YouTube hôm 3.4 đã công bố các công cụ tạo video mới dành cho Shorts, nguồn video dạng ngắn của nền tảng này, cạnh tranh trực tiếp với TikTok.
Các tính năng mới của Shorts được ra mắt trong thời điểm TikTok, thuộc tập đoàn ByteDance (Trung Quốc), đang đối mặt với nguy cơ bị cấm tại Mỹ nếu không được bán cho một chủ sở hữu người Mỹ trước ngày 5.4.
Trong số các công cụ mới trên Shorts có trình chỉnh sửa video được cập nhật cho phép người sáng tạo thực hiện các điều chỉnh chính xác, tính năng tự động đồng bộ các đoạn cắt video theo nhịp bài hát và AI stickers.
AI stickers (nhãn dán AI) là các nhãn dán được tạo ra hoặc tùy chỉnh bằng trí tuệ nhân tạo, thường dựa trên văn bản, hình ảnh hoặc ngữ cảnh do người dùng cung cấp. AI stickers là cách để làm cho video thêm sinh động, cá nhân hóa và bắt trend dễ dàng mà không cần kỹ năng thiết kế.
YouTube, thuộc sở hữu của Google, cho biết các công cụ dành cho người sáng tạo này sẽ được triển khai cuối mùa xuân năm nay.
Cùng với các tính năng mới, YouTube tuần trước thông báo sẽ thay đổi cách tính lượt xem trên Shorts. Theo quy định mới, lượt xem Shorts sẽ được tính dựa trên số lần video được phát hoặc phát lại mà không yêu cầu thời lượng xem tối thiểu. Thay đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 31.3.
Trước đây, một lượt xem chỉ được tính nếu video được phát trong một khoảng thời gian nhất định. Cách tính mới này tương tự cách TikTok và Reels của Meta Platforms tính lượt xem, có khả năng sẽ làm tăng tổng số lượt xem.
YouTube cho biết thực hiện thay đổi vì nhiều nhà sáng tạo nội dung muốn có thêm dữ liệu chi tiết để đo lường tần suất lượt xem. Ý tưởng mới của YouTube sẽ giúp mở rộng phạm vi tiếp cận đối tượng, giúp nhiều chủ kênh dễ dàng xây dựng chiến lược nội dung và trình bày sản phẩm của mình tới các đối tác quảng cáo tiềm năng.
“Chúng tôi đã nhận được phản hồi từ các nhà sáng tạo rằng đây là điều họ mong muốn. Đây là cách giúp họ hiểu rõ hơn khi nào Shorts của họ được xem. Nó hữu ích cho những nhà sáng tạo đăng bài trên nhiều nền tảng khác nhau”, bà Johanna Voolich (Giám đốc sản phẩm YouTube) cho biết trong một video trên YouTube.
Những nhà sáng tạo nếu quan tâm đến số liệu Shorts gốc có thể xem trực tiếp thông qua chế độ nâng cao trong phần báo cáo chi tiết (Analytics). Số liệu này sẽ được gọi là "lượt xem tương tác", cho phép nhà sáng tạo kiểm tra và phân tích có bao nhiêu người tiếp tục xem video ngắn của họ.
Đặc biệt, YouTube lưu ý rằng thay đổi này sẽ không ảnh hưởng đến thu nhập của nhà sáng tạo hoặc cách họ đủ điều kiện tham gia Chương trình Đối tác YouTube, vì cả hai yếu tố này sẽ tiếp tục dựa trên lượt xem tương tác thay vì cơ chế mới.
AppLovin đấu thầu mua lại TikTok tại tất cả thị trường bên ngoài Trung Quốc
Nền tảng tiếp thị AppLovin hôm 3.4 cho biết đã nộp hồ sơ đấu thầu để mua lại các tài sản của TikTok bên ngoài Trung Quốc, trước thời hạn ngày 5.4 do Tổng thống Trump đặt ra nhằm tìm kiếm một bên mua không thuộc Trung Quốc cho ứng dụng video ngắn đang được hơn 170 triệu người Mỹ sử dụng.
AppLovin cho biết trong một hồ sơ pháp lý rằng đề xuất mua TikTok của họ hiện chỉ mang tính sơ bộ và không có gì đảm bảo rằng thương vụ sẽ được thực hiện.
“Việc bổ sung TikTok có thể thúc đẩy quá trình chuyển đổi của AppLovin trở thành một thế lực quảng cáo toàn cầu, nhưng các yếu tố phức tạp về pháp lý và địa chính trị vẫn là biến số quan trọng với các nhà đầu tư”, ông Michael Ashley Schulman, Giám đốc đầu tư tại hãng Running Point Capital, nhận định.
Khi thời hạn chót để TikTok tìm người mua ở Mỹ đang đến gần, ngày càng có nhiều bên tham gia đấu giá nền tảng mạng xã hội video ngắn này.
Amazon và một liên minh do Tim Stokely (nhà sáng lập nền tảng nội dung người lớn OnlyFans) dẫn đầu là những cái tên khác gia nhập cuộc đua mua lại TikTok ở Mỹ. TikTok đối mặt với thời hạn chót vào ngày 5.4 để đạt thỏa thuận với một bên mua không phải của Trung Quốc, nếu không sẽ bị cấm hoạt động tại Mỹ.
Zoop, công ty khởi nghiệp do Tim Stokely điều hành, đã hợp tác với một quỹ tiền điện tử để đưa ra đề xuất đấu giá mua TikTok vào phút chót, hai bên xác nhận với Reuters.
Một quan chức chính quyền Mỹ xác nhận Amazon đã gửi thư tới Phó tổng thống Mỹ JD Vance và Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick.
Amazon từ lâu đã có tham vọng phát triển một mạng xã hội nội bộ để giúp thúc đẩy doanh số bán hàng và thu hút đối tượng người dùng trẻ hơn. Hãng đã mua lại nền tảng video trực tiếp Twitch vào năm 2014 với giá gần 1 tỉ USD và trang đánh giá sách Goodreads năm 2013 nhằm xây dựng một mạng xã hội có sức hút. Amazon cũng từng phát triển và thử nghiệm Inspire, tính năng video ngắn và ảnh tương tự TikTok, nhưng đã đóng cửa đầu năm nay.
Tuy nhiên, theo The New York Times, nhiều bên tham gia đàm phán không đánh giá cao đề xuất của Amazon.
Tuần trước, Reuters đưa tin quỹ đầu tư tư nhân Blackstone đang thảo luận để tham gia cùng các cổ đông không thuộc Trung Quốc của ByteDance, dẫn đầu bởi Susquehanna International Group và General Atlantic, nhằm huy động vốn mới để mua lại hoạt động TikTok tại Mỹ.
Theo hồ sơ pháp lý của TikTok năm ngoái, các nhà đầu tư toàn cầu nắm giữ khoảng 58% cổ phần ByteDance, Zhang Yiming (nhà sáng lập ByteDance người Trung Quốc) sở hữu 21% cổ phần, các nhân viên thuộc nhiều quốc tịch khác nhau (gồm cả khoảng 7.000 người Mỹ) nắm giữ 21% còn lại.
Đầu tháng 3, Trump tuyên bố rằng chính quyền của ông đang làm việc với bốn nhóm khác nhau đang đấu giá TikTok nhưng không nêu tên cụ thể.
Hôm 30.3, Tổng thống Trump tuyên bố rằng một thỏa thuận với ByteDance để bán TikTok ở Mỹ sẽ hoàn tất trước thời hạn ngày 5.4. Ông Trump đã đặt ra thời hạn này vào tháng 1 để TikTok, ứng dụng video ngắn có hơn 170 triệu người Mỹ sử dụng, tìm một nhà đầu tư không phải của Trung Quốc hoặc đối mặt với lệnh cấm tại Mỹ vì lý do an ninh quốc gia, theo một đạo luật năm 2024.
Đạo luật này được thông qua vào tháng 4.2024 với sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng, phản ánh lo ngại ở Mỹ rằng TikTok chịu sự chi phối của chính phủ Trung Quốc và bị lợi dụng để tiến hành các chiến dịch gây ảnh hưởng đến Mỹ. Tuy nhiên, các nhóm bảo vệ tự do ngôn luận cho rằng lệnh cấm này đe dọa quyền tiếp cận truyền thông nước ngoài của người Mỹ, vi phạm Tu chính án thứ nhất thuộc Hiến pháp Mỹ.
Tu chính án thứ nhất là một trong những điều khoản quan trọng nhất của Hiến pháp Mỹ. Nó bảo vệ các quyền tự do cơ bản thiết yếu cho một xã hội dân chủ. Tu chính án này đã được sử dụng để bảo vệ nhiều loại hình ngôn luận, gồm cả bài phát biểu chính trị, báo chí tự do và biểu tình.
TikTok khẳng định rằng các quan chức Mỹ đã hiểu sai về mối liên hệ của công ty này với Trung Quốc. Công ty cho biết thuật toán đề xuất nội dung và dữ liệu người dùng TikTok tại Mỹ được lưu trữ trên các máy chủ đám mây của Oracle và các quyết định kiểm duyệt nội dung với người dùng Mỹ cũng được đưa ra tại nước này.
Oracle là tập đoàn công nghệ đa quốc gia của Mỹ, chuyên về phát triển và cung cấp phần mềm, cơ sở dữ liệu, điện toán đám mây và các giải pháp doanh nghiệp.
Hôm 1.4, trang Financial Times đưa tin hãng đầu tư mạo hiểm Andreessen Horowitz (Mỹ) đang thảo luận để đầu tư vào TikTok như một phần trong nỗ lực do ông Trump dẫn đầu nhằm giành quyền kiểm soát ứng dụng này.
Marc Andreessen, người ủng hộ ông Trump ở Thung lũng Silicon và là nhà đồng sáng lập Andreessen Horowitz, đang đàm phán để bổ sung khoản đầu tư mới từ bên ngoài nhằm mua lại phần sở hữu của các nhà đầu tư Trung Quốc trong TikTok. Điều này nằm trong một kế hoạch do Oracle cùng các nhà đầu tư Mỹ khác dẫn dắt nhằm tách ứng dụng này khỏi công ty mẹ ByteDance, theo Financial Times.
Theo kế hoạch của các nhà đầu tư hiện tại, Oracle sẽ tiếp tục lưu trữ dữ liệu người dùng Mỹ và đảm bảo chúng không thể bị truy cập từ Trung Quốc, một nguồn tin cho biết.
Theo Reuters, các cuộc đàm phán do Nhà Trắng dẫn dắt đang xem xét phương án tách TikTok thành một thực thể tại Mỹ, giảm tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư Trung Quốc xuống dưới 20% theo yêu cầu của luật pháp Mỹ.
Trong thương vụ TikTok được theo dõi sát sao, Nhà Trắng đang đóng vai trò như một ngân hàng đầu tư, với Phó tổng thống Vance phụ trách điều hành cuộc đấu giá. Đây là mức độ can thiệp chưa từng có tiền lệ của Nhà Trắng vào một thỏa thuận tư nhân, làm gia tăng sự phức tạp của quá trình đạt được thỏa thuận.
Tổng thống Trump ủng hộ lệnh cấm TikTok trong nhiệm kỳ đầu của mình, nhưng những tháng gần đây, ông đã cam kết "cứu TikTok" và giữ ứng dụng này hoạt động tại Mỹ. Lý do vì Trump cho rằng TikTok góp phần giúp ông tiếp cận các cử tri trẻ tuổi để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024.
TikTok gặp vấn đề trong một thời gian ngắn ngay sau lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Trump hôm 20.1 nhưng nhanh chóng hoạt động trở lại sau khi ông ký sắc lệnh trì hoãn lệnh cấm thêm 75 ngày.
Thương vụ này thu hút sự quan tâm của các tỷ phú và doanh nhân khác. Tỷ phú Frank McCourt đang hợp tác với nhà đầu tư Kevin O'Leary (Canada) và đồng sáng lập Reddit Alexis Ohanian trong một đề xuất mua lại TikTok ở Mỹ. Ngôi sao YouTube MrBeast (tên thật là Jimmy Donaldson) cũng đang đàm phán để tham gia nhóm này, theo một nguồn tin quen thuộc với kế hoạch của ông.
Frank McCourt là ông trùm bất động sản sở hữu CLB bóng đá Olympique Marseille (Pháp) và chủ cũ đội bóng chày L.A Dodgers (Mỹ).
Frank McCourt cho biết quá trình đấu thầu này không hề bình thường. Hiện không có danh sách tài sản rõ ràng, không có định giá TikTok cụ thể và ByteDance chưa thuê ngân hàng đầu tư nào để dẫn dắt thương vụ, Frank McCourt tiết lộ với Reuters.
Theo Frank McCourt, Trung Quốc có tiếng nói trong việc bán TikTok và ByteDance có thể đóng cửa ứng dụng này tại Mỹ. Ông cho biết ByteDance đang tham gia đàm phán nhưng không tích cực như một bên bán có động cơ rõ ràng.
Ông Trump: Trung Quốc có thể được giảm thuế nếu chấp thuận thỏa thuận TikTok
Hôm 3.4, ông Trump cho biết sẽ cân nhắc một thỏa thuận cho TikTok, trong đó Trung Quốc đồng ý chấp thuận việc bán ứng dụng video ngắn này để đổi lấy việc giảm thuế với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ.
Phát biểu với các phóng viên trên máy bay Air Force One, ông Trump đã dùng TikTok làm ví dụ về cách thuế quan có thể được sử dụng để đàm phán với các quốc gia khác. "Bạn có một tình huống với TikTok, nơi Trung Quốc có thể sẽ nói: 'Chúng tôi sẽ phê duyệt thỏa thuận, nhưng liệu các bạn có làm gì đó về thuế quan không?’. Chúng ta có thể sử dụng thuế quan để đổi lấy một điều gì đó".