“Nhiều hình thức kinh doanh chưa có quy định pháp lý cụ thể nên những cá nhân, tổ chức vi phạm ngang nhiên thách thức dư luận, thách thức pháp luật nên gây bức xúc cho người dân”, Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM nói.

'Xử lý hình sự kinh doanh đa cấp lừa đảo là bước tiến mới của luật Hình sự'

Trí Lâm | 24/05/2017, 15:41

“Nhiều hình thức kinh doanh chưa có quy định pháp lý cụ thể nên những cá nhân, tổ chức vi phạm ngang nhiên thách thức dư luận, thách thức pháp luật nên gây bức xúc cho người dân”, Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM nói.

Sáng 24.5, Quốc hội bước vào phiên họp thứ 3 để bàn về nội dung của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015.

Trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết quá trình hoàn thiện dự thảo đa số ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung 1 điều luật mới về tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp để xử lý hình sự hành vi kinh doanh đa cấp trái phép. Bổ sung điều này nhằm tránh để xảy ra hậu quả rồi mới xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như một số vụ án liên quan đến kinh doanh đa cấp vừa qua.

UB Thường vụ Quốc hội cho biết, kinh doanh đa cấp là phương thức kinh doanh hiện đại, nếu tuân thủ đúng pháp luật thì sẽ phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, nếu kinh doanh theo phương thức đa cấp mà vi phạm quy định của pháp luật thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ra hậu quả rất lớn.

Thực tế vừa qua, nhiều vụ kinh doanh đa cấp vi phạm quy định của pháp luật đã gây thiệt hại cho hàng chục nghìn người, chủ yếu là người dân nghèo ở các vùng nông thôn. Vì vậy, tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu và theo đề nghị của Chính phủ, dự thảo luật đã bổ sung Điều 217a - Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Tuy nhiên, có một số đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn và cho rằng cần cân nhắc khi bổ sung tội danh này. ĐBQH Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng, đây là loại tội mới chưa được báo cáo đánh giá đầy đủ về sự cần thiết, mức độ tác động. Hơn nữa thiết kế như dự thảo cũng chưa chắc xử lý được vì các công ty này có giấy phép kinh doanh đầy đủ.

Bên cạnh đó, việc thiết kế khung hình phạt của tội phạm này cao nhất là 5 năm tù, nhẹ hơn rất nhiều so với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay tội Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (2 tội này có khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù đến tù chung thân).

"Bộ luật Hình sự đã bỏ tội Kinh doanh trái phép vì nó không phù hợp tình hình thực tế khi người dân có quyền tự do kinh doanh ở lĩnh vực mà pháp luật không cấm, nay có thêm có Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp là không phù hợp"- ông Xuyền nêu ý kiến.

Ngoài ra, ông Xuyền cho rằng, nếu không làm thận trọng, có khiviệc bổ sung tội mới này lại là nơi để đối tượng phạm tội "trú ngụ, ẩn náu", tránh bị xử lý về tội Lừa đảo hay Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản do có khung hình phạt nhẹ hơn.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết nhất trí với điều luật sửa đổi, bổ sung này.

Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM ủng hộ việc xử lý hình sự kinh doanh đa cấp lừa đảo

Theo ông Hùng, hình thức kinh doanh đa cấp biến tướng dưới nhiều dạng kinh doanh đẩy nhiều người dân, nạn nhân vào chỗ điêu đứng, từ hoạt động kinh doanh bất động sản, cho thuê, hợp đồng góp vốn kinh doanh, đầu tư, diễn thuyết, học làm giàu… đều núp bóng hình thức đa cấp gây ra biết bao nhiêu hệ lụy cho xã hội. Sau khi nhà nước có chính sách và xử phạt nhiều công ty đa cấp về lĩnh vực hàng hóa thì họ lại biến tướng dưới các hình thức mới như bất động sản, tiền ảo qua mạng, góp vốn đầu tư... làm nhiều người dân bị gài bẫy, tiền mất tật mang.

“Thực tế những hình thức kinh doanh không thu lại được lợi nhuận thực tế mà mang tính chất ảo, có dấu hiệu lừa đảo nhưng hiện nay chưa có quy định pháp lý cụ thể nên những cá nhân, tổ chức vi phạm ngang nhiên thách thức dư luận, thách thức pháp luật nên gây bức xúc cho người dân”, ông Hùng nói.

Thậm chí, theo ông Hùng, có những công ty không kinh doanh về đa cấp nhưng hoạt động kinh doanh giống đa cấp, tương tự đa cấp, hay nói cách khác là “núp” bóng đa cấp để dụ dỗ, lừa đảo khách hàng đã làm cho nhiều nạn nhân sập bẫy. Do quy định pháp luật không rõ ràng và thỏa thuận trên giấy tờ như hợp đồng góp vốn, đặt cọc góp vốn, đầu tư... nên rất khó để xử lý hình sự những hành vi này.

Do vậy, ông Hùng cho rằng nếu điều luật được đưa vào luật hình sự thì đây là một bước tiến mới trong Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, không nhất thiết phải thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng trở lên mới xử lý mà chỉ cần quy định tương tự như các tội xâm phạm về sở hữu đó là chỉ cần từ 5.000.000 đồng trở lên là có thể xử lý. Bởi thực tế có nhiều công ty chỉ gài bẫy nạn nhân từ mấy chục triệu đến 100.000.000 đồng của rất nhiều người là số tiền rất nhiều, gây nguy hiểm cho xã hội, nhiều người nông dân nghèo mấy chục triệu là rất lớn đối với họ.

Ngoài ra, vị này cho rằng điều luật cần quy định cụ thể những hành vi nào là vi phạm để định khung hình phạt và thuận tiện cho việc xử lý những cá nhân, tổ chức vi phạm và tạo tính răn đe với người vi phạm.

Có thể bị phạt tù tới 2 năm

1. Người nào tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hoặc không đúng với nội dung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 174 và Điều 290 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm:

a) Đã bị xử phạt vi hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm;

b) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

c) Gây thiệt hại cho người khác từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại cho người khác 1.500.000.000 đồng trở lên;

c) Quy mô mạng lưới người tham gia từ 100 người trở lên.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm".

Trí Lâm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Xử lý hình sự kinh doanh đa cấp lừa đảo là bước tiến mới của luật Hình sự'