Ở Việt Nam, pháp luật chưa công nhận quyền sở hữu đối với tài sản ảo, tài sản kỹ thuật số. Tuy nhiên, các giao dịch trao đổi, mua bán các sản phẩm này trên môi trường mạng khá sôi động.
Ngày 6.10, Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) tổ chức hội thảo ''Kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới về quyền sở hữu đối với tài sản ảo và khuyến nghị cho Việt Nam”.
TS Lê Hải Đường, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, trên thế giới, hoạt động giao dịch tài sản ảo, tài sản kỹ thuật số đang diễn ra rất sôi động có giá trị cao. Thực tế đã diễn ra nhiều vụ kiện tụng, tranh chấp về quyền sở hữu đối với tài sản ảo.
Vì vậy, nhiều nước đã xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự này như Luật Phát triển và Bảo vệ viễn thông của Hàn Quốc quy định rõ về hành vi ăn cắp “tài sản ảo”; luật Bảo vệ lợi ích của người sở hữu “tài sản ảo” của Trung Quốc.
Ngoài ra, các nước như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Canada… đều đã xây dựng khung pháp lý, chính sách quản lý hoạt động kinh doanh, sử dụng tài sản ảo; trong đó tập trung vào 4 vấn đề là xây dựng khung pháp lý quản lý, ban hành chính sách thuế đối với đầu tư, kinh doanh tài sản ảo, có chính sách bảo vệ quyền lợi cho người sở hữu và các giao dịch bị cấm.
Theo ông Đường, ở Việt Nam pháp luật chưa công nhận quyền sở hữu đối với tài sản ảo, tài sản kỹ thuật số. Tuy nhiên, trên thực tế, các giao dịch trao đổi, mua bán, sử dụng các sản phẩm trên môi trường mạng, đang diễn ra ngày càng nhiều, đặc biệt từ khi có dịch COVID-19. Đồng thời, các tranh chấp liên quan đến trao đổi, mua bán sản phẩm kỹ thuật số liên tục phát sinh.
Vì vậy, Việt Nam cần thiết có những nghiên cứu nhằm đưa ra các khuôn khổ pháp lý phù hợp về quyền sở hữu tài sản ảo, tài sản kỹ thuật số. Điều này nhằm mục đích tạo cơ sở pháp lý vững chắc để xác định các giao dịch liên quan đến tài sản ảo với tư cách là tài sản trong giao dịch dân sự để có thể xác lập quyền sở hữu.
Đồng thời, tạo cơ sở để giải quyết các tranh chấp dân sự cũng như hành vi phạm tội đối với tài sản ảo khi các vụ án hình sự đối với hành vi trộm cắp, lừa đảo tài sản ảo ngày càng gia tăng.
Tại hội thảo các chuyên gia cho rằng, thuật ngữ Bitcoin, tiền ảo, tiền mã hóa ngày càng phổ biến trong đời sống kinh tế - xã hội. Nhiều tổ chức quốc tế như Cơ quan đặc nhiệm tài chính quốc tế - FATF, NHTW Châu Âu - ECB, Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF… đã đề cập đến khái niệm về tiền ảo, tiền mã hóa, tài sản mã hóa, tiền mã hóa ổn định giá trị, tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương.
Tuy nhiên, ở tầm quốc gia, thế giới có ít quốc gia ban hành văn bản quy phạm pháp luật riêng về tài sản mã hóa nói chung, tiền mã hóa (gồm cả tiền mã hóa không có đảm bảo như Bitcoin và tiền mã hóa ổn định giá trị), tiền ảo, tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương.
Theo các chuyên gia, trước bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay, việc nghiên cứu kinh nghiệm quản lý tiền mã hóa của một số quốc gia trên thế giới để đề xuất một khuôn khổ chính sách quản lý, giám sát tiền mã hóa phù hợp cho Việt Nam là vô cùng cần thiết. Thông qua việc tổng hợp các kinh nghiệm quốc tế, các đề xuất về quản lý, giám sát tiền mã hóa cho Việt Nam có thể giúp bảo vệ người tiêu dùng khỏi các nguy cơ lừa đảo, góp phần ổn định tài chính và giảm thiểu rủi ro cho nền kinh tế.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới trước đó, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Công ty Luật SBlaw cho biết, gần đây liên tiếp có những đường dây đánh bạc, rửa tiền quy mô lớn đều sử dụng tiền ảo. Tuy nhiên, các hoạt động này vẫn đang nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật, chưa chịu sự quản lý của cơ quan chức năng.
Tại Việt Nam, nhiều người lợi dụng pháp luật chưa kịp bổ sung các quy định về tiền ảo để lừa đảo, thực hiện rửa tiền thông qua tiền ảo và tài sản ảo khác. Do đó, việc bổ sung đối tượng tài sản ảo, tiền ảo vào dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) là hết sức cần thiết.
Theo đó, để hạn chế được vấn đề rửa tiền qua các loại tiền ảo, Chính phủ cần có thêm quy phạm pháp luật đối với tội trốn thuế đồng thời khung hình phạt phải nặng hơn nhằm nâng cao tính răn đe, phòng ngừa đối với hoạt động liên quan đến kinh doanh tiền ảo và các hoạt động rửa tiền của cá nhân, tổ chức trong tương lai.
Ngoài ra, ông Hà cũng đồng tình với việc bổ sung đối tượng báo cáo phòng chống rửa tiền là các tổ chức tài chính được phép cung cấp dịch vụ tài chính tài sản ảo.
Luật sư này cho rằng điều này có thể tạo ra khuôn khổ pháp lý để cơ quan có thẩm quyền quản lý, thanh tra, giám sát các lĩnh vực có rủi ro rửa tiền; đối tượng báo cáo bắt buộc phải xây dựng và triển khai cơ chế phòng chống rửa tiền và tuân thủ các nghĩa vụ phòng chống rửa tiền. Qua đó giảm thiểu rủi ro rửa tiền xảy ra, góp phần làm lành mạnh cho hệ thống tài chính quốc gia.
Thêm nữa, hoạt động phòng chống rửa tiền không chỉ cần trách nhiệm từ phía nhà nước mà còn cần đến sự tham gia, hỗ trợ của các tổ chức tài chính trung gian. Theo đó, các tổ chức tài chính cung cấp tài sản ảo cũng sẽ phải tăng cường trách nhiệm của mình trong các giao dịch.