Ấn Độ mới đây đã đưa ra các hạn chế đối với các trường đại học trong việc liên kết hợp tác với các tổ chức học thuật của Trung Quốc, một động thái nhằm tăng cường xem xét các dự án hợp tác liên quan đến Bắc Kinh.

Ấn Độ rà soát liên kết giữa các trường đại học với đối tác Trung Quốc

Hoàng Vũ | 04/10/2019, 08:18

Ấn Độ mới đây đã đưa ra các hạn chế đối với các trường đại học trong việc liên kết hợp tác với các tổ chức học thuật của Trung Quốc, một động thái nhằm tăng cường xem xét các dự án hợp tác liên quan đến Bắc Kinh.

Thông tin này được đưa ra chỉ vài ngày trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh song phương giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Ấn Độ.

Ủy ban Bảo trợ Đại học Ấn Độ (UGC) - cơ quan thuộc Bộ Phát triển Tài nguyên Con người (MHRD) Ấn Độ hôm 1.10 đã gửi một thông báo tới tất cả các trường đại học ở nước này, trong đó yêu cầu không tham gia những chương trình hợp tác đào tạo với các cơ sở giáo dục và nghiên cứu của Trung Quốc.

“Mọi chương trình hợp tác, trao đổi giáo dục, hay các thỏa thuận và bản ghi nhớ... mà các trường đại học Ấn Độ ký kết với phía Trung Quốc đều cần được đệ trình lên Bộ Nội vụ và Bộ Ngoại giao Ấn Độ để thông qua”, thông báo củaUGCnêu rõ và cho biết những chương trình hợp tác đang diễn ra đều sẽ bị tạm dừng cho đến khi được hai bộ nói trên phê duyệt cụ thể.

Theo Ủy ban Bảo trợ Đại học Ấn Độ, thông báo nói trên do Bộ Phát triển Tài nguyên Con người trực tiếp ban hành, nhưng không giải thích lý do tại sao nó được thực hiện. UGC trước đây chưa từng đưa ra quyết định nào tương tự về việc hạn chế hợp tác cụ thể đối với một quốc gia như vậy.

Ấn Độ hiện có 49 trường đại học do chính quyền liên bang bảo trợ cùng hơn 400 trường được điều hành bởi chính quyền cấp bang và hàng chục nghìn cơ sở đào tạo tư nhân trên cả nước. Chỉ đạo mới của MHRD có hiệu lực với tất cả các cơ sở giáo dục nói trên.

Cựu đại sứ Ấn Độ Phunchok Stobdan, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng nước này, cho biết ông tin rằng động thái hạn chế trên chắc chắn thể hiện những cân nhắc về an ninh dựa trên bản chất của mối quan hệ Ấn Độ với Trung Quốc.

“Bất kỳ tổ chức nào chạy bằng nguồn vốn của chính phủ chắc chắn sẽ cần sự giám sát của chính phủ. Chính phủ Ấn Độ có một bộ chính sách quốc gia về Trung Quốc bao gồm CPEC (Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan), BRI (Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường). Các trường đại học không thể được phép làm phai đi hoặc mâu thuẫn đối với danh nghĩa lợi ích học tập”, Stobdan nói.

Bà Alka Acharya, cựu giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc tại Delhi (ICS), hiện đang là giáo sư tại Trung tâm nghiên cứu Đông Á (JNU) thuộc Đại học Jawaharlal Nehru cho rằng động thái này thể hiện một xu hướng đang phát triển.

“Đây có thể là một phản ứng đối với một số lượng lớn các trường đại học Trung Quốc đang cố gắng giành được chỗ đứng tại thị trường Ấn Độ”, bà Acharya nói và tiết lộ một số trường đại học Ấn Độ đã hợp tác với khoảng 25 trường đại học Trung Quốc, nhưng hầu hết các chương trình liên kết không hoạt động được do thiếu vốn từ phía Ấn Độ.

Theo bà Acharya, thông báo của Ủy ban Bảo trợ Đại học (UGC) có thể nhằm theo dõi các trường đại học Ấn Độ khi tham gia vào một chương trình liên kết hoặc trao đổi hợp tác với các đối tác Trung Quốc. Trong vài năm qua, đã có một loạt các chuyến thăm của đại diện các trường đại học Trung Quốc tới Ấn Độ.

“Các hội nghị và hội thảo ngắn hạn với sự tham gia của các học giả Trung Quốc đang được giám sát bởi Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng. Chính phủ có thể đã biết rằng các quan hệ đối tác như vậy đang gia tăng ngày càng nhiều. Và điều này (thông báo của UGC) có thể là một cách để đảm bảo rằng tất cả các tương tác như vậy đều được ghi lại”, bà Acharya nói thêm.

Hoàng Vũ (theo SCMP)
Bài liên quan
Doanh số smartphone nước ngoài ở Trung Quốc giảm gần 45% vào tháng 10, Apple thêm khó khăn vì dòng Huawei Mate 70
Doanh số smartphone thương hiệu nước ngoài, gồm cả iPhone, ở Trung Quốc giảm 44,25% vào tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu trực thuộc chính phủ công bố hôm 27.11.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ấn Độ rà soát liên kết giữa các trường đại học với đối tác Trung Quốc