Apple đang phải đối mặt với một làn sóng các nhà quản lý ra đi chưa từng có.

Apple gặp thách thức mới với làn sóng các nhà quản lý chủ chốt ra đi

Sơn Vân | 13/03/2023, 09:39

Apple đang phải đối mặt với một làn sóng các nhà quản lý ra đi chưa từng có.

Từng được biết đến với tính ổn định ở vị trí lãnh đạo, Apple nay phải đối mặt với thách thức mới: Sự thay đổi nhân sự chưa từng có trong hàng ngũ điều hành công ty.

Trong khoảng thời gian từ nửa cuối năm 2022, Apple đã mất 11 nhà quản lý cao cấp. Hầu hết những người này đều mang chức danh phó chủ tịch, ngay dưới phó chủ tịch cấp cao hơn phải báo cáo trực tiếp với Giám đốc điều hành Tim Cook. Họ là những nhân vật quan trọng nhất tại Apple, chịu trách nhiệm điều hành nhiều chức năng cốt lõi hàng ngày.

Những người rời Apple có phó chủ tịch giám sát các lĩnh vực như thiết kế công nghiệp, cửa hàng trực tuyến, hệ thống thông tin, đám mây, các khía cạnh của kỹ thuật phần cứng và phần mềm, vấn đề về quyền riêng tư, bán hàng tại các thị trường mới nổi, dịch vụ đăng ký và mua sắm. Tổng cộng có 11 người quan trọng ra đi, một mức độ thay đổi nhân sự nhiều chưa từng thấy ở Apple trước đây.

apple-gap-thach-thuc-moi-voi-lan-song-cac-nha-quan-ly-chu-chot-ra-di1.jpg
Trụ sở Apple Park ở thành phố Cupertino, bang California, Mỹ - Ảnh: Bloomberg

Những năm trước, Apple có thể chỉ mất một hoặc hai phó chủ tịch trong thời gian 12 tháng, chẳng hạn như khi người đứng đầu dự án ô tô tự lái của họ đầu quân cho Ford Motor vào năm 2021. Việc có một nhóm lớn như vậy rời khỏi Apple lúc này, bất kể họ nghỉ hưu, bị sa thải, nghỉ việc hay sang công ty khác, đều gây chú ý.

Tất nhiên Apple cũng có một lượng lớn nhà quản lý mới. Apple bổ nhiệm bà Carol Surface (từng làm giám đốc nhân sự tại Medtronic, hãng công nghệ y tế có khoảng 100.000 nhân viên) vào vai trò giám đốc nhân sự để giảm bớt trách nhiệm cho Deirdre O'Brien.

Deirdre O'Brien từng quản lý nguồn nhân lực (HR) của Apple trong một thời gian dài song song vai trò giám đốc bán lẻ của hãng – nhiệm vụ mà bà sẽ tiếp tục nắm giữ. Apple cũng chọn một giám đốc thông tin mới để thay thế Mary Demby và David Smoley.

Song trong hầu hết trường hợp, sự ra đi khiến Apple phải phân phối lại trách nhiệm hoặc thăng chức cho những người có sẵn:

Phó chủ tịch cửa hàng trực tuyến Anna Matthiasson được thay thế bởi người báo cáo trực tiếp cho bà là Karen Rasmussen.

Trách nhiệm của Tony Blevins (Phó chủ tịch phụ trách mảng mua sắm) đã được chuyển sang đồng nghiệp là Dan Rosckes và một người từng báo cáo trực tiếp cho ông được thăng chức, David Tom.

Hugues Asseman, Phó chủ tịch bán hàng chịu trách nhiệm cho các thị trường mới nổi, thấy vai trò của mình được phân chia cho Giám đốc điều hành Ấn Độ - Ashish Chowdhary và Giám đốc cấp cao châu Âu - Juan Castellanos.

Nhiệm vụ của lãnh đạo mảng phần cứng Laura Legros đã được chuyển sang cho đồng nghiệp của bà là Yannick Bertolus, Phó chủ tịch về tính toàn vẹn phần cứng. Vai trò của Yannick Bertolus được đảm nhận bởi Tom Marieb, người từng báo cáo trực tiếp cho ông, vừa được thăng chức.

Phó chủ tịch phụ trách phần mềm John Stauffer được thay thế bởi hai người báo cáo trực tiếp cho ông: Jeremy Sandmel và David Biderman.

Vai trò của Peter Stern (đứng đầu mảng dịch vụ) được chia thành ba phần và giao cho Phó chủ tịch Apple Music - Oliver Schusser, Trưởng phòng thiết kế dịch vụ Robert Kondrk và Phó chủ tịch Phát triển doanh nghiệp Adrian Perica.

Vai trò của người giám sát tất cả sản phẩm liên quan đến đám mây Michael Abbott sẽ được đảm nhận bởi Jeff Robbin (Phó chủ tịch về kỹ thuật dịch vụ) bắt đầu từ tháng 4.

Chuyên gia đàm phán của Apple mất việc vì nói lời khiếm nhã về phụ nữ trong video TikTok

Tony Blevins, Phó chủ tịch phụ trách mảng mua sắm đóng vai trò quan trọng trong hoạt động chuỗi cung ứng của Apple, phải rời khỏi nhà sản xuất iPhone cuối tháng 9.2022.

Động thái trên diễn ra sau khi một video TikTok quay cảnh Tony Blevins nhận xét thô thiển về phụ nữ được lan truyền.

Trong một video trên TikTok được công bố vào đầu tháng 9.2022, Tony Blevins nói: "Tôi có xe hơi sang trọng, chơi golf và thích phụ nữ ngực lớn, nhưng tôi nghỉ cuối tuần và các ngày lễ lớn" để trả lời câu hỏi về việc anh làm gì để sống.



Tony Blevins đã được Daniel Mac, người sáng tạo nội dung TikTok tiếp cận tại một triển lãm ô tô để quay một phần trong loạt video. Trong đó, Daniel Mac hỏi chủ sở hữu những chiếc ô tô đắt tiền về nghề nghiệp của họ.

Cả Daniel Mac và người bạn đồng hành cùng Tony Blevins trong chiếc ô tô thể thao Mercedes SLR McLaren đều cười khi Blevins nói ra những lời như vậy.

Video đã nhận được hơn 1,3 triệu lượt xem trên TikTok. Sau khi thấy video trên TikTok, một số nhân viên Apple đã chuyển nó sang bộ phận nhân sự và công ty bắt đầu mở một cuộc điều tra nội bộ về vấn đề này. Sau đó, Tony Blevins mất việc.

Bloomberg đưa tin rằng Tony Blevins dường như tham khảo một câu thoại gần như giống hệt lời nói của nhân vật chính trong bộ phim Arthur năm 1981. Arthur là một bộ phim hài lãng mạn của Mỹ năm 1981 do Steve Gordon viết kịch bản và đạo diễn.

Bloomberg trích dẫn một tuyên bố từ Tony Blevins, trong đó cựu quản lý cấp cao Apple xin lỗi vì đã gây ra sự xúc phạm qua điều mà ông gọi là "nỗ lực hài hước nhầm lẫn".

Công việc của Tony Blevins liên quan đến đàm phán với nhà cung cấp của Apple để có được giá tốt hơn cho công ty.

Một hồ sơ năm 2020 của Tony Blevins trên tờ Wall Street Journal cho biết ông được biết đến trong Apple với cái tên Blevinator vì phong cách đàm phán cứng rắn với các đối tác của Apple.

Trong những ví dụ đó, Apple đã có những người kế nhiệm được thăng tiến hoặc ít nhất là một số nhà quản lý đảm nhận trách nhiệm của người vừa nghỉ việc.

Thế nhưng với trường hợp của Evans Hankey (Giám đốc thiết kế công nghiệp sắp mãn nhiệm), Apple không thể tìm được người thay thế. Thay vào đó, Apple yêu cầu từng thành viên của đội thiết kế báo cáo với Giám đốc vận hành Jeff Williams. Tương tự, Apple đã không thay thế giám đốc quyền riêng tư của mình.

apple-gap-thach-thuc-moi-voi-lan-song-cac-nha-quan-ly-chu-chot-ra-di.jpg
Từ trái sang là Tim Cook, Kate Adams, Luca Maestri, Deirdre O'Brien và Jeff Williams - Ảnh: Getty Images

Hầu hết người ra đi gần đây là các chuyên gia kỳ cựu ở Apple, từng làm việc tại công ty hơn 15 năm. Tuy nhiên với trường hợp của các phó chủ tịch phụ trách thiết kế và dịch vụ, cùng với những người khác, Apple đã mất các nhà quản lý đang trong thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp của họ. Đây là những người một ngày nào đó có thể đạt đến cấp phó chủ tịch cao nhất.

Hơn nữa, cây viết Mark Gurman của Bloomberg nhận được thông tin rằng sự ra đi liên tục này có thể chỉ là sự bắt đầu. Có khá nhiều phó chủ tịch đã làm việc tại Apple hàng thập kỷ và có thể nghỉ hưu vài năm tới.

Cấp cao nhất của Apple cũng ở một vị trí tương tự: 10 trong số 12 lãnh đạo hàng đầu của họ có cùng độ tuổi. Một nửa trong số họ gia nhập Apple trước năm 2000 và khoảng cách tuổi tác giữa Giám đốc điều hành Tim Cook với người kế vị khả dĩ nhất của ông, Giám đốc vận hành Jeff Williams, chỉ khoảng hai năm.

Những trụ cột lâu năm ở Apple, từng giúp tái thiết công ty, cũng sắp kết thúc sự nghiệp của họ. Cựu giám đốc marketing Phil Schiller đang chuyển sang một vai trò nhỏ hơn là Apple Fellow tập trung vào App Store và các sự kiện truyền thông, còn Dan Riccio sẽ giảm bớt toàn bộ trách nhiệm kỹ thuật phần cứng ngoại trừ nhóm kính thực tế ảo.

Apple Fellow là danh hiệu cao nhất dành cho các cá nhân tại Apple. Được uỷ quyền bởi ban lãnh đạo của Apple, danh hiệu này được trao cho những người đã có đóng góp lớn và đáng kể cho công ty trong suốt sự nghiệp của họ. Các Apple Fellow thường là những chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật, thiết kế hoặc giáo dục, đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển và thành công của Apple. Danh sách các Apple Fellow trước đây bao gồm nhiều cái tên nổi tiếng như Steve Wozniak, Guy Kawasaki, John Sculley, Alan Kay.

Các cấp bậc thấp hơn cũng có thể sắp đến lúc thay đổi công việc. Những người trong Apple tin rằng một số giám đốc và giám đốc cấp cao (hai cấp quản lý trực tiếp dưới phó chủ tịch) cũng đang xem xét việc từ chức trong tương lai gần không quá xa.

Việc rời đi hàng loạt khỏi Apple có thể phần nào do áp lực ngày càng tăng của trách nhiệm được đặt lên các nhà quản lý, cùng với những yếu tố khác:

Công ty đã trở nên phức tạp hơn theo thời gian, đặc biệt là trong quá trình phát triển sản phẩm.

Đó là một tập đoàn toàn cầu khổng lồ, đồng nghĩa khó để tạo ra sự khác biệt cá nhân. Chính sách nội bộ và những tranh chấp giữa các phòng ban cũng làm cho việc điều hướng trở nên khó khăn hơn.

Các nguồn lực đã được dồn sang các sáng kiến ​​dài hạn, một số trong đó có thể mất nhiều năm để hoàn thiện (nếu có). Một số quản lý có thể bị ảnh hưởng khi mất nhân sự cho các nỗ lực như nhóm kính thực tế tăng cường và đội ô tô tự lái của công ty.

Trong một số trường hợp, các phó chủ tịch Apple được coi là ứng cử viên để thay thế phó chủ tịch cấp cao, động thái có thể đi kèm với việc tăng lương gấp 4 hoặc 5 lần. Thế nhưng, họ có thể chưa bao giờ được nói rõ liệu điều đó sẽ xảy ra hay không. Evans Hankey, trưởng nhóm thiết kế sắp rời đi, được cho là bị thiếu quyền hạn, gồm cả khả năng bác bỏ các quyết định kỹ thuật do các bộ phận khác đưa ra.

Bản thân cấu trúc của Apple là nguồn cơn gây căng thẳng. Apple được tổ chức theo chức năng, đồng nghĩa các đội đóng góp vào tất cả sản phẩm lớn của công ty. Chẳng hạn, phó chủ tịch kỹ thuật phần cứng sẽ giúp giám sát các bộ phận iPhone, Apple Watch, iPad, Mac và AirPods. Nhà lãnh đạo kỹ thuật phần mềm sẽ điều hành các đội đóng góp cho iOS, macOS, watchOS và tvOS, hoạt động trên hàng chục sản phẩm phần cứng.

Cách tổ chức đó hợp lý trong những ngày đầu của Apple, nhưng đã dẫn đến sự chậm tiến độ phát triển sản phẩm, nguồn lực bị dàn trải quá mỏng và tăng thêm độ phức tạp về kỹ thuật. Tất nhiên cũng có lợi ích, đó là cho phép Apple đặt những người tài năng nhất vào mọi mặt hàng trong danh mục đầu tư.

Cuối cùng, đừng quên một trong những lý do lớn nhất khiến nhiều người nghỉ việc: Tiền. Cổ phiếu Apple đã giảm gần 30% vào năm ngoái, sau 3 năm tăng mạnh. Điều đó có thể ảnh hưởng đến khoản thù lao. Trong trường hợp của phó chủ tịch Apple, cổ phiếu có thể chiếm hơn một nửa lương.

Về mặt đó, thậm chí Tim Cook cũng gặp khó khăn. Hôm 10.3, cổ đông Apple đã thông qua gói thanh toán mới cho Tim Cook với mức giảm khoảng 40%. Hơn 80% thu nhập của ông vào năm 2023 sẽ là cổ phiếu, trong đó 75% liên quan đến hiệu suất công ty.

Song không ai phải thực sự lo lắng về việc Giám đốc điều hành Apple sẽ rời đi sớm: Cổ phiếu sẽ tiếp tục được phân phối cho Tim Cook đến năm 2027.

Bí quyết giúp Apple tránh sa thải nhân viên hàng loạt như Google, Amazon, Meta

Dù đã đóng băng việc tuyển dụng ở một số khu vực, Apple vẫn chưa áp dụng biện pháp sa thải hàng loạt đang được tiến hành ở những gã khổng lồ công nghệ khác.

Có một lý do giúp Apple chịu ít áp lực phải cắt giảm việc làm vào thời kỳ suy thoái hiện nay so với các hãng công nghệ khác: Tuyển dụng hiệu quả hơn ngay từ đầu.

Trong thời kỳ bùng nổ tuyển dụng của ngành do đại dịch, Apple đã bổ sung ít nhân viên hơn so với các hãng công nghệ lớn khác. Trên hết, Apple đã tạo ra doanh thu trên mỗi lần tuyển dụng mới cao hơn nhiều so với các công ty cùng ngành, theo dữ liệu do trang Bloomberg tổng hợp.

Cách tiếp cận thận trọng hơn đó đang được đền đáp. Dù đã đóng băng việc tuyển dụng ở một số khu vực và hạn chế chi tiêu, đặc biệt là ngoài việc nghiên cứu và phát triển, Apple vẫn chưa dùng đến biện pháp sa thải hàng loạt như đang diễn ra tại Amazon, Google của Alphabet, Meta Platforms và những gã khổng lồ công nghệ khác.

Chuyên gia Peter Garnry của Saxo Bank (ngân hàng Đan Mạch chuyên kinh doanh và đầu tư trực tuyến) cho biết: “Điều này báo hiệu chất lượng quản lý tốt hơn ở Apple so với các hãng công nghệ khác vốn đã đọc sai các tín hiệu trong đại dịch một cách rõ ràng”.

Nhiều hãng công nghệ thừa nhận đã tuyển dụng quá nhiều trong thời kỳ đại dịch, đánh cược rằng những thay đổi trong lối sống, bao gồm làm việc từ xa, chi tiêu cho thương mại điện tử và thói quen chơi game, sẽ mang lại nhiều lợi nhuận hơn. Bây giờ họ phải giải quyết hậu quả.

Zoom Technologies, một trong những công ty hưởng lợi nhiều nhất từ việc phong tỏa do đại dịch, thông báo sẽ cắt giảm 15% nhân viên.

Trong khi đó, Apple tỏ ra thận trọng hơn. Số lượng nhân viên Apple chỉ tăng 20% từ năm 2020 đến 2022, so với mức tăng 60% tại Alphabet và gần gấp đôi tại Amazon.

Alphabet và Amazon gần đây công bố cắt giảm tổng cộng khoảng 30.000 người. Tháng 11.2022, Meta Platforms (công ty mẹ của Facebook) thông báo sa thải hơn 11.000 nhân viên.

Apple cũng tạo ra nhiều doanh thu hơn trên mỗi nhân viên bổ sung trong những năm xảy ra đại dịch so với khoảng thời gian 3 năm trước đó. Đó là một sự tương phản rõ nét so với hầu hết các hãng công nghệ khác.

Tuy nhiên, số lượng nhân viên không thể giải thích đầy đủ lợi thế của Apple so với các đối thủ cạnh tranh. Nhà sản xuất iPhone cũng tạo ra một số doanh thu cao nhất trên mỗi foot vuông, dấu hiệu cho thấy hiệu quả của nó vượt xa chính sách tuyển dụng.

Nhà phân tích Shannon Cross của Credit Suisse Group AG (ngân hàng đầu tư toàn cầu và công ty dịch vụ tài chính Thụy Sĩ) cho biết: “Bản chất của Apple là tiết kiệm. Điều này phụ thuộc vào sự quản lý của ban quản lý với tiền của cổ đông và sự tập trung chặt chẽ vào những cơ hội tăng trưởng để đầu tư”.

Bài liên quan
Dân mạng Trung Quốc sợ Ấn Độ trở thành trung tâm chuỗi cung ứng sản xuất của Apple
Sự phát triển của Ấn Độ thành một cơ sở sản xuất smartphone lớn làm gia tăng mối lo ngại trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc rằng nước này có nguy cơ mất vai trò chính trong chuỗi cung ứng sản xuất của Apple.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
2 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Apple gặp thách thức mới với làn sóng các nhà quản lý chủ chốt ra đi