Việc Trung Quốc vận hành 3 nhà máy điện hạt nhân gần biên giới với Việt Nam không phải là trường hợp đầu tiên trên thế giới. Các sự cố trong lịch sử buộc chính những nước có nhà máy điện hạt nhân phải chủ động trong công tác an toàn.

Xây nhà máy điện hạt nhân gần biên giới: Chính nước chủ nhà sợ xảy ra thảm họa

1 | 23/10/2016, 05:26

Việc Trung Quốc vận hành 3 nhà máy điện hạt nhân gần biên giới với Việt Nam không phải là trường hợp đầu tiên trên thế giới. Các sự cố trong lịch sử buộc chính những nước có nhà máy điện hạt nhân phải chủ động trong công tác an toàn.

Đàm phán giữa các quốc gia

Ba nhà máy điện hạt nhân mà Trung Quốc mới đưa vào hoạt động đều rất gần Việt Nam. Cụ thể, Nhà máy Phòng Thành (Quảng Tây) chỉ cách Quảng Ninh khoảng 50km. Nhà máy Xương Giang (Hải Nam, Quảng Đông) chỉ cách đảo Bạch Long Vĩ hơn 100km; còn Nhà máy Trường Giang cách biên giới hơn 200km. Dự kiến khi đi vào hoạt động đầy đủ, sẽ có 18 tổ máy vận hành.

Chuyện tương tự từng xảy ra năm 2013 khi Belarus khởi công nhà máy điện hạt nhân công suất 2.400MW cách biên giới với Lithuania hơn 20km và cách thủ đô nước này 55km. Từ năm 1977, Pháp đã xây Nhà máy điện hạt nhân Fessenheim cách biên giới với Đức 15km, cách biên giới với Thụy Sỹ 40km và vận hành hơn 30 năm. Bỉ cũng có 2 nhà máy điện hạt nhân Tihange và Doel chỉ cách biên giới Đức 60km và 130km.
Giữa các nước trên đều có đàm phán để đảm bảo an toàn điện hạt nhân. Theo Uatoday.tv, Lithuania yêu cầu có ủy ban đánh giá quốc tế để theo dõi quá trình xây dựng, giám sát theo tiêu chuẩn châu Âu và điều này cần được thực hiện ngay khi bắt đầu xây dựng.

Đức cũng lên tiếng về việc Nhà máy điện hạt nhân Fessenheim của Pháp đã khá lâu đời, gây lo ngại về an toàn. Pháp đã lên kế hoạch đóng cửa nhà máy này cuối năm 2016. Còn Bỉ - khi khởi động lại 2 nhà máy lâu đời Tihange và Doel - đã phải trải qua quy trình đánh giá an toàn nghiêm ngặt.

“Các lò phản ứng của Bỉ được xem xét an toàn không chỉ bởi các nhà chức trách Bỉ mà cả từ phía đối tác ở châu Âu” - Jean-Pol Poncelet - Tổng giám đốc Hiệp hội Thương mại hạt nhân châu Âu Foratom - nói với The Guardian.

Phòng thủ chiều sâu

Dù có các sự cố điện hạt nhân như Chernobyl (Nga) năm 1986 và Fukushima Daiichi (Nhật Bản) năm 2011, nhưng theo Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), việc sử dụng điện hạt nhân được xem là an toàn nhất hiện nay do có các quy định hết sức nghiêm ngặt theo triết lý “tiếp cận phòng thủ chiều sâu”.

Theo trang World-nuclear.org, cách tiếp cận này gồm các tiêu chí: Thiết kế và xây dựng đạt chất lượng cao; có thiết bị ngăn ngừa các rối loạn hoạt động hay lỗi của con người; giám sát toàn diện và kiểm tra thường xuyên để phát hiện thiết bị hoặc nhà vận hành trục trặc, có hệ thống dự phòng và kiểm soát thiệt hại đối với nhiên liệu và ngăn chặn rò rỉ phóng xạ; có biện pháp hạn chế ảnh hưởng nghiêm trọng...

Như vậy, cách tiếp cận phòng thủ theo chiều sâu gồm 3 mặt: Ngăn ngừa, giám sát và hành động để giảm thiểu hậu quả. Cách tiếp cận trên đã được IAEA đưa vào bộ tiêu chuẩn an toàn để bảo vệ người dân và môi trường SSR-2/1, khuyến cáo các nước thành viên - gồm cả Trung Quốc - thực hiện khi xây nhà máy điện hạt nhân.

Ở Liên minh châu Âu (EU), khâu đánh giá thử nghiệm trong phòng thủ an toàn điện hạt nhân được thực hiện cực kỳ cẩn trọng theo quy trình “đánh giá căng thẳng, kiểm tra cả tình huống động đất, lũ lụt và mất chức năng an toàn, biện pháp quản lý sự cố.

IAEA còn thiết lập hệ thống chia sẻ dữ liệu và mới đây nhất là hệ thống vẽ bản đồ phóng xạ quốc tế (IRMIS). Hệ thống này thu thập thông tin giám sát phóng xạ và bản đồ những khu vực có tiềm năng bị tác động, giúp các nước có phản ứng thích trong trường hợp khẩn cấp.

Ở các nước có nhà máy điện hạt nhân, việc xây dựng hệ thống giám sát và phản ứng với sự cố đặc biệt được coi trọng. Trung Quốc đầu tư lớn xây các trạm quan trắc phóng xạ hạt nhân. Theo Mep.gov.cn, từ năm 2009-2011, nước này đã lập 100 trạm. Theo Chinadaily, năm 2012 chỉ riêng ở Cam Túc, Trung Quốc đã chi 4,7 triệu USD để lập 30 trạm quan trắc phóng xạ.

Điều đó cho thấy, chủ nhân các nhà máy điện hạt nhân mới là nước quan tâm nhất tới an toàn phóng xạ. Trước những yêu cầu từ Lithuania về nhà máy điện hạt nhân đặt gần biên giới, ông Vladimir Makei - Bộ trưởng Ngoại giao Belarus - khẳng định: “Chúng tôi không phải là những kẻ ngốc như vậy. Là một trong những quốc gia chịu thiệt hại nhiều nhất từ thảm họa Chernobyl, chúng tôi không bao giờ xây dựng một nhà máy điện hạt nhân không an toàn”.

Văn Biển (theo báoKhoa học - Phát triển)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xây nhà máy điện hạt nhân gần biên giới: Chính nước chủ nhà sợ xảy ra thảm họa