Năm 2015, với mức độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc chậm nhất trong vòng 25 năm qua, nhiều người lao động đã bị quỵt lương và không thể về quê ăn Tết. Cùng với đó là gia tăng bất ổn xã hội khiến Bắc Kinh phải lo ngại.
“Người thuê chúng tôi luôn lấy lý do là không có đủ tiền. Cho tới giờ, họ vẫn chưa trả cho chúng tôi đồng nào”, Fan Fu - công nhân xây dựng tại khu chung cư Zixia Garden tại tỉnh Hà Bắc nói. Fan Fu cùng một số đồng nghiệp đã phải tổ chức biểu tình trước cửa văn phòng quản lý để đòi lương mà công ty thuê đang thiếu họ suốt 1 năm qua.
Khoảng 530 công nhân đang làm việc cùng với Fan Fu, mỗi người đang bị thiếu từ 3.000-7.600 USD tiền lương. Theo họ, chính phủ đã đề nghị trả mỗi người 3.000 USD tiền mặt với điều kiện phải chấp nhận về quê trong kỳ nghỉ Tết này.
Ngoài bất động sản và xây dựng đang là nhóm ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều nhất do sự trì trệ của tình hình kinh tế TQ, công nhân viên thuộc những ngành công nghiệp khác cũng phải chịu nhiều thiệt thòi.
Ông Geoffrey Crothall thuộc công ty nghiên cứu các vấn đề của người lao động Labour Bulletin, cho biết đỉnh điểm của các cuộc biểu tình của người lao động là vào cuồi năm 2015. Dữ liệu của Labour Bulletin cho thấy từ tháng 12.2015-1.2016, có tới 774 vụ đình công trên khắp TQ. Trước đó 2 tháng, tổng số vụ đình công là 529, trong đó đa số là liên quan tới việc thiếu tiền lương công nhân viên.
Tại một nhà máy in ở thành phố Trùng Khánh, một quan chức chính quyền đã phải đích thân xuất hiện để đảm bảo rằng chủ của cơ sở này trả lương đầy đủ cho công nhân trước khi bước qua năm mới, theo Reuters.
Chủ của cơ sở cho biết hành động này của chính quyền là nhằm ngăn chặn những cuộc đình công và biểu tình có thể xảy ra. “Đó là điều chính quyền sợ nhất bây giờ”, chủ nhà máy in nói với Reuters.
Từ lâu, các lãnh đạo cấp cao trong đảng Cộng sản TQ, trong đó có cả Tổng bí thư Tập Cận Bình, luôn thể hiện rằng họ quan tâm đến quyền lợi của người lao động và thường xuyên chụp hình thăm nhà máy.
TQ đang lo ngại tình trạng nợ lương công nhân viên có thể sẽ lan rộng ra ảnh hưởng đến uy thế của chính quyền. Một trong những lý do chính quyền nước này nhận được sự ủng hộ cao từ dân chúng đó là vì đã tạo ra được một mức sống cao hơn cho người dân trong vài thập niên qua.
Trước khi bước vào Tết, Bắc Kinh đã hối thúc chính quyền các địa phương “nghiêm túc điều tra những vụ nợ tiền lương và đảm bảo việc trả lương cho lực lượng lao động xa nhà đầy đủ và đúng lúc”, theo báo Workers Daily.
Mặt khác, chính quyền TQ vừa qua đã bắt giữ ít nhất 7 nhà hoạt động cho quyền của người lao động tại tỉnh Quảng Đông trong một đợt triệt phá các nhóm hội của người lao động lớn nhất trong vài năm qua.
Tại thành phố Đông Hoản, thuộc tỉnh Quảng Đông, nơi được xem là 1 trong những trung tâm gia công của TQ, nhiều nhà máy đã bị đóng cửa và treo quảng cáo rao bán. Một số trong đó trên thực tế vẫn còn đang hoạt động và vẫn còn giữ tiền thưởng của nhân viên cho đến khi sau Tết.
“Bây giờ thật khó có thể tìm được một công việc ổn định”, Zhang Guantian, công nhân tại một nhà máy làm tai nghe, nói. “Tôi định sẽ tìm một công việc ổn định hơn sau Tết, nhưng sẽ rất khó”.
Huỳnh Hy (theo The Straits Times)