VNDIRECT cho rằng áp lực trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn sẽ gia tăng từ quý 4/2022. Tổng trị giá trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong quý 4 lên mức 58.840 tỉ đồng, tăng 87,7% so với cùng kỳ.

Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp gia tăng, nhất là bất động sản

Hoài Lam | 12/10/2022, 12:30

VNDIRECT cho rằng áp lực trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn sẽ gia tăng từ quý 4/2022. Tổng trị giá trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong quý 4 lên mức 58.840 tỉ đồng, tăng 87,7% so với cùng kỳ.

Chờ sửa đổi Nghị định 153/NĐ-CP/2020

Theo báo cáo của VNDIRECT, tổng trị giá trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được phát hành trong quý 3/2022 chỉ đạt mức 60.635 tỉ đồng, giảm mạnh 50,5% so với quý trước, giảm mạnh 70,9% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ phát hành thành công đạt 98,9%. Trong đó, tỷ lệ trái phiếu phát hành riêng lẻ và công chúng lần lượt là 97,4% và 2,6%.

Trong quý 3, có 42 doanh nghiệp (DN) phát hành tổng cộng 59.032 tỉ đồng trái phiếu riêng lẻ, giảm mạnh 51,7% so với quý trước, và giảm 71,1% so với cùng kỳ. Các DN có giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ lớn nhất trong quý đều là các ngân hàng, bao gồm: Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (6.867 tỉ đồng), Ngân hàng TMCP Phương Đông (6.600 tỉ đồng) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (4.210 tỉ đồng).

Trong khi đó, 1.603 tỉ đồng TPDN được phát hành ra công chúng, tăng 434,4% so với quý trước cũng như so với mức nền thấp năm ngoái, chủ yếu cũng tập trung ở nhóm các ngân hàng TMCP.

Trong quý 3, tài chính - ngân hàng là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất với 82,5% tổng trị giá phát hành trái phiếu riêng lẻ, tương đương 48.683 tỉ đồng (giảm 39,5% so với quý trước, giảm 37,9% so với cùng kỳ).

Ngoài 3 ngân hàng có trị giá phát hành TPDN lớn nhất kể trên, các tổ chức tài chính khác có trị giá phát hành lớn bao gồm: Ngân hàng TMCP Á Châu (3.800 tỉ đồng), Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (3.694 tỉ đồng), Ngân hàng TMCP Quân đội (3.630 tỉ đồng)…

Bất động sản chiếm tỷ trọng 13,7% tổng trị giá phát hành trái phiếu riêng lẻ, tương đương 8.091 tỉ đồng (giảm mạnh 45,9% so với quý 2, giảm 90,9% so với cùng kỳ). Các DN bất động sản có phát hành riêng lẻ nhiều nhất trong quý bao gồm: Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển du lịch Phú Quốc (2.285,6 tỉ đồng) và Công ty cổ phần Fuji Nutri Food (1.000 tỉ đồng).

Tập đoàn đa ngành chứng kiến sự sụt giảm mạnh nhất về trị giá phát hành riêng lẻ với khoảng 1.500 tỉ đồng (giảm 89,5% so với quý 2/2022), chỉ có Công ty cổ phần Tập đoàn Masan phát hành trong quý này.

Các ngành khác chiếm 1,3% tổng trị giá phát hành trái phiếu riêng lẻ trong quý, tương đương 758 tỉ đồng (giảm 94,0% so với quý trước). Đáng chú ý có Công ty cổ phần Sản xuất và kinh doanh Vinfast phát hành 300 tỉ đồng với kỳ hạn 3 năm và Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo phát hành 290 tỉ đồng với kỳ hạn 5 năm.

Ngay từ thời điểm tháng 3.2022, thị trường TPDN chậm lại nhằm chờ đợi sửa đổi Nghị định 153/NĐ-CP/2020, với mục tiêu bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư cũng như nâng cao chất lượng của thị trường vốn.

tp.jpg
Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp gia tăng từ quý 4

Trong bối cảnh đó, tổng trị giá phát hành TPDN trong 9 tháng năm 2022 giảm mạnh 43,5% so với cùng kỳ xuống còn 248.603 tỉ đồng; trong đó 240.804 tỉ đồng phát hành riêng lẻ (giảm 42,2% so với cùng kỳ) và 7.799 tỉ đồng phát hành ra công chúng (giảm 66,8% so với cùng kỳ).

Trong đó tài chính - ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về trị giá phát hành trong 9 tháng, chiếm 57,7%, giảm 15,2% so với cùng kỳ. Nhóm ngành BĐS chiếm 21,5% tổng trị giá phát hành, giảm mạnh 67% so với 9 tháng năm 2021. Nhóm tập đoàn đa ngành và các nhóm ngành khác chiếm lần lượt 6,3% và 14,5% tổng trị giá phát hành, tăng 94,9% và giảm 64,2% so với cùng kỳ.

Trong 9 tháng, top 5 các DN phát hành trái phiếu nhiều nhất gồm có 3 ngân hàng và 2 tập đoàn niêm yết trên sàn chứng khoán, bao gồm: Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (19.872 tỉ đồng), Tập đoàn Vingroup và các công ty con (16.569 tỉ đồng); Ngân hàng TMCP Phương Đông (12.300 tỉ đồng), Ngân hàng TMCP Á Châu (10.450 tỉ đồng).

Áp lực trái phiếu đáo hạn gia tăng

Báo cáo cũng nhận định áp lực trái phiếu đáo hạn gia tăng từ quý 4/2022. Tổng trị giá TPDN riêng lẻ đáo hạn trong quý 4 sẽ đạt mức 58.840 tỉ đồng, (giảm 9,1% so với quý trước; tăng 87,7% so với cùng kỳ). Trong đó, tỷ lệ TPDN đáo hạn của ngành BĐS, tài chính - ngân hàng, các ngành khác lần lượt là 34,1%, 32,9% và 33%.

Ước tính có khoảng 142.200 tỉ đồng TPDN đã được mua lại trong 9 tháng năm 2022. Trong quý 4, BĐS tiếp tục là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất với 34,1% tổng trị giá đáo hạn trái phiếu riếng lẻ trong quý, tương đương 20.071 tỉ đồng.

Các DN BĐS có tổng trị giá đáo hạn cao nhất trong quý 4 bao gồm: Công ty cổ phần Tập đoàn Sunshine (gồm cả các công ty con) 3.000 tỉ đồng, Công ty cổ phần Bách Hưng Vương 2.980 tỉ đồng.

Tài chính - ngân hàng là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 với 32,9% tổng trị giá trị đáo hạn trong quý 4/2022, tương đương 19.365 tỉ đồng (giảm 19,4% so với quý 3 và tăng 130,1% so với cùng kỳ).

Các tổ chức tài chính có trị giá đáo hạn cao nhất trong quý 4 gồm: Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (4.500 tỉ đồng), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (3.000 tỉ đồng) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (1.950 tỉ đồng). Các ngành khác chiếm 33,0% tổng trị giá TPDN riêng lẻ đáo hạn trong quý 4, đạt 19.404 tỉ đồng.

Các DN ngoài nhóm BĐS và tài chính - ngân hàng có trị giá đáo hạn cao nhất gồm: Công ty cổ phần TNHH Sản xuất và kinh doanh Vinfast (9.010 tỉ đồng), Công ty cổ phần Wealth Power (2.880 tỉ đồng) và Công ty cổ phần Tập đoàn Sovico (2.100 tỉ đồng).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
40 phút trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp gia tăng, nhất là bất động sản