"Bóng đen" lạm phát đã bắt đầu che mờ bức tranh xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Lạm phát và đồng USD tăng giá đang đè nặng lên khả năng tiêu thụ thủy sản tại các thị trường.

Lạm phát toàn cầu bắt đầu phủ bóng lên hàng Việt Nam xuất khẩu

Tuyết Nhung | 27/08/2022, 07:48

"Bóng đen" lạm phát đã bắt đầu che mờ bức tranh xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Lạm phát và đồng USD tăng giá đang đè nặng lên khả năng tiêu thụ thủy sản tại các thị trường.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu thủy sản Việt Nam nửa đầu năm 2022 đạt tăng trưởng cao kỷ lục 40% bất chấp lạm phát và bất ổn địa chính trị trên toàn cầu. Tuy nhiên, từ tháng 7.2022, cùng với khó khăn về nguồn nguyên liệu thì bóng đen lạm phát đã bắt đầu che mờ bức tranh xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Lạm phát và đồng USD tăng giá đang đè nặng lên khả năng tiêu thụ thủy sản tại các thị trường, nhất là những thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Anh...

xnk.jpeg

Tại thị trường Mỹ, tỷ lệ lạm phát từ đầu năm tới tháng 6 vừa qua lên tới 9,1%. Đây là mức kỷ lục từ năm 1981, tới tháng 7 đã thấp hơn một chút nhưng vẫn ở mức cao 8,5%. Sau khi tăng vọt 85% trong tháng 4, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ đã có dấu hiệu chững lại từ tháng 5 và chuyển sang tăng trưởng âm từ tháng 6 với mức giảm 8% so với cùng kỳ. Sang tháng 7, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ giảm sâu hơn, giảm 30,5%.

Trong đó, xuất khẩu tôm sú giảm mạnh nhất 69%, tôm chân trắng giảm gần 55%. Xuất khẩu cá tra sang Mỹ tháng 7 cũng giảm 4%. Ghẹ cũng nằm trong top 5 loài thủy sản được xuất khẩu nhiều sang thị trường này, nhưng đã giảm 22% trong tháng 7. Tuy nhiên, trong tháng 7 vẫn có nhiều mặt hàng thủy sản sang Mỹ có tăng trưởng cao như cá ngừ tăng 34%.

Ngoài ra, xuất khẩu cá trích sang Mỹ tăng gấp gần 8,5 lần so với cùng kỳ, cá trích là sản phẩm xuất khẩu có kim ngạch cao thứ 7 trong các sản phẩm thủy sản sang thị trường này. Mỹ cũng tăng 90% nhập khẩu mực của Việt Nam trong tháng 7. Xuất khẩu cá tuyết và cá hồi cũng tăng đột phá, trong khi đó xuất khẩu các loài cá biển khác hầu như giảm trong tháng 7.

Tuy sụt giảm trong tháng 7, nhưng lũy kế 7 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ vẫn tăng 30% so với cùng kỳ, đạt gần 1,5 tỉ USD. Lạm phát ở khu vực đồng euro cũng tăng cao kỷ lục trong tháng 7, với mức 8,9% bởi chiến sự Nga - Ukraine khiến giá năng lượng và thực phẩm tiếp tục tăng cao. Cơn bão lạm phát đang chặn đứng sự hồi phục nhu cầu của thị trường sau đại dịch COVID-19.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EU tăng trưởng 31% trong quý 2 nhưng sang tháng 7, mức tăng trưởng đã hạ xuống còn 18%. Một số mặt hàng chủ lực vẫn có giá trị xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ, nhưng so với tháng trước đã giảm rõ rệt và mức tăng trưởng cũng thấp hơn. Trong đó, xuất khẩu tôm chân trắng tăng 11%, tôm sú tăng 34%, cá tra tăng 64%, cá ngừ tăng 16%, bạch tuộc tăng 45%. Đã có những mặt hàng bị giảm xuất khẩu sang thị trường EU trong tháng 7 như: nghêu giảm 1%, mực giảm 17%, chả cá surimi giảm 26%...

Ngoài vấn đề lạm phát thì đồng euro mất giá so với đồng USD cũng sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang khối thị trường này. Tính đến hết tháng 7 vừa qua, tổng xuất khẩu thủy sản sang EU đạt 818 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ.

Cũng giống các nước EU, thị trường Anh cũng quay cuồng trong vòng xoáy lạm phát với mức cao kỷ lục 40 năm, với tỷ lệ 10,1% tính đến tháng 7. Cùng tham gia chiến dịch trừng phạt kinh tế Nga, Anh cũng bị điêu đứng vì lạm giá phát thực phẩm. Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Anh quý 2 năm nay đã giảm 12%, sang tháng 7 tiếp tục giảm 18%.

Trong đó, xuất khẩu tôm sang Anh giảm 27%, xuất khẩu cá ngừ và các loại cá biển khác giảm lần lượt 54% và 28%. Lạm phát giá và thiếu cá tuyết và minh thái từ Nga nên người Anh dành sự lựa chọn nhiều hơn cho cá tra, có thể dùng thay thế cho sản phẩm phổ biến ở Anh là fish & chip. Xuất khẩu cá tra sang Anh vẫn tăng 45% trong tháng 7. Tổng xuất khẩu thủy sản sang Anh tính đến hết tháng 7 đạt 176 triệu USD, giảm gần 5%.

Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc vẫn tăng 25% trong tháng 7 vừa qua. Tuy nhiên, trên đà tăng trưởng mạnh từ các tháng trước đó thì đây là dấu hiệu nhu cầu thị trường đang chững lại hoặc xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn còn những rào cản về vấn đề kiểm tra COVID-19 trên sản phẩm nhập khẩu.

Từ tháng 7, Trung Quốc đã công bố bỏ đình chỉ với các lô hàng bị phát hiện có dấu vết vi rút corona. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn kiểm tra online qua video và thực tế vẫn có lệnh đình chỉ với doanh nghiệp nếu bị phát hiện không đáp ứng các tiêu chuẩn của Trung Quốc về phòng chống và kiểm soát coronavirus.

Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc trong tháng 7 giảm 17%, xuất khẩu cua ghẹ giảm 47%. Tuy nhiên, xuất khẩu cá tra vẫn giữ tăng trưởng cao 54%, xuất khẩu mực bạch tuộc tăng 140%... Với kết quả đó, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc 7 tháng đầu năm mang về trên 1 tỉ USD, tăng 72%.

"Cùng với khó khăn về nguyên liệu, tỷ giá, lạm phát sẽ khiến cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam nửa cuối năm không thể duy trì được tăng trưởng cao như nửa đầu năm. Tuy nhiên, chúng ta vẫn lạc quan vào con số xuất khẩu thủy sản trên 10 tỉ USD cho năm 2022, khi mà chúng ta đã thu về được gần 6,7 tỉ USD trong 7 tháng đầu năm", đại diện VASEP nhấn mạnh.

Bài liên quan
Hàng loạt thách thức cho ngành thủy sản 6 tháng cuối năm
Trong công văn vừa gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã nêu ra hàng loạt thách thức lớn của ngành thủy sản trong 6 tháng cuối năm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
1 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lạm phát toàn cầu bắt đầu phủ bóng lên hàng Việt Nam xuất khẩu