Ngày hôm nay (12.5), Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Hà Nội đã tổ chức "Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp thủ đô với thị trường lao động năm 2024".
Theo dòng thời sự

50 doanh nghiệp ở Hà Nội tuyển 3.000 người lao động

Tuyết Nhung 17:32 12/05/2024

Ngày hôm nay (12.5), Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Hà Nội đã tổ chức "Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp thủ đô với thị trường lao động năm 2024".

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Bạch Liên Hương cho biết việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và doanh nghiệp, giữa đào tạo và việc làm nhằm giảm khoảng cách và thực hiện hiệu quả mối quan hệ hữu cơ giữa "đào tạo" và "sử dụng nhân lực", góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, giảm chi phí đào tạo lại, nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh.

anh-12.5-6.jpg
Hoạt động tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh học nghề

Đây là một giải pháp đột phá hữu hiệu để đổi mới và nâng cao chất lượng toàn diện của GDNN, góp phần thúc đẩy công tác phân luồng học sinh THCS và THPT vào học nghề, nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển toàn diện nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, điều này cũng thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển GDNN cũng như nâng cao chất lượng hiệu quả của GDNN trong giai đoạn hiện nay.

Ngày hội gắn kết GDNN thủ đô với thị trường lao động năm 2024 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với khoảng 11.000 người trực tiếp tham dự, bao gồm 54 cơ sở GDNN trực tiếp tham gia tư vấn tuyển sinh, trình diễn kỹ năng nghề tại 73 gian hàng; 50 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng hơn 3.000 chỉ tiêu lao động với đa dạng hóa ngành nghề và mức lương khởi điểm khá cao.

anh-12.5-12.jpg
Hơn 11.000 người tham gia Ngày hội gắn kết GDNN thủ đô với thị trường lao động năm 2024

Cùng với đó, có 8.000 học sinh năm cuối cấp tại các trường THCS, THPT, Trung tâm GDNN-GDTX tại 24 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố tham gia hoạt động tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh; hơn 3.000 học sinh, sinh viên các cơ sở GDNN và người lao động tham gia phiên giao dịch việc làm.

Ngày hội diễn ra các hoạt động chính gồm: Tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh học nghề cho học sinh cấp THCS, THPT; hoạt động của phiên giao dịch việc làm; khởi động hợp tác đào tạo giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp năm 2024.

Bên cạnh đó là hoạt động trình diễn kỹ năng nghề của các đơn vị và cá nhân khởi nghiệp tiêu biểu thuộc các nhóm nghề du lịch, dịch vụ nhà hàng, chăm sóc sắc đẹp, công nghệ ô tô, chế biến món ăn, pha chế...

"Với quy mô và nội dung hoạt động, hy vọng ngày hội này sẽ phần nào đáp ứng được nguyện vọng của cả người có nhu cầu học nghề, đơn vị đào tạo nghề, nhà tuyển dụng và người lao động", bà Hương nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ ngày hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức lồng ghép phiên giao dịch việc làm với sự tham gia của 50 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng hơn 3.000 chỉ tiêu lao động.

Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho biết: Trong tổng số 50 doanh nghiệp tham gia, có 30 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại - dịch vụ, chiếm 60%. Bên cạnh đó còn có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khác như: Sản xuất, du học - xuất khẩu lao động, may... Sự đa dạng lĩnh vực ngành nghề của các doanh nghiệp đăng kí tham gia phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Đông Anh năm 2024 phù hợp với nhu cầu tìm việc của người lao động địa phương, tạo điều kiện cho người lao động chưa tìm kiếm được việc làm tại huyện Đông Anh lựa chọn được công việc thích hợp với khả năng, có thể gắn bó lâu dài, ổn định đời sống ngay tại địa phương.

Theo Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Hà Nội, trên địa bàn TP hiện có 314 cơ sở có hoạt động GDNN. Năm 2023, Hà Nội đã tuyển sinh đào tạo được cho 246.100 lượt người, vượt 7% so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2023 đạt 73,23%, vượt 0,03% chỉ tiêu kế hoạch đề ra... Các cơ sở GDNN đã hợp tác với gần 1.000 lượt doanh nghiệp thông qua nhiều hình thức, giải pháp, hoạt động gắn kết với doanh nghiệp.

Năm 2024, lĩnh vực GDNN, giải quyết việc làm của Hà Nội đặt mục tiêu tuyển sinh và đào tạo cho 235.000 lượt người (cao đẳng 26.000, trung cấp 30.000, sơ cấp và dưới 3 tháng 179.000); phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào đạt 74,2%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 54%, giải quyết việc làm mới cho 165.000 lao động.

Bài liên quan
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương điều tra vụ tai nạn lao động khiến 7 người chết tại Yên Bái
Thủ tướng vừa có công điện yêu cầu điều tra nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm liên quan vụ tai nạn lao động tại Yên Bái chiều 22.4 khiến 7 công nhân tử vong.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 1: Giá bấp bênh, diêm dân vẫn quyết không bỏ nghề
Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
50 doanh nghiệp ở Hà Nội tuyển 3.000 người lao động