Foxconn bác bỏ đồn đoán ngày càng tăng rằng đang tháo dỡ các dây chuyền lắp ráp tại khu phức hợp sản xuất của mình ở trung tâm công nghệ Thâm Quyến, sau những lo ngại trên mạng xã hội Trung Quốc rằng nước này sẽ mất vai trò chính trong chuỗi cung ứng sản xuất của Apple.
Đầu tháng 3, truyền thông đưa tin Foxconn (hãng sản xuất hợp đồng điện tử lớn nhất thế giới và nhà cung cấp hàng đầu của Apple) có kế hoạch đầu tư khoảng 700 triệu USD vào một nhà máy mới ở Ấn Độ để thúc đẩy sản xuất tại địa phương. Điều đó làm gia tăng mối lo ngại trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc về sự dịch chuyển nhanh chóng sản xuất ra khỏi quốc gia này khi căng thẳng Mỹ - Trung leo thang.
“Foxconn là cánh gió thời tiết (công cụ được sử dụng để hiển thị hướng gió - PV) của ngành sản xuất. Foxconn không chỉ trực tiếp tạo ra nhiều việc làm mà còn gián tiếp thúc đẩy nhiều chuỗi cung ứng công nghiệp”, Gengbaixingjun, người có ảnh hưởng trực tuyến về kinh tế, viết hôm 6.3 trong một bài đăng trên mạng xã hội Weibo, nơi ông có hơn 600.000 người theo dõi. Gengbaixingjun cho biết thêm rằng sáng kiến mới nhất của Foxconn ở Ấn Độ đã biến quốc gia Nam Á này trở thành đối thủ của Trung Quốc về hợp đồng sản xuất thiết bị điện tử.
Các cư dân mạng khác cũng bày tỏ sự e ngại về khả năng dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất của Apple ra khỏi Trung Quốc. Người dùng Weibo có nickname Miguyuegeqian đã đặt câu hỏi liệu Foxconn có chuyển tất cả nhà máy của mình sang Ấn Độ hay không. Trong khi một người dùng Weibo khác có nickname Woniuxingdetuibian viết rằng: “Thật đáng tiếc khi nhiều doanh nghiệp đang chuyển đến Ấn Độ”.
Sự lo lắng như vậy tăng lên trong bối cảnh các quan chức cấp cao của chính phủ Ấn Độ tuyên bố công khai về cách nước này sẽ trở thành một cơ sở chính cho sản xuất điện tử.
Rajeev Chandrasekhar, Bộ trưởng Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin Ấn Độ, cho biết vào cuối tuần qua rằng ĐTDĐ sẽ là 1 trong 10 sản phẩm xuất khẩu hàng đầu của nước này vào năm 2024, tăng từ con số 0 trong năm 2014, theo báo cáo từ hãng thông tấn địa phương Asian News International.
Tờ báo cũng dẫn lời ông Rajeev Chandrasekhar nói rằng Thủ tướng Narendra Modi đã đặt ra tầm nhìn rằng “Ấn Độ sẽ là một người chơi quan trọng trong chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu”, với mục tiêu sản xuất hàng điện tử trị giá 300 tỉ USD vào năm 2026.
Tuy nhiên, Foxconn chưa chính thức công bố khoản đầu tư 700 triệu USD vào một nhà máy mới ở Ấn Độ .
Hôm 9.3, một đại diện Foxconn cho biết các bài đăng trực tuyến gần đây, gồm cả các đoạn video ngắn cho thấy công ty Đài Loan đang sa thải công nhân tạm thời và phá bỏ dây chuyền sản xuất ở thành phố Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc), là sai sự thật. Người này nói thêm rằng công ty Đài Loan vẫn duy trì hoạt động bình thường trong thành phố Thâm Quyến.
Phản hồi từ Foxconn nhấn mạnh quan điểm của họ rằng Trung Quốc sẽ vẫn là một phần quan trọng trong mạng lưới sản xuất điện tử của công ty.
Vào tháng 2, ông Lâu Dương Sinh - Bí thư tỉnh Hà Nam đã kêu gọi lãnh đạo Foxconn tiếp tục duy trì hoạt động và đầu tư tại địa phương. Ông Lâu Dương Sinh hôm 22.2 đã gặp ông Lưu Dương Vỹ (Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Foxconn), người đến thăm tỉnh này, để đảm bảo với công ty Đài Loan rằng chính quyền tỉnh Hà Nam sẽ cung cấp các dịch vụ toàn diện cho các hoạt động tại địa phương của họ, theo một tuyên bố được đăng trên tài khoản WeChat chính quyền thành phố Trịnh Châu.
Foxconn từng bị một số tổ chức phi chính phủ chế nhạo là “công xưởng bóc lột sức lao động” nhiều năm trước. Thế nhưng, Lâu Dương Sinh đã khen ngợi Foxconn là “doanh nghiệp sản xuất thông minh nổi tiếng thế giới”, đồng thời nói thêm rằng ông hy vọng công ty Đài Loan này sẽ "định cư ở Hà Nam và phát triển sâu rộng tại đây".
Chiến dịch "quyến rũ" Foxconn đánh dấu nỗ lực mới nhất của Trung Quốc để duy trì vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất của Apple, sau những sự cố gây ra bởi các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt cùng những lo ngại liên tục về căng thẳng địa chính trị với Mỹ.
Sau cuộc họp giữa ông Lâu Dương Sinh và Lưu Dương Vỹ, Foxconn vào tháng trước đã tiết lộ kế hoạch xây dựng một nhà kho thông minh trên một khu đất thuê bên trong Khu liên kết toàn diện thành phố Trịnh Châu.
Song vẫn có những dấu hiệu rõ ràng về sự điều chỉnh trong yêu cầu nhân lực địa phương của Foxconn.
Gần đây khi tới trung tâm tuyển dụng và đào tạo của Foxconn ở quận Long Hoa ở Thâm Quyến, phóng viên SCMP nhìn thấy tại chỗ chỉ có hơn 12 người tìm việc, tất cả đều ngồi trong bóng râm. Một số người được phỏng vấn trực tuyến qua smartphone của họ và những người khác đang chờ kết quả.
Điều này hoàn toàn trái ngược với cảnh hàng ngàn người tìm việc xếp hàng tại đây vào tháng 7.2022, trước lịch sản xuất cao điểm của Foxconn cho các mẫu iPhone 14, vì khoản tiền thưởng béo bở lên tới 7.480 nhân dân tệ (1.074 USD) được đưa ra cho những người được tuyển dụng.
Thời điểm đó, ước tính có khoảng 2.000 ứng viên trải qua quy trình tuyển dụng tại chỗ mỗi ngày, trong đó có hàng trăm người đến bằng xe buýt đưa đón và ô tô do một số cơ quan tuyển dụng địa phương cung cấp.
Lần này, biển báo tại trung tâm cho thấy những người mới tuyển dụng sẽ nhận được mức lương cơ bản ít nhất là 2.460 nhân dân tệ một tháng và khoản tiền thưởng nhỏ 160 nhân dân tệ một lần.
Foxconn đã nỗ lực khôi phục toàn bộ năng lực sản xuất tại khu liên hợp sản xuất của mình ở trung tâm Trịnh Châu (thủ phủ tỉnh Hà Nam, Trung Quốc), nơi có nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới, sau những gián đoạn nghiêm trọng gồm cả các cuộc biểu tình của công nhân trở thành bạo lực và việc hàng chục ngàn nhân viên rời đi trong bối cảnh bùng phát dịch bắt đầu vào tháng 10.2022.
Dù hoạt động sản xuất tại cơ sở của Foxconn ở Trịnh Châu đã trở lại với khoảng 90% công suất tối đa kể từ ngày 30.12.2022, tốc độ tuyển dụng dường như cũng chậm hơn trước.
Apple sử dụng kinh nghiệm ở Trung Quốc để mở rộng thị trường Ấn Độ
Apple đang cải tổ lại việc quản lý các doanh nghiệp quốc tế của mình để tập trung nhiều hơn vào Ấn Độ, theo những người hiểu biết về vấn đề này, dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của quốc gia Nam Á.
Theo trang Bloomberg, sự thay đổi này sẽ đánh dấu lần đầu tiên Ấn Độ trở thành khu vực bán hàng của riêng Apple, vốn chứng kiến nhu cầu tăng vọt tại quốc gia này. Điều đó sẽ giúp Ấn Độ trở nên quan trọng hơn với Apple, theo nguồn tin của trang Bloomberg.
Apple đang thực hiện sự thay đổi sau khi Hugues Asseman, Phó chủ tịch phụ trách Ấn Độ, Trung Đông, Địa Trung Hải, Đông Âu và châu Phi, vừa nghỉ hưu. Với sự ra đi này, Apple đang thăng chức cho Ashish Chowdhary - người đứng đầu công ty ở Ấn Độ, từng báo cáo với Hugues Asseman trước đây. Ashish Chowdhary giờ đây sẽ báo cáo trực tiếp với Michael Fenger, Giám đốc bán hàng sản phẩm của Apple.
Phát ngôn viên Apple từ chối bình luận.
Apple đã công bố doanh thu kỷ lục ở Ấn Độ trong quý trước, ngay cả khi tổng doanh thu của công ty giảm 5%. Apple đã tạo ra một cửa hàng trực tuyến để phục vụ khu vực này và đang lên kế hoạch mở các cửa hàng bán lẻ đầu tiên tại quốc gia Nam Á vào cuối năm nay.
Trong cuộc gọi báo thu nhập gần nhất, Giám đốc điều hành Apple - Tim Cook cho biết công ty đang “tập trung rất nhiều vào thị trường này” và so sánh tình trạng công việc hiện tại ở Ấn Độ với những năm đầu ở Trung Quốc.
Ông nói: "Về bản chất, chúng tôi đang áp dụng những gì đã học được ở Trung Quốc nhiều năm trước và cách chúng tôi mở rộng thị trường tại Trung Quốc để đưa nó vào ứng dụng tại Ấn Độ". Trung Quốc hiện tạo ra khoảng 75 tỉ USD mỗi năm cho Apple, giúp nó trở thành khu vực bán hàng lớn nhất của công ty sau châu Mỹ và châu Âu”.
Trung Quốc hiện tạo ra khoảng 75 tỉ USD mỗi năm cho Apple, trở thành khu vực bán hàng lớn nhất của công ty sau châu Mỹ và châu Âu.
Không chỉ phục vụ cho việc bán hàng của Apple, Ấn Độ cũng đang trở nên quan trọng hơn với sự phát triển sản phẩm của công ty. Các nhà cung cấp chính cho Apple đang chuyển đến Ấn Độ và Apple đang hợp tác với đối tác Foxconn để thành lập các cơ sở sản xuất iPhone mới tại quốc gia này, tờ Bloomberg đưa tin.
Những thay đổi mới nhất sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc quản lý của Apple nhưng không ảnh hưởng đến cách hãng báo cáo doanh số bán hàng theo khu vực trong kết quả tài chính công khai. Trong những báo cáo đó, Apple xem Ấn Độ như một phần của danh mục châu Âu, cùng với Trung Đông và châu Phi. Ngoài ra, Apple còn chia ra các khu vực khác: châu Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và phần còn lại của châu Á - Thái Bình Dương.
Việc Hugues Asseman nghỉ hưu là một phần nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng đột biến các giám đốc rời Apple những tháng gần đây. Phó chủ tịch phụ trách dịch vụ đăng ký của Apple đã từ chức vào đầu năm 2023 và giám đốc đám mây của công ty đang lên kế hoạch rời đi vào tháng tới. Năm ngoái, các giám đốc hàng đầu phụ trách thiết kế công nghiệp, thu mua, các bộ phận của kỹ thuật phần mềm và phần cứng, quyền riêng tư, hệ thống thông tin và cửa hàng trực tuyến đều tuyên bố từ chức.
Hugues Asseman, nhân viên kỳ cựu hơn hai thập kỷ của Apple, đã phân chia thời gian của mình giữa văn phòng của Apple ở London (thủ đô Anh) và trụ sở ở thành phố Cupertino (bang California, Mỹ). Hugues Asseman khởi đầu ở Apple với vai trò giám đốc tiếp thị các dòng máy Mac và iPod. Sau đó, ông lãnh đạo các nhóm bán lẻ trước khi trở thành Giám đốc bán hàng iPhone của Apple tại châu Âu và các thị trường quốc tế khác vào năm 2011. Ông bắt đầu vai trò Phó chủ tịch phụ trách Ấn Độ, Trung Đông, Địa Trung Hải, Đông Âu và châu Phi vào năm 2015 và nghỉ hưu cuối năm ngoái.
Các đội bán hàng và quốc tế của Apple được phân chia giữa Michael Fenger và một Phó chủ tịch khác là Doug Beck.
Michael Fenger giám sát phần cứng, dịch vụ và doanh số bán hàng của doanh nghiệp trên toàn cầu, trong khi Doug Beck phụ trách mảng y tế, giáo dục và chính phủ. Michael Fenger và Doug Beck đều báo cáo với Giám đốc điều hành Tim Cook. Thế nhưng, cả hai đều không được giới thiệu cùng các cấp dưới trực tiếp khác của Tim Cook trên trang web Apple.
Ấn Độ được dự kiến sẽ lắp ráp tới 50% iPhone của Apple vào năm 2027, tăng lên từ dưới 5% trong 2022, để đạt được quy mô sản xuất tương đương với Trung Quốc, theo một đơn vị nghiên cứu thuộc DigiTimes (báo điện tử Đài Loan tập trung vào công nghệ).