Ngày hội nhằm tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên (HS-SV) được long trọng tổ chức tại Trường đại học Cần Thơ. Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự và phát biểu ý kiến.
Theo dòng thời sự

Thủ tướng dự Ngày hội khởi nghiệp quốc gia lần thứ 6 tại Cần Thơ

Văn Kim Khanh 12/05/2024 13:24

Ngày hội nhằm tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên (HS-SV) được long trọng tổ chức tại Trường đại học Cần Thơ. Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự và phát biểu ý kiến.

knst-2.jpg
Gian hàng của Trường đại học Nam Cần Thơ tại ngày hội - Ảnh: Văn Kim Khanh

Sáng 12.5, tại Trường đại học Cần Thơ, Bộ Giáo dục - Đào tạo chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn, UBND TP.Cần Thơ tổ chức Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ 6. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu chỉ đạo tại ngày hội,

Theo Ban tổ chức, ngày hội nằm trong khuôn khổ các hoạt động tiếp tục triển khai Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30.10.2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”.

knst-3.jpg
Gian hàng khởi nghiệp sáng tạo của TP.Hà Nội - Ảnh: Văn Kim Khanh

Sự kiện được tổ chức với mục đích thúc đẩy sự tham gia của các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục phổ thông trong công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho HS-SV.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, trong những năm qua, phong trào khởi nghiệp của TP.Cần Thơ đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đã lan tỏa rộng khắp từ đô thị đến nông thôn. Tinh thần doanh nhân, khát vọng khởi nghiệp khởi sắc ở hầu hết các tầng lớp, thế hệ người dân, nhất là thế hệ trẻ. Phong trào khởi nghiệp của HS-SV tuy còn khiêm tốn nhưng đã thành một tinh thần, một khí thế, đã trở thành một xu hướng lớn cho lớp trẻ. Hai chữ “khởi nghiệp” đã trở nên quen thuộc đối với thế hệ trẻ hôm nay.

Theo Ban tổ chức, sau 6 năm tổ chức, cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” đã nhận được 1.924 dự án đến từ các cơ sở đào tạo và hơn 1.111 dự án đến từ các trường THPT, THCS trong toàn quốc. 70% các dự án đã có sản phẩm và 30% dự án là ý tưởng hoặc sản phẩm đang ở mức sản xuất thử. Chất lượng của các ý tưởng, các dự án khởi nghiệp cũng ngày càng tốt hơn, được các doanh nghiệp đánh giá cao hơn.

thu-tuong-tham-gian-hang-4944.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm một gian hàng khởi nghiệp sáng tạo - Ảnh: Hòa Hội

Sau 4 tháng phát động (từ tháng 8.2023) cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ 6 năm 2024, Ban tổ chức đã nhận được 707 bài dự thi, tăng 199 bài so với cuộc thi lần thứ 5. Sau vòng sơ loại đã có 465 dự án đạt yêu cầu được tham gia vòng bán kết. Có 80 dự án xuất sắc nhất được vào vòng bình chọn và vòng chung kết của cuộc thi.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói: "Thay mặt Chính phủ, tôi ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những kết quả tích cực về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong HS-SV, thanh niên Việt Nam thời gian qua, những đóng góp vào thành công chung của cả nước.

Chúng ta rất vui mừng, qua hơn 6 năm thực hiện, Đề án 1665 đã đạt được những kết quả quan trọng:

Trong giai đoạn 2018-2023, đề án đạt được hầu hết các mục tiêu: 100% các đại học, học viện, trường (đại học, cao đẳng, trung cấp) có kế hoạch triển khai hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp; 90% học sinh, sinh viên được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, được trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp; tỷ lệ sinh viên khởi nghiệp sau khoảng 5 năm tốt nghiệp khoảng 8%.

tn-1.jpg
Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo - Ảnh: Văn Kim Khanh

Đề án đã thu hút được gần hơn 3.000 dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và trên 4.000 ý tưởng, dự án khởi nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Một số dự án đã được đầu tư thành công, như dự án “Bê tông xanh thân thiện với môi trường” của nhóm sinh viên Trường đại học Mỏ địa chất; hay dự án “Sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ quả sơn tra (táo mèo)” của nhóm học sinh Trường THPT Trần Nhật Duật, tỉnh Yên Bái

Đến hết năm 2023, đã có 110 không gian làm việc chung dành cho khởi nghiệp trong các trường đại học; có hơn 120 trường đại học đã đưa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành một môn học bắt buộc hoặc tự chọn; có 10 cơ sở đào tạo đã bố trí được các quỹ hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp.

Tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp đã tổ chức hơn 3.000 cuộc thi ý tưởng sáng tạo, thu hút gần 370 nghìn lượt thanh niên tham gia với gần 14 nghìn ý tưởng khởi nghiệp; hỗ trợ gần 16 nghìn dự án với tổng kinh phí gần 700 tỉ đồng.

Việc kết nối các chủ thể hỗ trợ khởi nghiệp trong toàn hệ sinh thái đã có những chuyển biến cơ bản; đã xây dựng được mạng lưới Kết nối trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp các trường đại học, cao đẳng.

Đặc biệt, chúng ta tự hào có nhiều HS-SV Việt Nam đã đạt thành tích cao trong học tập, nghiên cứu ở trong nước, nước ngoài và được tuyển dụng làm việc tại các tập đoàn, công ty công nghệ lớn của thế giới như Facebook, Space X, Google, Quora...

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới:

Tôi cơ bản nhất trí với các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại Báo cáo của Bộ GD-ĐT; đồng thời đề nghị bộ cùng các cấp các ngành, các địa phương tập trung thực hiện quyết liệt đồng bộ, hiệu quả “1 đẩy mạnh, 2 tăng cường, 3 kết nối, 4 tập trung, 5 khuyến khích”:

Trong đó, đẩy mạnh triển khai hiệu quả các chính sách hiện hành; đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách phù hợp, tạo môi trường, điều kiện, cơ sở pháp lý thuận lợi để thanh niên, học sinh, sinh viên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

“Hai tăng cường” gồm: Tăng cường liên kết giữa các trường đại học, trường cao đẳng với trung tâm nghiên cứu có đầy đủ trang thiết bị hiện đại giúp học sinh, sinh viên có thể nghiên cứu, tạo nên những sản phẩm mẫu, tạo sự gắn kết giữa các nhóm ngành nghề thông qua sự hỗ trợ của đội ngũ cán bộ, giảng viên, điều phối viên; tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong HS-SV.

“Ba kết nối” là: Kết nối các trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trong trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp với trung tâm khởi nghiệp tại địa phương, hình thành mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia; kết nối địa phương với trường đại học trong việc đặt hàng, giao nhiệm vụ phát triển dự án khởi nghiệp trên tinh thần giải quyết những vấn đề thực tiễn của địa phương; kết nối giáo dục khởi nghiệp từ phổ thông lên bậc học cao hơn thành những nội dung, chương trình xuyên suốt.

“Bốn tập trung” là: Tập trung nâng cao tinh thần đổi mới sáng tạo trong ngành giáo dục, trong đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên, giáo viên, học sinh, sinh viên; tập trung đề xuất, hình thành và phát triển các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tập trung đề xuất xây dựng sàn giao dịch ý tưởng, dự án khởi nghiệp của HS-SV, thanh niên với các doanh nghiệp; tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng.

“Năm khuyến khích” gồm: Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị sử dụng sản phẩm được hình thành từ dự án khởi nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp phối hợp, hỗ trợ cơ sở giáo dục triển khai thực hiện công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng không gian trải nghiệm, sáng tạo khởi nghiệp dùng chung; khuyến khích HS-SV, giảng viên tích cực tham gia hoạt động khởi nghiệp và để thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu; khuyến khích cán bộ giảng viên, đoàn viên, thanh niên tích cực chủ động đổi mới sáng tạo, có cách nghĩ mới, cách làm mới; tham gia hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hoạt động hỗ trợ cộng đồng".

Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm đạt chuẩn; cung cấp cho giáo viên, HS-SV thông tin về chính sách hỗ trợ khởi nghiệp; chủ động ban hành, tham mưu ban hành các cơ chế phối hợp với doanh nghiệp xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức kỹ năng về nghề nghiệp, việc làm cho HS-SV. Cùng với đó là tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, khởi nghiệp cho HS-SV gắn với nội dung, chương trình được định hướng cụ thể thông qua việc học, trải nghiệm ngay tại doanh nghiệp, tại nhà máy, xí nghiệp, bảo đảm "học đi đôi với hành".

khoi.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu thực hiện nghi thức khởi động Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ 6 - Ảnh: Đan Phượng

Thủ tướng đề nghị HS-SV noi theo tấm gương sáng của các thế hệ đi trước; luôn chăm chỉ, chuyên cần, cố gắng học tập tốt, rèn luyện tốt; giữ vững niềm tin, làm tròn trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội; hãy sống một cuộc sống tràn đầy đam mê, hoài bão, khát vọng vươn lên, ý chí lập thân, lập nghiệp.

HS-SV hãy luôn mang trong mình tinh thần quyết tâm “Nuôi dưỡng ý tưởng; thổi bùng đam mê; quyết tâm, kiên trì; đương đầu thách thức, chấp nhận rủi ro, lập nghiệp thành công”, đóng góp công sức, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp. Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng những đam mê, ước mơ, hoài bão, khát vọng của tuổi trẻ sẽ tiếp tục được nuôi dưỡng, chắp cánh và trở thành hiện thực.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 1: Giá bấp bênh, diêm dân vẫn quyết không bỏ nghề
Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng dự Ngày hội khởi nghiệp quốc gia lần thứ 6 tại Cần Thơ