Do doanh nghiệp khó khăn về đơn hàng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 11 tháng chỉ đạt 620 tỉ USD, giảm 8% so với cùng kỳ. Đây là mức thấp nhất cùng kỳ trong 3 năm qua.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Xuất nhập khẩu 11 tháng thấp nhất ba năm, 24 nước điều tra hàng Việt

Tuyết Nhung 06/12/2023 10:03

Do doanh nghiệp khó khăn về đơn hàng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 11 tháng chỉ đạt 620 tỉ USD, giảm 8% so với cùng kỳ. Đây là mức thấp nhất cùng kỳ trong 3 năm qua.

Bộ Công Thương cho biết xuất khẩu hàng hóa tháng 11 không giữ được nhịp tăng như tháng trước, khi kim ngạch giảm gần 4%, xấp xỉ 31,1 tỉ USD. Bình quân 5 tháng gần đây, kim ngạch xuất khẩu đạt 30 tỉ USD một tháng, cao hơn mức 27,45 tỉ USD nửa đầu năm. Điều này cho thấy xuất khẩu tiếp tục khởi sắc, giúp rút ngắn đà suy giảm so với năm ngoái. Tính chung 11 tháng, xuất khẩu đạt 322,5 tỉ USD, giảm 6% so với cùng kỳ 2022. Mức suy giảm được thu hẹp, chỉ bằng một nửa so với đầu năm (12%).

Trong khi đó, nhập khẩu tháng 11 chỉ tăng 1% so với tháng trước, đạt 30 tỉ USD. Lũy kế 11 tháng, chỉ tiêu này đạt gần 297 tỉ USD, thấp hơn 11% cùng kỳ năm trước. Khu vực kinh tế trong nước và nước ngoài vẫn ghi nhận xu hướng nhập khẩu nguyên phụ liệu, máy móc, hàng hóa hạ 9% và 11,7% so với năm ngoái.

Như vậy, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng đạt gần 620 tỉ USD, giảm 8,3% cùng kỳ năm trước. Đây là mức thấp nhất cùng kỳ trong 3 năm qua.

Việt Nam tiếp tục ghi nhận cán cân thương mại thặng dư, khi xuất siêu gần 26 tỉ USD, tăng gần 2,5 lần năm ngoái và là mức cao nhất 10 năm trở lại đây. Kết quả này nhờ khu vực nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu hơn 45,8 tỉ USD, trong khi doanh nghiệp trong nước nhập siêu 20 tỉ USD.

Trong 11 tháng năm 2023, có 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 93,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỉ USD, chiếm 66%).

Nhìn chung, các ngành hàng đều gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm, nhất là đối với hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu, do vậy kim ngạch xuất khẩu 11 tháng năm 2023 của nước ta sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm, tuy nhiên mức độ suy giảm có xu hướng thu hẹp dần và mức độ tác động đến xuất khẩu từng ngành hàng có sự khác nhau. Trong đó, xuất khẩu tới thị trường châu Á giảm 1,4%; châu Âu giảm 6,6%; châu Mỹ giảm 12,4%; châu Phi tăng 3,7%; châu Đại dương giảm 2,7%.

Xuất nhập khẩu trong 11 tháng năm 2023 vẫn suy giảm (giảm 5,9%) trong bối cảnh xu hướng hàng rào bảo hộ gia tăng. Tính đến tháng 11/2023, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 238 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường. Trong đó, đứng đầu là các vụ điều tra chống bán phá giá (132 vụ việc), tiếp đó là các vụ việc tự vệ (48 vụ việc), chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (35 vụ việc) và chống trợ cấp (23 vụ việc).

Bên cạnh số lượng lớn vụ việc nước ngoài điều tra chống bán phá giá đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, một số thị trường xuất khẩu lớn, trong đó có thị trường Mỹ, cũng tăng cường các hoạt động điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Trong số vụ việc điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, có một số vụ việc liên quan đến các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như pin năng lượng mặt trời, tủ gỗ.

Bộ Công Thương dự báo xuất nhập khẩu sẽ khởi sắc hơn trong tháng cuối năm nhờ tăng trưởng một số nền kinh tế lớn tốt hơn kịch bản đưa ra, lạm phát tại Mỹ, Trung Quốc, châu Âu hạ nhiệt. Hàng tồn kho tại các nước đang giảm, nhập khẩu từ các nền kinh tế lớn nhất thế giới, là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam có tín hiệu tích cực. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa (thế giới, trong nước) thường tăng cao vào dịp cuối năm, kích thích xuất khẩu, tiêu dùng nội địa.

Bài liên quan
Năm 2023: Nhập khẩu 119.000 tấn đường theo phương thức đấu giá
Năm 2023, lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường (mã HS 17.01) phân giao theo phương thức đấu giá là 119.000 tấn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
2 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xuất nhập khẩu 11 tháng thấp nhất ba năm, 24 nước điều tra hàng Việt