ĐBSCL hiện đang bước vào mùa mưa, những cơn mưa chuyển mùa diễn ra với tần suất ngày càng nhiều, kèm theo đó là dông lốc, sạt lở đất, tiềm ẩn nguy hiểm đến tính mạng và tài sản người dân.
Theo dòng thời sự

ĐBSCL bước vào mùa mưa: Đề phòng dông lốc, sạt lở đất

Trần Khải 11/05/2024 23:12

ĐBSCL hiện đang bước vào mùa mưa, những cơn mưa chuyển mùa diễn ra với tần suất ngày càng nhiều, kèm theo đó là dông lốc, sạt lở đất, tiềm ẩn nguy hiểm đến tính mạng và tài sản người dân.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TX.Giá Rai (tỉnh Bạc Liêu) xảy ra 3 vụ sạt lở gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất và sinh hoạt của người dân. Gần nhất là vụ sạt lở gây ảnh hưởng đến 12 căn nhà dân. Ngoài ra, hiện có trên 20 căn nhà khác cũng bị rạn nứt, trong khi sạt lở vẫn đang có nguy cơ tiếp tục. Đa số người dân bị ảnh hưởng bởi các vụ sạt lở đều thuộc những hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Huỳnh Thanh Nhã (ngụ xã Tân Phong, TX.Giá Rai) vẫn chưa hết bàng hoàng, ám ảnh mỗi khi nhớ lại việc căn nhà hơn 40m2 của gia đình vừa bị “hà bá” kéo xuống sông. Ông Nhã nhớ lại, khoảng 1 tháng trước, ông phát hiện căn nhà của mình có những vết rạn nứt nhưng không nghĩ rằng sẽ bị sạt lở.

“Cách đây khoảng 1 tuần, căn nhà sau của gia đình đã bị sạt lở xuống sông, rất may không thiệt hại về người. Hiện nay, mỗi khi thủy triều chảy mạnh là gia đình tôi cũng như những hộ sống ven khu vực sạt lở rất bất an, thấp thỏm đầy âu lo”, ông Nhã chia sẻ.

sl.jpg
Sạt lở gây thiệt hại đến tài sản của người dân khu vực ven sông - Ảnh: T.K

Ông Lê Văn Lý, ngụ xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long (Bạc Liêu) cho hay, những ngày qua ở địa phương xuất hiện nhiều cơn mưa đầu mùa làm cho thời tiết trở nên mát mẻ, dễ chịu. Tuy nhiên, mưa đầu mùa thường xuất hiện sấm chớp, dông gió nên bà con lo lắng sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng người dân.

“Đầu mùa mưa năm nào cũng có người bị sét đánh chết khi làm việc và trú mưa ở ngoài đồng nên chúng tôi thấy bất an. Vì vậy, khi mưa đến bà con tuyệt đối không đi ra đường, nương rẫy, đồng ruộng… để tránh các hiện tượng sấm sét đánh trúng hoặc dông lốc làm đổ ngã cây cối gây nguy hiểm”, ông Lý khuyên.

Tỉnh Cà Mau là địa phương chịu nhiều thiệt hại do hiện tượng El Nino vừa qua. Đến cuối tháng 4.2024, trên địa bàn huyện Trần Văn Thời có 135 tuyến đường xảy ra sụt lún, sạt lở đất với tổng chiều dài hơn 17km, ước tính thiệt hại hơn 26 tỉ đồng. Chính quyền huyện Trần Văn Thời cho biết, dự báo khi mùa mưa đến nước mưa sẽ len lỏi qua các khe nứt khiến cho tình trạng sạt lở đất sẽ còn xảy ra.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, từ nay đến tháng 6.2024, hiện tượng El Nino dần suy yếu và chuyển sang trạng thái trung tính. Từ tháng 7 - 9.2024 có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất đến 65%.

Thống kê từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Bạc Liêu, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện hơn 10 loại thiên tai với các cấp độ rủi ro khác nhau như: áp thấp nhiệt đới; lốc và sét; hạn hán và xâm nhập mặn; ngập lụt, sạt lở đất; nước dâng do triều cường; gió mạnh trên biển… Chỉ tính riêng năm 2023, các loại hình thiên tai đã làm thiệt hại cho địa phương hơn 10 tỉ đồng.

sl2.jpg
Vào mùa mưa, đối với những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, người dân cần chủ động di dời đến nơi an toàn - Ảnh: T.K

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bạc Liêu, mùa mưa năm nay chính thức bắt đầu từ giữa tháng 5.2024.

Ông Lai Thanh Ẩn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Bạc Liêu cho hay, tình hình thời tiết, thiên tai được dự báo sẽ có những diễn biến phức tạp và khó lường trong mùa mưa bão. Để chủ động ứng phó, tỉnh Bạc Liêu đã sớm xây dựng phương án phòng tránh thiên tai nhằm hạn chế rủi ro, thiệt hại đến mức thấp nhất.

Tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với các địa phương tăng cường công tác kiểm tra để có cảnh báo kịp thời, nhất là khuyến cáo người dân di dời khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản. Đồng thời, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh phối hợp với UBND các huyện, TP hướng dẫn các cơ quan, đơn vị và người dân kiểm tra, gia cố lại nhà cửa, công trình kết cấu hạ tầng; tổ chức cắt tỉa cành cây đề phòng lốc và gió mạnh; hỗ trợ, hướng dẫn người dân chằng chéo nhà an toàn, phòng ngừa tốc mái, xiêu vẹo khi có mưa lớn, dông lốc...

Đối với hiện tượng sấm sét, mỗi người dân cũng cần trang bị các kiến thức để phòng tránh tai nạn, đảm bảo an toàn cho bản thân. “Trường hợp khi đang ở giữa đồng trống, người dân cần hạ thấp người. Ngồi chụm hai chân sát nhau tạo thành một điểm duy nhất tiếp xúc với mặt đất, tránh xa những nơi có nước, các vật bằng kim loại như: cuốc, liềm, máy nông cụ, xe đạp, xe máy... để tránh sét đánh trúng”, ông Ẩn khuyến cáo.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 1: Giá bấp bênh, diêm dân vẫn quyết không bỏ nghề
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ĐBSCL bước vào mùa mưa: Đề phòng dông lốc, sạt lở đất