Tại sao hãng phim truyện VN sở hữu khối tài sản đồ sộ trị giá nghìn tỷ đồng lại chỉ được định giá hơn 50 tỷ? Tại sao “ông chủ mới” của 1 hãng phim lại là một công ty vận tải đường thủy?

Có gì 'khuất tất' trong việc mua bán hãng phim truyện VN trị giá nghìn tỷ?

Soha/ tri thuc tre | 04/05/2016, 14:10

Tại sao hãng phim truyện VN sở hữu khối tài sản đồ sộ trị giá nghìn tỷ đồng lại chỉ được định giá hơn 50 tỷ? Tại sao “ông chủ mới” của 1 hãng phim lại là một công ty vận tải đường thủy?

Thương vụ mua bán hãng phim VFS gần đây đã làm dư luận đặc biệt quan tâm. Không ít người tỏ ra nghi ngờ về chuyện hãng phim được bán với giá quá rẻ.

Trong khi đó, giới nghệ sĩ bức xúc và thẳng thắn đặt nghi vấn: "Có gì đó khuất tất" trong thương vụ này.

Quá trình mua bán "bất thường" hãng phim truyện VFS

Báo Tuổi Trẻ thông tin về sự việc này như sau: Việc cổ phần hóa hãng phim truyện VFS đã được đăng tải ba số liên tiếp trên báo Kinh tế và Đô thị từ ngày 16 đến 19.1.2016, cũng như trên bản tin của công ty TNHH Một thành viên Phim truyện Việt Nam.

Đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ, tức 15h ngày 26.1.2016, nghĩa là sau 11 ngày kể từ ngày bắt đầu đăng báo, chỉ có duy nhất Tổng công ty vận tải thủy Vivaso nộp hồ sơ đáp ứng đủ tiêu chí và cam kết nên được Bộ VH-TT&DL phê duyệt.

VFS bán ra 3,25 triệu cổ phần (tương đương 65% vốn điều lệ) cho nhà đầu tư chiến lược được chọn là Tổng công ty vận tải thủy với giá 32.5 tỷ đồng.

Số cổ phần bán đấu giá ra công chúng là 525.000 cổ phần tương đương 10,5%, tối thiểu thu về 5.25 tỷ đồng. Nhà nước nắm giữ 20%. Số còn lại bán cho cán bộ, công nhân viên của hãng. Như vậy hãng phim truyện VFS được định giá trên 50 tỷ đồng.

Trả lời trên Zing, đạo diễn, nghệ sĩ ưu tú Vương Đức - Giám đốc thứ 12 và cũng là giám đốc cuối cùng của hãng phim truyện VFS cho biết, thực chất quá trình cổ phần hóa hãng phim truyện VFS đã diễn ra 7,8 năm trước.

Theo ông Vương Đức, hãng phim VFS "thua lỗ triền miên" suốt nhiều năm qua, từ trước khi ông về nhận chức giám đốc năm 2009.

Đó cũng chính là lý do buộc hãng phim VFS phải bán một lượng lớn cổ phần ra ngoài để lấy tiền trang trải cho những chi phí còn tồn đọng lâu nay mà hãng không thể giải quyết.

Số tiền thu được từ việc phát hành thêm cổ phần được dùng vào việc trả nợ tiền thuê đất, các khoản nợ khác, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ việc sản xuất và phát hành phim. Khoảng 10 tỷ đồng sẽ được dùng để đầu tư cho việc sản xuất phim.

Đạo diễn Vương Đức, Giám đốc cuối cùng của hãng phim truyện VFS - nguồn ảnh: Zing.vn

Việc cổ phần hóa VFS cũng có nghĩa là, kể từ nay Công ty TNHH một thành viên Phim truyện Việt Nam sẽ được chuyển giao sở hữu cho Tổng công ty vận tải thủy. Đơn vị này có vốn điều lệ là 320 tỷ đồng.

Trong phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt, phía Tổng công ty vận tải thủy cam kết tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phim ít nhất trong 5 năm dưới sự giám sát của Bộ VH-TT&DL.

Bên cạnh đó, "ông chủ mới" của VFS sẽ mở rộng lĩnh vực kinh doanh khác như nhà hàng, quán ăn, xuất khẩu các mặt hàng kinh doanh của nhà đầu tư.

Thương vụ mua - bán hãng phim VFS được dư luận đặc biệt quan tâm. Nhiều người tỏ ra nghi ngờ với kết quả cổ phần hóa, không chỉ vì thời gian mua bán diễn ra quá nhanh, mà còn bởi nhà đầu tư là một công ty chuyên vận tải đường thủy, chưa từng có hoạt động gì liên quan tới nghệ thuật.

Hơn nữa, kết quả kinh doanh của đơn vị này cũng không mấy khả quan khi lỗ 8 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm 2015.

Tại sao VFS lại chỉ được định giá có trên 50 tỷ đồng? Tại sao lại bán một hãng phim truyện có lịch sử gần 60 năm cho một công ty chuyên vận tải đường thủy? Tại sao một thương hiệu có tầm ảnh hưởng tới cả nền điện ảnh nước nhà lại được định giá bằng 0?

Đã có rất nhiều câu hỏi đặt ra như vậy.

Giá trị thực sự của VFS nằm ở đâu?

Giá trị thực sự của hãng phim truyện Việt Nam nằm ở cả chục nghìn mét vuông đất ở những vị trí vàng của Hà Nội, TPHCM mà đơn vị này đang sở hữu dưới hình thức thuê dài hạn của nhà nước và được giao đất nhưng lại không được định giá khi bán cho Tổng công ty vận tải thủy.

Theo bản công bố thông tin bán đấu giá cổ phần, chỉ tính riêng tài sản đất mà VFS đang sở hữu đã là một cơ ngơi đồ sộ trị giá cả nghìn tỷ, bao gồm: 5.443,5m2 đất tại số 4 Thụy Khuê, khu đất được giới bất động sản đánh giá là khu đất vàng của Hà Nội.

Khu đất này hãng VFS được sở hữu dưới hình thức thuê đất của nhà nước đã hơn 50 năm qua. Chưa kể 904,9m2 đất ở ngõ 151 Hoàng Hoa Thám mà hình thức sở hữu là giao đất; 6.382,8m2 đất ở Đông Anh trường quay Cổ Loa, hình thức sở hữu cũng là giao đất.

Ngoài ra, VFS còn đang sở hữu 1.208,72m2 đất ở số 6 Thái Văn Lung, quận 1, TP.HCM dưới hình thức sở hữu là thuê đất của nhà nước. Đây cũng là một trong những vị trí đắc địa của TP.HCM.

Được biết, VFS đang làm thủ tục để được tiếp tục sử dụng các khu đất này sau khi hết hạn thuê.

Một góc khuôn viên Hãng phim truyện Việt Nam tại số 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ (ảnh: vietnamnet).

Điều đó có nghĩa rằng, nếu cổ phần hóa mà không định giá đất hoặc lợi thế từ đất đang sử dụng và ưu tiên sử dụng chắc chắn sẽ không khách quan. Do đó VFS sẽ thất thoát tài sản, đó là chưa kể đến sự chênh lệch giá trị khi khối tài sản được sửa đổi, dôi ra.

Không những thế, VFS hiện đang có hợp đồng dài hạn làm phim với 13 đơn vị truyền hình và các công ty truyền thông uy tín. Trong đó phải kể đến Đài truyền hình Việt Nam, Đài truyền hình Quân đội, Công an nhân dân…

Chưa kể, VFS còn có nhiều máy móc thiết bị, nhà cửa kiến trúc và gần 100 con người là cán bộ công nhân viên đang làm việc tại đây.

Chỉ tính riêng kho phim của VFS hiện có hơn 600 phim là những tác phẩm vang bóng một thời. Cái tên VFS lại là một thương hiệu “đáng đồng tiền bát gạo” dù 20 năm qua hãng liên tục hoạt động thua lỗ!

Nhiều nghệ sĩ bức xúc: "có gì khuất tất"

Xung quanh câu chuyện mua bán VFS đang nổi lên rất nhiều nghi vấn. Nhiều nghệ sĩ tỏ ra bức xúc và nghi ngờ "có gì khuất tất".

NSND Minh Châu cho biết không chỉ bà mà rất nhiều nghệ sĩ khác đều cảm thấy buồn, thậm chí bức xúc khi VFS được bán lại cho một đơn vị không biết tí gì về nghệ thuật.

NSND Phạm Nhuệ Giang, đạo diễn Đức Việt đều tỏ ra lo ngại cho tương lai của VFS – ngôi nhà chung của rất nhiều nghệ sĩ gạo cội trong làng điện ảnh Việt.

Rất nhiều nghệ sĩ bức xúc về việc hãng phim truyện Việt Nam được bán cho một đơn vị không biết gì về nghệ thuật.

Chia sẻ trên Zing, NSND Phạm Nhuệ Giang nói: "Cổ phần hóa thì không ai phản đối nhưng phải cổ phần hóa để phát triển chứ không phải cổ phần hóa để chết đi.

Hãng phim đã có lịch sử tới 60 năm, làm nhiều bộ phim kinh điển, từng có địa vị lớn trong đời sống nghệ thuật sao có thể giao cho một đơn vị như vậy...

Tôi sợ đây là một ông chủ không thuận và sẽ không phát triển được hãng, nói chung là tất cả nghệ sĩ, những người đã cống hiến cho hãng phim đều cảm thấy rất lo lắng".

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, Phó Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam cho rằng, chính ông cũng không hiểu vì sao VFS lại được bán cho một công ty vận tải đường thủy, một đơn vị trước giờ chưa từng có hoạt động liên quan gì tới điện ảnh.

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân chia sẻ, việc nhà đầu tư có tiền không có nghĩa là họ có thể nhảy xổ vào ngành nghề có tính đặc thù như điện ảnh. Và ông cũng mong rằng, các nhà quản lý sẽ suy nghĩ lại về việc lựa chọn nhà đầu tư khi cổ phần hóa hãng VFS.

Họa sĩ Vũ Huy thì thẳng thắn: Trong vụ mua bán này chắc chắn có điều gì đó khuất tất.

Họa sĩ Vũ Huy nói: "Hơn nữa lại bán với cái giá rất rẻ, do vậy chắc chắn có sự khuất tất ở trong này. Đất đai, thương hiệu của hãng phim danh tiếng không thể chỉ có 19,5 tỷ đồng được.

Nhà nước không được lợi gì từ phi vụ mua bán này, tiền sẽ được làm giàu cho tư nhân.

Tài sản của Hãng phim truyện Việt Nam lên đến hàng nghìn tỷ đồng, với diện tích đất vàng ở Hà Nội, đó là còn chưa kể đến thương hiệu của hãng phim. Số tiền khổng lồ như vậy mà được bán với số tiền chưa đến 20 tỷ đồng thì thật khó hiểu".

Nghệ sĩ Hồng Ánh trả lời trên Tuổi Trẻ mới đây cũng cho rằng: “Cổ phần hóa để thay đổi cơ cấu tốt hơn thì mừng nhưng chắc không? Tài sản nhà nước thì bán rẻ mạt như cho không, không thông tin rộng rãi.

Cổ đông chỉ việc cho thuê lại khu đất vàng ấy xây cao ốc cho thuê, không làm gì cũng đủ sướng.

Rồi sở hữu kho phim đồ sộ gồm hơn 600 tác phẩm phim vang bóng một thời, bán nội dung khai thác thôi là có khi đã đủ số tiền mua VFS rồi. Tồn tại như cũ cũng chết nhưng như thế này... gọi là chấn hưng điện ảnh ư?

Đăng thông tin đấu thầu một hãng phim to như vậy giá bèo như vậy trên đất vàng như vậy mà gần như có ai biết đâu, các đại gia điện ảnh còn không biết nữa là, khi biết là đã xong việc mua bán rồi”.

Theo Soha/ Trithuctre
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Có gì 'khuất tất' trong việc mua bán hãng phim truyện VN trị giá nghìn tỷ?