Hiện mực nước đang lên từng ngày, nguồn thủy sản tự nhiên từ các đồng ruộng trên địa bàn tỉnh An Giang lại theo con nước đổ ra các nhánh sông. Đây là cơ hội giúp nhiều hộ dân “sống khỏe” với nghề khai thác thủy sản.

An Giang: Nước tràn đồng, tôm cá ra sông, ngư dân ‘sống khỏe’

Tô Văn | 28/08/2022, 13:35

Hiện mực nước đang lên từng ngày, nguồn thủy sản tự nhiên từ các đồng ruộng trên địa bàn tỉnh An Giang lại theo con nước đổ ra các nhánh sông. Đây là cơ hội giúp nhiều hộ dân “sống khỏe” với nghề khai thác thủy sản.

Theo ghi nhận của phóng viên Một Thế Giới, tại một số huyện như: Thoại Sơn, An Phú, Tịnh Biên... nước đã vàng đục và tràn vào hết các cánh đồng. Hơn 2 tuần nay, ngày nào gia đình ông Nguyễn Văn Tân (ngụ xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên) cũng thức dậy và ra đồng từ sáng sớm để thu hoạch dớn.

“Năm nay nước lên sớm hơn mọi năm, nguồn cá, tôm nhiều nên công việc mưu sinh khá tất bật. Từ hôm nước tràn đồng đến nay, ngày nào gia đình tôi cũng kiếm được trên dưới 1 triệu đồng từ 20 cái dớn bắt cá. Gia đình tôi rất phấn khởi về con nước năm nay”, ông Tân lạc quan nói.

1-nuoc-len.jpg
Nước đã vàng đục tràn vào hết các cánh đồng, nguồn tôm, cá nhiều nên công việc mưu sinh của các ngư dân tỉnh An Giang đang tất bật - Ảnh: Tô Văn
2-nuoc-len.jpg
Một hoạt động kéo lưới thu hoạch nguồn thủy sản trên dòng sông Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú - Ảnh: Tô Văn

Bên cạnh các đê bao khép kín sản xuất 3 vụ, các cánh đồng xả lũ ở xã Vĩnh Hội Đông, Nhơn Hội, Phú Hội, huyện An Phú nước đã ngập rất sâu. Những địa phương này được coi là rốn lũ, đa số người dân nơi đây đều theo nghề “bà cậu” (nghề câu, lưới). Họ cho biết những cánh đồng xả lũ là nơi tập trung rất nhiều cá, tôm tự nhiên từ đồng ruộng theo con nước đổ ra các nhánh sông. Những ngày này, người dân tất bật khai thác, đánh bắt thủy sản để kiếm thêm thu nhập.

Cô Sóc Pha (53 tuổi, ngụ xã Nhơn Hội, huyện An Phú) chia sẻ: “Nước tràn đồng nên một số loài cá tự nhiên theo dòng nước đổ ra các nhánh sông. Vì vậy, gia đình tôi mang ghe rong ruổi đánh bắt trên dòng sông giáp biên giới. Khi nước rút, chúng tôi mới trở về nhà. Mấy hôm nay gia đình đã đặt hơn chục cái dớn rải đều, kiếm được mỗi ngày khoảng 300 ngàn đồng”, cô Sóc Pha bộc bạch.

7-nuoc-len.jpg
5 hộ gia đình sinh sống trên ghe rong ruổi đánh bắt thủy sản - Ảnh: Tô Văn 
6-nuoc-len.jpg
Một ngư dân (ngụ xã Nhơn Hội, huyện An Phú) qua địa bàn xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên đánh bắt thủy sản trên những cánh đồng giáp biên giới - Ảnh: Tô Văn
8-nuoc-len.jpg
Gia đình ông Tân kiểm tra ngư cụ để đánh bắt thủy sản - Ảnh: Tô Văn

Tương tự, anh Nguyễn Văn Mạnh (ngụ xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn) lại dọn lưới, đồ đạc sinh hoạt cá nhân lên xuồng để đánh bắt thủy sản. Dụng cụ đánh bắt của anh là khoảng 100 lưới có mắc lưới thưa để đặt bắt cá chạch, tôm tép đồng. Đây là nghề đã theo anh mấy chục năm nay kể cả mùa khô lẫn mùa nước nổi.

“Con nước tràn đồng là thời điểm tôi kiếm cơm lai rai từ 300 ngàn đến 500 ngàn đồng mỗi ngày. Khi nước tràn đồng thì tôi luôn đặt gần nhà nên tiết kiệm được chi phí xăng dầu đi lại”, anh Mạnh nói.

5-nuoc-len.jpg
Một ngư dân đặt lợp được 50 kg cua đem bán cho thương lái - Ảnh: Tô Văn
3-nuoc-len.jpg
Một ngư dân xã Nhơn Hội, huyện An Phú khác đang cân cua bán cho thương lái - Ảnh: Tô Văn
4-nuoc-len.jpg
Một thương lái cho biết mỗi ngày thu mua nhiều nhất là cua, tôm, cá chạch, cá lóc, cá rô... Tuy nhiên, số lượng cá linh năm nay lại rất ít - Ảnh: Tô Văn

Theo bản tin dự báo khí tượng thủy văn tỉnh An Giang lúc 11 giờ ngày 24.8, mực nước sông Tiền tại Tân Châu ngày 23.8 là 2,24m, tăng 0,41m so với cùng kỳ và dự báo trong ngày 24.8, mực nước sẽ lên 2,39m. Còn trên sông Hậu tại TP.Châu Đốc, mực nước là 1,96m, tăng 0,08m. Dự báo trong ngày 24.8, mực nước dâng lên 2,1m.

Khu vực nội đồng tứ giác Long Xuyên, do thủy triều dâng cao kết hợp lượng mưa lớn nội vùng, mực nước trên các kênh, rạch lên dần và ở mức cao hơn so với cùng kỳ 2021 từ 0,2 - 0,4m. Vùng hạ lưu trên sông Hậu tại TP.Long Xuyên, mực nước cao nhất đạt mức 2,25m, trên báo động II (BĐII) 0,05m; trên rạch Ông Chưởng tại huyện Chợ Mới, mực nước cao nhất đạt mức 2,29m, dưới BĐII 0,21m.

Dự báo đầu tháng 9, lượng mưa trên lưu vực gia tăng, mực nước tại các trạm trên dòng chính sông Mekong sẽ lên lại. Từ tháng 9 đến tháng 11, tổng lượng dòng chảy sông Mekong về đầu nguồn sông Cửu Long qua hai trạm Tân Châu và Châu Đốc có khả năng ở mức xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm từ 5-10%.

Khu vực đầu nguồn sông Cửu Long, đỉnh lũ năm trên sông Hậu tại Khánh An, Châu Đốc và trên sông Tiền tại Tân Châu có khả năng ở mức xấp xỉ và trên BĐI từ 0,1 - 0,3m. Thời gian xuất hiện vào khoảng giữa tháng 10. Khu vực nội đồng tứ giác Long Xuyên, đỉnh lũ năm có khả năng ở mức xấp xỉ và trên BĐI từ 0,1 - 0,3m. Thời gian xuất hiện trong nửa cuối tháng 10.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
An Giang: Nước tràn đồng, tôm cá ra sông, ngư dân ‘sống khỏe’