Quy luật của cuộc sống: sinh lão bệnh tử, ai cũng hiểu điều đó. Dù là cao nhân hay người bình thường, không ai có thể tránh được quy luật ấy. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 ra đi, như một lời chia tay với cõi đời vào ngày 14/4, để lại rất nhiều tiếc nuối trong lòng công chúng, bè bạn, gia đình...

Xa vắng tiếng dương cầm

DDVN | 05/05/2016, 12:16

Quy luật của cuộc sống: sinh lão bệnh tử, ai cũng hiểu điều đó. Dù là cao nhân hay người bình thường, không ai có thể tránh được quy luật ấy. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 ra đi, như một lời chia tay với cõi đời vào ngày 14/4, để lại rất nhiều tiếc nuối trong lòng công chúng, bè bạn, gia đình...

Tiếc thương người nhạc sĩ có lối sống giản dị

Nằm nghe đi nghe lại những tình khúc của ông, như một cách để gặp lại ông thêm lần nữa, tôi hiểu rằng vì sao người nhạc sĩ tài hoa ấy, khi ra đi, đã để lại trên nấm mộ đời mình những đóa hoa ngát hương. Bởi ông đã sống một cách khác: vị tha, chân tình và gần gũi với tất cả, dẫu rằng nhiều khi gai có cào bàn tay rớm máu, thì bàn tay ấy vẫn nâng niu cả buồn lẫn vui. Đó chính là ân phúc ông để lại cho đời. Nguyễn Ánh 9 từng có những lần đội mưa đi diễn, ông đi dép, xắn quần, bỏ áo vest vào túi và đi xe ôm tới buổi diễn, sau đó lại đi xe ôm về.

Ông không thích lối sống kiểu cách, sang trọng, mà luôn hóm hỉnh, vui tính với đồng nghiệp, sẵn lòng đàn cho các ca sĩ trẻ hát, sẵn lòng mời họ ở lại nhà dùng cơm cùng ông. Và cũng có lúc ông thẳng thắn nhận xét về họ, rồi nhận lại những phản hồi gay gắt từ phía họ, ông từ tốn xin lỗi, không trách cứ bất kì ai... Những điều ấy khiến các ca sĩ trẻ và công chúng càng kính trọng ông. Khi ông nằm xuống, nhớ lại, Quang Hà như không tin bố 9 đã mất, với anh ông vẫn còn sống, ra đi chỉ là một lời tạm biệt. Hay với Đàm Vĩnh Hưng, anh đã đứng trước ông và khóc: Chú đừng giận con nữa nha...

Sống hết lòng với gia đình

Với đồng nghiệp là thế đấy, còn với gia đình và vợ con, ông luôn trân trọng. Bà Ngọc Hân - người phụ nữ vị tha nhất, sâu sắc nhất trong suốt đời ông. Kể từ lúc kết hôn với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, bà từ bỏ công việc của một vũ công để chuyên tâm cho vai trò người vợ, người mẹ. Hai vợ chồng đã gắn bó với nhau ngót nửa thế kỷ. Cảm động trước sự hy sinh của vợ, nhạc sĩ đã viết tặng bà ca khúc Màu tím tình yêu. Với nhiều người, ông có thể là một nghệ sĩ, một người đàn ông đau khổ vì yêu trên sân khấu hay trong chính những sáng tác của ông, như trong bài Không hay Buồn ơi, chào mi... khiến họ lầm tưởng trong đời thường ông cũng như vậy.

Nhưng không, Nguyễn Ánh 9 rất rõ ràng giữa đời và nhạc. Sống bình thường và viết không bình thường. Tôi nghĩ thế. Khi ra đi, Nguyễn Ánh 9 không để lại cho vợ con tiền bạc hay sự giàu sang, ông chỉ để lại kiến thức và những gì ông đã dạy cho con ông. Nhạc sĩ Nguyễn Quang và Quang Anh đã học và lĩnh hội từ người cha của mình tình yêu cũng như những kiến thức về âm nhạc. Nhưng với ông, như vậy vẫn chưa đủ bởi ông luôn quan niệm rằng, âm nhạc thì mênh mông, mà đời người thì giới hạn, mình phải luôn học như một cách để tự hoàn thiện mình. Ông sẵn lòng dạy không công cho những ai đam mê và yêu âm nhạc. Ông không chỉ là một người biết trân quý và giữ gìn kỷ niệm, mà còn là người đàn ông mẫu mực với gia đình. Hơn nữa, ở Nguyễn Ánh 9, chúng ta còn thấy đó là một người hết lòng với nghề, với đồng nghiệp. Gần 80 tuổi, ông vẫn đàn và vẫn miệt mài nghiên cứu cũng như sáng tác nhạc, và trải qua mấy chục năm, những ca khúc của ông, đi qua thăng trầm thời gian vẫn có sức ám ảnh riêng và làm say đắm lòng người như Cô đơn, Cho người tình xa, Ai đưa em về...

Đó là hạt giống tốt, ông đã gieo trên mảnh vườn âm nhạc và nó không ngừng trổ lên những cái cây mạnh mẽ, tươi xanh. Đời người vốn buồn nhiều hơn vui. Người ta loay hoay đi tìm cái vui, đôi khi vui chẳng thấy đâu mà chỉ nhận lại buồn. Ai đã từng nghe Buồn ơi, chào mi của người nhạc sĩ tài hoa hẳn có lúc cất lên: Nếu trên đường tình ta lẻ loi một mình, thì trên đường đời ta có mi buồn ơi... Khi viết ca khúc này, trong ông có sự liên tưởng tới một cuốn tiểu thuyết của nữ nhà văn Pháp Francoise Sagan Buồn ơi chào nhé. “Tôi vẫn tự nhủ mình và nói với các con rằng, khi ta buồn, ta hãy tìm cái vui trong cái buồn. Cuộc đời vốn vô thường nên ta phải biết tìm niềm vui trong nỗi buồn, tìm bình yên trong bão tố” - ông nói. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã ra đi. Nhưng đời vốn là cõi tạm. Đi là một cách để trở về rộng lớn hơn, trong âm nhạc, trong hành trình cõi người, ông vẫn cứ còn mãi và sáng mãi...

Thoại Lê / Duyên dáng Việt Nam
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xa vắng tiếng dương cầm