Khi đến hỏi mua đất của chúng tôi họ nói nếu công ty mua đất của hộ khác với giá cao hơn thì sẽ tăng giá cho chúng tôi. Nhưng bây giờ công ty không trả thêm tiền. Do đó, chúng tôi quyết liều mạng chết tại ruộng chứ không cho họ thi công”, một nông dân người Khmer nói.

An Giang: Nông dân bức xúc vì dự án 5.000 tỉ đồng của Tập đoàn Sao Mai

27/12/2018, 10:39

Khi đến hỏi mua đất của chúng tôi họ nói nếu công ty mua đất của hộ khác với giá cao hơn thì sẽ tăng giá cho chúng tôi. Nhưng bây giờ công ty không trả thêm tiền. Do đó, chúng tôi quyết liều mạng chết tại ruộng chứ không cho họ thi công”, một nông dân người Khmer nói.

Giấy cam kết của những người đi mua đất cho Sao Mai - Ảnh: Thanh Vĩnh

Mấy ngày nay, ở nhiều phum, sóc trên vùng Bảy Núi (thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) “dậy sóng”. Đã từng có hàng trăm nông dân người Khmer kéo đến trụ sở UBND xã này đòi phía Tập đoàn Sao Mai phải thực hiện lời hứa khi mua đất của dân để làm dự án năng lượng điện mặt trời.

Rất đông nông dân cho rằng những người đi mua đất cho Sao Mai làm dự án đã hứa là chỉ mua một giá. Nếu sau đó giá đất trên thị trường có tăng thì phía Sao Mai sẽ trả thêm khoản tiền chênh lệch giá này. Tuy nhiên, đến nay phía Sao Mai chần chừ, không thực hiện.

Cam kết trả thêm tiền nếu giá đất tăng

Anh Chau Vươn (40 tuổi, ngụ ấp An Thạnh, xã An Hảo) kể, cách đây khoảng 5 tháng, tự dưng có đoàn người làm việc tại Công an xã An Hảo đến nhà kêu anh bán đất ruộng để làm dự án. Sau khi dự án hoàn thành sẽ tạo công ăn việc làm cho người dân nơi đây. Phía Sao Mai chỉ mua cùng giá là 55 triệu đồng/công (1.000 m2). Anh Vươn không chịu bán.

Lát sau, anh thấy có ông Chau Rên (Trưởng ấp An Thạnh) đi cùng người tên Chau Ây (dân nói là cò mua đất cho Tập đoàn Sao Mai để hưởng hoa hồng) đến nhà anh. Anh Vươn kể, ông Rên và ông Ây cũng nói mua đất của nhiều người dân cùng một giá. Nếu giá đất có tăng lên 1.000 đồng thì sẽ tăng cho anh 1.000 đồng.

Khi này anh Vươn đồng ý bán với điều kiện nếu giá đất tăng lên 200 triệu đồng/công, thì công ty phải trả cho anh giá này. Thế rồi anh Vươn lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) của 3.672 m2 đất ruộng của mình, cùng giấy CMND và hộ khẩu đưa cho ông Ây, để ông này mang đến điểm do Sao Mai dựng lên giao dịch với người dân (ở xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn).

Chiều cùng ngày, ông Rên gọi điện bảo anh đến chỗ của Tập đoàn Sao Mai nhận tiền bán đất. Khi đến nơi, anh Vươn gặp người tên Hà, bảo anh lăn tay (điểm chỉ) vào một số giấy tờ, rồi cho anh nhận tiền bán đất, với tổng số tiền hơn 201 triệu đồng.

Anh Vươn kêu ông Hà viết cho mình giấy cam kết chuyện giá đất tăng thì phía tập đoàn phải trả tiền thêm cho anh. Tuy nhiên, ông Hà nói nhận tiền trước đi, làm cam kết sau. Kế đến ông Hà nói mình bận việc, hôm sau sẽ làm cam kết cho anh Vươn.

Anh Vươn còn cho biết, ngay hôm sau anh đến chỗ Sao Mai tìm ông Hà thì không gặp. Người ở đây nói ông ấy đi họp. Chiều đó anh lại đến thì thấy trong phòng có người nhưng đóng cửa. Vài ngày sau anh lại đến thì người ở đây nói chuyện này do ông Hà giải quyết. Tìm ông Hà hoài không gặp nên anh Vươn không đi nữa.

Khoảng 3 tháng sau, anh nghe ông Chau Ôn ở gần nhà bán đất cho Sao Mai giá 100 triệu đồng/công, nên tới Sao Mai hỏi. Lúc này, người ở đây nói: “Đừng nghe lời người ta bậy bạ, chỉ mua một giá thôi”. Mãi cho đến nay ông Hà cũng không viết cam kết cho anh.

Kẻ ngất xỉu, người mất ngủ, bỏ ăn

Anh Vươn cho hay, khoảng 1 tháng sau ngày anh hay tin có người bán đất giá 100 triệu đồng/công thì tại chùa Cốp-đe diễn ra cuộc họp dân, có đại diện phía Tập đoàn Sao Mai và chính quyền địa phương. Tại cuộc họp này, phía Sao Mai khẳng định họ mua đất ruộng của nông dân làm dự án chỉ một giá (55 triệu đồng/công). Nếu có ai mua giá cao hơn thì Sao Mai sẽ cho nông dân chuộc lại đất để bán cho người ta.

Bản cam kết viết tay, hứa nếu giá đất Sao Mai mua tăng thì sẽ hỗ trợ thêm cho dân - Ảnh: Thanh Vĩnh

Khi đó, nhiều người dân có ý kiến đồng ý chuộc lại đất. Cũng theo anh Vươn, ngay hôm sau anh cùng những người trong gia đình đến nơi Sao Mai giao dịch xin chuộc đất. Lúc này, có người đàn ông nói chưa được do sếp chưa đến.

Những ngày liên tiếp sau đó, anh và người thân lại đến thì gặp ông Hà. Ông Hà đồng ý cho 2 người thân của anh chuộc lại đất. Riêng anh thì ông Hà nói đất anh mua thuộc giai đoạn 1, giờ đã làm giai đoạn 2 nên không cho chuộc. Hơn nữa, hồ sơ mua bán đất của anh họ đã gởi về tỉnh hết rồi.

Anh Vươn cho hay, 2 người chị ruột và chị dâu của anh đã chuộc lại được đất. Riêng anh, ông Hà nói nằm ngoài giai đoạn nên phải chờ sếp họp để hỗ trợ thêm tiền. Nhưng tới nay (hơn 1 tháng), phía Sao Mai cũng chưa cho anh chuộc đất hay trả thêm tiền.

Từ chuyện của mình, anh Vươn hỏi thăm những nông dân bán đất cho một số người cò mua đất cho Tập đoàn Sao Mai, thì mới biết họ cũng đến hỏi mua đất và hứa hẹn có nội dung và tính chất tương tự như anh. Thế là mấy tuần gần đây, có rất đông nông dân bán đất đã kéo đến trụ sở UBND xã An Hảo khiếu nại, đòi phía Sao Mai phải thực hiện lời hứa.

Anh Vươn còn cho biết, cách đây khoảng hơn 1 tuần lễ, có đến vài trăm người dân bán đất ruộng cho những người cò mua cho Tập đoàn Sao Mai kéo đến chật kín cả hội trường UBND xã An Hảo. Hầu hết nông dân yêu cầu phía Sao Mai phải tăng giá mua đất như lời những người đi mua đã cam kết.

Nếu như tập đoàn không tăng giá mua thì phải cho nông dân chuộc lại đất theo đúng giá mà họ đã bán. Mức giá mà người dân đòi nâng lên có nhiều mức. Người đòi phía tập đoàn mua giá 250 triệu đồng/công, hay hỗ trợ thêm 140 triệu đồng/công…

“Bữa họp hôm đó rất lộn xộn vì có quá đông người. Có người thì kể và khóc, vì nói phía tập đoàn hứa mà không thực hiện, trong khi bà con nông dân còn nghèo khó. Có người đàn bà đó khóc rồi ngất xỉu tại hội trường luôn. Bác sĩ phải đến đưa bà sang trạm y tế chăm sóc. Nhiều bà con cầm điện thoại quay phim lại buổi họp, rồi cán bộ và người phía tập đoàn Sao Mai đi cửa sau dần dần ra hết rồi nghỉ họp luôn”, anh Vươn chia sẻ.

Những ngày gần đây, khi PV đến các phum sóc thuộc xã An Hảo, nơi có đông người Khmer sinh sống, thì nghe chuyện nông dân bàn tán, bày tỏ bức xúc trước việc thất hứa của những người được cho là cò mua đất cho Tập đoàn Sao Mai. Đến sóc nào cũng xôn xao những chuyện liên quan đến dự án này.

Nhiều người nói mình đã mất ăn mất ngủ nhiều ngày vì chuyện này. Bởi tính ra họ bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng từ chuyện bán đất giá thấp. Trong khi người mua đất hứa trả thêm tiền khi giá đất tăng mà không thực hiện. Khoản thiệt hại đó có khi cả đời người nông dân cũng không làm sao có được.

“Theo tui biết, giá đất mà cò mua cho Tập đoàn Sao Mai tính đến ngày 2.11 đã tăng lên 320 triệu đồng/công. Có nông dân còn chưa chịu bán, đòi giá tới 400 triệu đồng/công. Bà con thấy người trong chính quyền và cò đến nói bán đất cho tập đoàn làm công ty, rồi tạo công ăn việc làm cho con cháu thì mình mới bán đất. Họ hứa mà giờ không chịu trả thêm tiền nên bà con bức xúc”, anh Vươn bộc bạch.

Có giấy cam kết

Để chứng minh lời hứa của người đi mua đất, bà Néang Dươn (68 tuổi, ngụ ấp An Thạnh, xã An Hảo) cung cấp cho PV giấy cam kết. “Tui bán 1 công 60 triệu đồng. Giờ đất lên giá 300 triệu đồng/công thì phải thêm tiền cho tui 1 công 300 triệu đồng”, bà Dươn thổ lộ.

Nội dung cam kết ghi ngày 27.8.2018 thể hiện, ông Lê Văn Hà (Ban Giải phóng mặt bằng) cam kết, nếu công ty (Tập đoàn Sao Mai - PV) mua đất của hộ khác với giá cao hơn giá mua đất của Nèang Dương (trong giấy CMND ghi Néang Dươn - PV), thì công ty sẽ điều chỉnh giá cho hộ Nèang Dương giá của hộ cao nhất liền kề.

Ông Trương Vĩnh Thành - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai, cho rằng giá đất bị đẩy lên cao là do một số cá nhân đầu cơ đất nhảy vào mua đất của dân khiên một số đất có giá từ 80 triệu đồng lên gần 300 triệu đồng.

Việc này, tập đoàn đang xử lý bằng cách nhờ chính quyền hỗ trợ để thuyết phục bà con giao đất. Đây là dự án điện mặt trời, bên dưới thì cho nuôi giun.

Báo điện tử Một Thế Giới sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Thanh Vĩnh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
An Giang: Nông dân bức xúc vì dự án 5.000 tỉ đồng của Tập đoàn Sao Mai