng di cư của người lao động có tay nghề sang các nền kinh tế có thu nhập cao, tỷ lệ sinh thấp – một khái niệm được gọi là chảy máu chất xám – cũng có thể gây ra những tác động tàn phá đối với nền kinh tế mà những người lao động này bỏ lại sau lưng”.
Mặc dù có một số hạn chế quan trọng đối với nghiên cứu nhưng các dự báo dựa trên các yếu tố chính thúc đẩy khả năng sinh sản – như trình độ học vấn, mức độ sử dụng các biện pháp tránh thai, tỷ lệ tử vong ở trẻ em và điều kiện sống – cùng với dữ liệu từ những năm 1950 vẫn có độ chính xác tương đối cao đối với hầu hết các quốc gia.