Ngày 9.1, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế phối hợp với Viện Khảo cổ học (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) báo cáo kết quả sơ bộ thăm dò khảo cổ học gò Dương Xuân.

Ý kiến chuyên gia về các phát hiện đáng chú ý khi tìm mộ vua Quang Trung

Lê Đình Dũng | 10/01/2017, 06:32

Ngày 9.1, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế phối hợp với Viện Khảo cổ học (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) báo cáo kết quả sơ bộ thăm dò khảo cổ học gò Dương Xuân.

Tháng 6.2016, Bộ VH-TT-DL ra quyết định thăm dò khảo cổ tại gò Dương Xuân nhằm nghiên cứu, tìm hiểu thêm về giai đoạn lịch sử Tây Sơn-Nguyễn Huệ.Các nhà khảo cổ đã tiến hành đào 5 hố thăm dò với diện tích 22m2 tại khu vực gò Dương Xuân trong thời gian từ 30.9​-15.10.2016.

Bước đầu Viện Khảo cổ học có những nhận xét sơ bộ rằng diện phân bố các điểm di tích trên diện rộng khoảng 10 ngàn m2.Hàng trăm di vật được phát hiện như mộ táng (chum); nền, móng cát sỏi liên quan đến nền móng của kiến trúc; lớp rải tạo mặt bằng kê chân đá/táng, là chân cột trong kiến trúc; nhiều mảnh sành, sứ, gạch ngói…

Các chuyên gia đoán định niên đại di tích gò Dương Xuân tập trung từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, kéo dài đến thế kỷXX.

Các di vật được phát hiện

Giáo sư Phan Huy Lê, chuyên gia hàng đầu về lịch sử Việt Nam cho biết: “Trước hết khẳng định trên gò Dương Xuân có chùa Thuyền Lâm, chùa Thuyền Lâm được sử dụng như một điện ở triều Tây Sơn. Như vậy, có thể cung điện Đan Dương của thời Quang Trung cũng nằm bên cạnh, tức cũng nằm trên gò Dương Xuân. Cái đó chỉ là suy luận, nhưng là suy luận có căn cứ”.

Liên quan đến các giếng khoan tại khu vực này đã khẳng định trước khi các chúa Nguyễn và vương triều Tây Sơn có mặt thì ở khu vực gò Dương Xuân đã có dấu tích của người Chăm Pa, nhưng chưa biết là chỗ cư trú như thế nào.

Giáo sư Phan Huy Lê

Theo giáo sư Lê thì nên tiếp tục mở rộng khai quật hố số 5 vì khi mở rộng thăm dò khảo cổ học tại hố này sẽ giải đáp được cho chúng ta hai câu hỏi là dưới 9 tầng sinh thổ lớp đá hiện có là gì, và bề ngang hiện có của lớp đá này rộng 5-6m nhưng phía đông và tây chạy đến đâu thì bây giờ vẫn chưa biết.

Từ đó, sẽ đi đến kết luận được kiến trúc đá này thực chất là gì. Nếu có bức tường thành thì tiếp tục nghiên cứu có đúng thời Tây Sơn không hay trước đó, hay sau đó. Nếu phát hiện đây là một bức tường thành thì có thể nói rằng đây là một chỉ số rất quan trọng.

Cũng theo ý kiến của GS.Lê, các nhà khảo cổ học nên đào thêm một rảnh thăm dò kéo dài từ chùa Vạn Phước xuống phía nam; làm như thế sẽ phát hiện thêm dưới các tầng đất ở gò Dương Xuân có thêm những tầng kiến trúc gì.

Việc khảo sát tìm lăng mộ vua Quang Trung vẫn được kiến nghị tiếp tục

Theo nhận định của Viện Khảo cổ học, những kết quả thu được như vừa nêu là rất khả quan. Tuy nhiên, trong thời gian ngắn, diện khai quật hẹp, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế và Viện Khảo cổ học kiến nghị Bộ chủ quản và các cơ quan chức năng xây dựng đề án quy hoạch tổng thể để mở rộng việc nghiên cứu; nhất là sử dụng phương pháp Lidar - công nghệ viễn thám dùng các loại tia la​zer để khảo sát từ trên cao, thu thập các điểm phản xạ 3 chiều để nghiên cứu toàn bộ khu vực.

Các đơn vị này cũng kiến nghị các tổ chức, các nhà khoa học cùng vào cuộc nghiên cứu có hệ thống, khoa học và thực tiễn về khu di tích gò Dương Xuân, nhằm làm sáng tỏ những vấn đề liệu có phải đây là nơi vua Quang Trung đã cho xây dựng cung điện; khi băng hà, vua đã được an táng tại đây và cung điện được đổi tên thành lăng Đan Dương hay không.

Khu vực gò Dương Xuân hiện nay là khu dân cư phường Trường An, TP.Huế. Nhiều tư liệu lịch sử và một số nghiên cứu cho rằng năm 1691, chúa Nguyễn Phúc Chu từng cho xây dựng phủ Dương Xuân ở đây.Phủ này còn được đầu tư xây dựng lớn thêm vào năm 1740 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Đến năm 1789, vua Quang Trung cho xây dựng cung điện Đan Dương.

Anh Minh-Lê Đình Dũng

Ý kiến các học giả

PGS-TS Bùi Văn Liêm - Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam, chủ trì đoàn thăm dò - cho biết đoàn đã mở 5 hố thám sát khảo cổ và thu được nhiều hiện vật cũng như ghi nhận nhiều dấu tích cho thấy có sự sinh hoạt của cư dân thế kỷ thứ XVII.

Trong đó, tại hố thăm dò số 1 (ở chùa Vạn Phước) có diện tích 4m2, thu được 9 mảnh gốm sứ ngay lớp bề mặt và 13 mảnh lớp thứ nhất. Ở độ sâu dưới 0,2m, đoàn đã thu được một bát sứ trắng men lam vẽ rồng, đế có 4 chữ Hán “Khang Hy niên chế” niên đại từ 1661-1722 và một mảnh trôn bát hiện đại in hình gà trống cùng 4 chữ “Thiên nhiên từ khí”.

Tại hố thứ 2 (trước cổng chính vào chùa Vạn Phước, ở vách phía Đông), ở độ sâu 1,15m xuất hiện một đĩa sứ nằm dưới một viên gạch. Mở rộng hố thêm 0,5m xuất hiện thêm nhiều hiện vật sành, gốm, gạch, ngói liệt và cả thủy tinh. Tổng cộng tại hố này thu được 419 hiện vật gốm sứ, gạch ngói. Ngoài ra, tại hố thám sát này còn ghi nhận dấu hiệu có thể có các ngôi mộ hỏa táng.

Ở hố số 3 phát hiện mảng cát vàng, dày 5-7cm, tơi xốp và thu được 1 đồng tiền có chữ “Thành Thái thông bảo - Thập Văn”.

Đặc biệt, tại hố thăm dò số 5 (ở sân nhà 1 người dân), khi đào sâu xuống 19-30cm thì bắt đầu xuất hiện những viên đá xếp. Xuống độ sâu 61cm, bộc lộ rõ nhiều lớp đá xếp trực tiếp lên nhau nhưng không thấy có dấu hiệu vôi vữa hay bất kỳ chất kết dính nào. Các viên đá này có hình dáng tự nhiên, không được gia công tạo hình vuông nên kích thước không đồng đều. Nền đá xếp này chiếm gần hết diện tích hố thăm dò, rộng gần 6m2. Đào sâu xuống 0,7m và mở rộng hố đào, đoàn thu được 243 hiện vật là sành, gốm và ngói lợp,

Theo nhận định sơ bộ, móng đá xếp ở hố thám sát này có thể còn kéo dài về phía nam. Từ quy mô bước đầu nhận định rằng lớp đá tại hố này có thể liên quan đến kiến trúc lớn, nhiều khả năng là móng tường, móng thành nhưng ở phần trên đã bị các hoạt động của người dân hiện đại xâm lấn.

PGS-TS Bùi Văn Liêm nhận xét việc thám sát có thể phát hiện 3 cụm di tích liên quan đến mộ hỏa táng và ngôi mộ đất có quan tài là chum sành bị vỡ; phát hiện được cụm cát vàng và lớp đá có thể liên quan đến kiến trúc lớn.

“Về niên đại, dựa vào tổng thể di tích và tư liệu, bước đầu đoán định di tích gò Dương Xuân tập trung từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, kéo dài đến đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, vẫn phải chờ phân tích thêm” - PGS-TS Bùi Văn Liêm khẳng định.

Theo PGS-TS Đỗ Bang, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, kết quả các hố thám sát đều ghi nhận có sinh hoạt của cư dân từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX là điều rất đáng mừng.

Theo ông Bang, bước nghiên cứu tiếp theo phải xem địa điểm gò Dương Xuân như một “trung tâm thương mại” bởi đã phát hiện nhiều di vật, đồng thời phải tập trung khảo cổ ở hố số 5.

Còn PGS-TS Nguyễn Văn Đăng - Khoa Lịch sử Trường ĐH Khoa học Huế - cho rằng báo cáo còn mù mờ, chưa đi sâu vào nghiên cứu niên đại nên đoàn thăm dò khảo cổ học cần đưa ra dự báo, giả thuyết dựa trên các di tích, di chỉ thu nhận được để có hướng nghiên cứu tiếp theo.

theo Quang Nhật/báo Người Lao Động

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ý kiến chuyên gia về các phát hiện đáng chú ý khi tìm mộ vua Quang Trung