Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay sẽ đạt khoảng 6,8%, cao hơn mức dự báo 6,5% hồi tháng 4 vừa qua.

World Bank dự báo GDP Việt Nam năm nay tăng 6,8%

tuyetnhung | 04/10/2018, 14:26

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay sẽ đạt khoảng 6,8%, cao hơn mức dự báo 6,5% hồi tháng 4 vừa qua.

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố Báo cáo cập nhật kinh tế khu vực Đông Á-Thái Bình Dương. Trong đó, WB đánh giá triển vọng trong trung hạn của Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Tăng trưởng GDP dự báo sẽ đạt khoảng 6,8% trong năm 2018 (so với 6,5% trong dự báo hồi tháng 4.2018), trước khi chững lại ở mức 6,6% năm 2019 và 6,5% năm 2020 do sức cầu trên toàn cầu dự kiến chững lại theo chu kỳ.

"Mặc dù nền kinh tế có khởi sắc hơn, nhưng dự kiến lạm phát vẫn xoay quanh chỉ tiêu 4% của chính phủ, với điều kiện chính sách tiền tệ được thắt chặt phần nào nhằm đối phó với áp lực giá phát sinh do áp lực về giá đầu vào trong nước và tăng giá thương phẩm trên toàn cầu", WB cho hay.

Về kinh tế đối ngoại, theo WB, cân đối tài khoản vãng lai ước tính sẽ tiếp tục thặng dư trong ngắn hạn, nhưng mức độ thặng dự sẽ giảm dần từ năm 2019 do thâm hụt tăng lên ở tài khoản thu nhập và dịch vụ. Tình hình ngân sách được củng cố dự kiến sẽ kiềm chế được nợ công trong kỳ dự báo. Cụ thể, trong nửa đầu năm 2018, GDP của Việt Nam ước tính tăng 7,1% (so cùng kỳ năm trước), tăng trưởng GDP diễn ra đồng loạt ở cả ngành chế tạo chế biến, nông nghiệp, dịch vụ...

Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục đạt kết quả ấn tượng nhờ nhu cầu bên ngoài mạnh hơn và năng lực sản xuất được mở rộng, chủ yếu do đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong các lĩnh vực chế tạo, chế biến định hướng xuất khẩu. Nhờ cán cân thanh toán thuận lợi, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tăng dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục – ước khoảng 64 tỉ USD vào đầu tháng 6 vừa qua. Trong điều kiện áp lực lạm phát vừa phải, chính sách tiền tệ và tín dụng tiếp tục được cân đối giữa mục tiêu tăng trưởng và ổn định vĩ mô...

Tuy nhiên, WB cũng chỉ ra những thách thức của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Cụ thể, dù triển vọng trước mắt được cải thiện, nhưng rủi ro vẫn ở mức cao. Tiến trình tái cơ cấu khu vực ngân hàng và DNNN chậm lại có thể tác động bất lợi đến tình hình tài chính vĩ mô, làm suy giảm triển vọng tăng trưởng và tạo ra nghĩa vụ lớn cho khu vực nhà nước. Trong khi đó, rủi ro bên ngoài bao gồm: chủ nghĩa bảo hộ leo thang, bất định địa chính trị trong khu vực và trên toàn cầu tăng lên, các điều kiện huy động vốn trên toàn cầu tiếp tục được thắt chặt có thể dẫn đến những biến động gây xáo trộn trên thị trường tài chính.

Trước tình hình trên, WB khuyến cáo các nhà hoạch định chính sách cần tận dụng môi trường kinh tế thuận lợi để đẩy mạnh những chính sách làm tăng khả năng chống chịu về kinh tế vĩ mô và tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững trong tương lai.

Chính sách tiền tệ cần điều chỉnh lượng thanh khoản trong khu vực ngân hàng sao cho lãi suất liên ngân hàng gắn với lãi suất chính sách và đưa tăng trưởng tín dụng về mức phù hợp với các yếu tố căn bản. Nỗ lực trên có thể được bổ trợ bằng các biện pháp cẩn trọng nhằm ngăn ngừa tình trạng dành tín dụng quá mức cho các lĩnh vựcrủi ro cao như bất động sản hoặc tiêu dùng cá nhân. Bên cạnh đó là tăng cường giám sát khu vực ngân hàng, xử lý nợ xấu, củng cố tỷ lệ an toàn vốn.

Về chính sách tài khóa, cầngiảm bội chi, tiếp tục chú trọng cải cách cơ cấu sâu rộng, bao gồm cả những cải cách pháp quy nhằm xóa bỏ rào cản và giảm chi phí hoạt động của khu vực tư nhân, đầu tư cho nguồn nhân lực và hạ tầng chất lượng cao, tiếp tục cải cách nhằm nâng cao năng suất trong khu vực DNNN.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
16 phút trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
World Bank dự báo GDP Việt Nam năm nay tăng 6,8%