WHO cho biết hôm 29.5 rằng đậu mùa khỉ tạo thành "nguy cơ trung bình" với sức khỏe cộng đồng nói chung ở cấp độ toàn cầu sau khi các ca bệnh được báo cáo ở các quốc gia không thường lưu hành vi rút này.

WHO: Bệnh đậu mùa khỉ có thể chuyển từ nguy cơ trung bình sang cao với sức khỏe cộng đồng

Sơn Vân | 30/05/2022, 08:40

WHO cho biết hôm 29.5 rằng đậu mùa khỉ tạo thành "nguy cơ trung bình" với sức khỏe cộng đồng nói chung ở cấp độ toàn cầu sau khi các ca bệnh được báo cáo ở các quốc gia không thường lưu hành vi rút này.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết: “Rủi ro về sức khỏe cộng đồng có thể trở nên cao nếu loại vi rút này lợi dụng cơ hội để tự thiết lập là mầm bệnh cho người và lây lan sang các nhóm có nguy cơ mắc bệnh nặng cao hơn như trẻ nhỏ và những người bị ức chế miễn dịch”.

Tính đến ngày 26.5, tổng cộng 257 ca mắc bệnh đậu khỉ được xác nhận và 120 trường hợp nghi ngờ đã được báo cáo từ 23 quốc gia thành viên không phải là nơi lưu hành của vi rút, WHO cho biết trong một tuyên bố.

Chưa có trường hợp tử vong nào do bệnh đậu mùa khỉ được báo cáo trong đợt bùng phát gần đây.

WHO cũng nói rằng sự xuất hiện đột ngột của bệnh đậu mùa khỉ cùng lúc ở một số quốc gia không lưu hành vi rút cho thấy sự lây truyền không bị phát hiện trong một thời gian.

Cơ quan y tế Liên Hiệp Quốc cho rằng sẽ có nhiều ca mắc bệnh đậu mùa khỉ được báo cáo hơn khi việc giám sát ở các nước lưu hành và không lưu hành vi rút được mở rộng.

Đậu mùa khỉ là một bệnh truyền nhiễm thường nhẹ, lưu hành ở các vùng phía tây và trung Phi. Nó lây lan khi tiếp xúc gần, vì vậy có thể được ngăn chặn tương đối dễ dàng thông qua các biện pháp như tự cách ly và vệ sinh.

Đa số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận đến nay ở Anh, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

WHO thông báo: “Phần lớn các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ được báo cáo cho đến nay không có liên kết du lịch đến khu vực lưu hành dịch bệnh và đã được phát hiện thông qua các dịch vụ chăm sóc ban đầu hoặc sức khỏe tình dục”.

who-benh-dau-mua-khi-co-the-chuyen-tu-nguy-co-trung-binh-sang-cao-voi-suc-khoe-cong-dong.jpg
Đã có hơn 377 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ và nghi ngờ được báo cáo từ 23 quốc gia không phải là nơi lưu hành vi rút - Ảnh: Internet

Hôm 27.5, một quan chức cấp cao của WHO cho biết rằng cần ưu tiên ngăn chặn đậu mùa ở khỉ ở các nước không có dịch bệnh lưu hành, nói rằng điều này có thể đạt được thông qua hành động nhanh chóng.

Bệnh đậu mùa khỉ phổ biến ở các nước châu Phi nhưng sự lây lan sang các nước không có dịch bệnh như ở châu Âu và Mỹ đã làm dấy lên lo ngại.

Sylvie Briand, Giám đốc Quản lý Nguy cơ lây nhiễm của WHO, cho biết: "Nếu áp dụng các biện pháp phù hợp, chúng ta có thể ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ một cách dễ dàng".

Bà nhấn mạnh rằng có cơ hội để ngăn chặn sự lây lan bệnh đậu mùa khỉ thêm, kêu gọi công chúng không nên lo lắng vì tốc độ lây truyền chậm hơn nhiều so với các loại vi rút khác như SARS-CoV-2.

Các quan chức của WHO nói hiện tại không cần phải tiêm vắc xin đại trà mà nên tiêm chủng có mục tiêu cho những người tiếp xúc gần với bệnh nhân đậu mùa khỉ.

Rosamund Lewis, trưởng ban thư ký bệnh đậu mùa thuộc Chương trình Khẩn cấp của WHO, nói: “Điều tra ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, truy vết liên lạc, cách ly tại nhà sẽ là những lựa chọn tốt nhất cho bạn”.

Các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ thường bắt đầu với sự kết hợp của sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, ớn lạnh, kiệt sức và sưng hạch bạch huyết, có thể kéo dài từ 2 đến 4 tuần và thường tự khỏi.

Theo WHO, đậu mùa khỉ có thời gian ủ bệnh từ 5 đến 21 ngày.

Hầu hết quốc gia đều cho biết những người mắc bệnh đậu mùa khỉ nên cách ly trong 21 ngày để ngăn chặn vi rút lây truyền. Bỉ là nước đầu tiên bắt buộc bệnh nhân đậu mùa khỉ phải cách ly trong 21 ngày.

Giáo sư Moritz Kraemer của Đại học Oxford đã nói rằng rất khó dự đoán quỹ đạo các ca bệnh đậu mùa khỉ. "Còn quá sớm để làm bất kỳ mô hình nào", ông nói.

Theo Moritz Kraemer, các câu hỏi chính vẫn cần được trả lời bao gồm: Khi người khác truyền bệnh đậu mùa khỉ, liệu nó có lây truyền trước khi có các triệu chứng rõ ràng không? Có bao nhiêu người tiếp xúc gần sau đó mắc bệnh đậu mùa khỉ và họ có kết quả dương tính nhanh như thế nào?

Các nước tích trữ và đặt mua vắc xin phòng bệnh đậu mùa khỉ

WHO xếp bệnh đậu mùa là một bệnh đã được loại trừ vào năm 1980, nhưng từ lâu có những lo ngại rằng vi rút này có thể được sử dụng như vũ khí sinh học, khiến các quốc gia phải tích trữ vắc xin.

WHO tích giữ 2,4 triệu liều vắc xin tại trụ sở chính ở thành phố Geneve (Thụy Sĩ) từ những năm cuối cùng của chương trình xóa sổ bệnh này. Các nước đã cam kết tài trợ cho cơ quan y tế Liên Hiệp Quốc hơn 31 triệu liều vắc xin bổ sung.

Các quan chức Mỹ cho biết có hơn 1.000 liều vắc xin Jynneos trong kho dự trữ quốc gia và dự kiến ​​mức đó sẽ tăng lên rất nhanh trong những tuần tới. Nước này cũng tích trữ 100 triệu liều ACAM2000.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) thông báo: “Chúng tôi đang hy vọng tối đa hóa việc phân phối vắc xin cho những người mà chúng tôi biết sẽ được hưởng lợi từ nó. Đó là những người đã tiếp xúc với bệnh nhân đậu mùa khỉ, nhân viên chăm sóc sức khỏe, những người tiếp xúc cá nhân rất gần và đặc biệt là những người có thể có nguy cơ cao mắc bệnh nặng".

Sau khi phát hiện một người mắc bệnh đậu mùa khỉ khoảng 2 tuần trước, Mỹ đã đặt mua Jynneos từ Bavarian Nordic.

Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Y sinh (BARDA) –  cơ quan chính phủ phụ trách đối phó với đại dịch và khủng hoảng sinh học của Mỹ, ký hợp đồng với Bavarian Nordic để mua Jynneos đông khô.

Hợp đồng có giá trị ban đầu 119 triệu USD, nhưng tổng giá trị có thể tăng thêm 180 triệu USD (lên tới 299 triệu USD) nếu Mỹ muốn mua thêm. Khi đó, số vắc xin mà Mỹ nhận được sẽ là khoảng 13 triệu liều.

Việc chuyển Jynneos sang dạng đông khô sẽ giúp kéo dài hạn sử dụng.

Bavarian Nordic đã làm việc với Mỹ kể từ đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên vào năm 2003.

Đức đã đặt mua 40.000 liều vắc xin của Bavarian Nordic, để sẵn sàng tiêm vắc xin cho những trường hợp cần thiết.

Phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 24.5, Bộ trưởng Y tế Đức - Karl Lauterbach nói rằng các biện pháp như cách ly ít nhất 21 ngày được khuyến nghị cho những người mắc bệnh đậu mùa khỉ là đủ để ngăn chặn dịch bùng phát.

Ông Karl Lauterbach cho biết: “Nếu tình trạng lây nhiễm lan rộng hơn nữa, chúng tôi muốn chuẩn bị sẵn sàng cho việc tiêm vắc xin. Điều đó chưa được khuyến cáo vào thời điểm này nhưng có thể trở nên cần thiết”, đề cập đến chiến lược tiêm vắc xin cho người tiếp xúc với bệnh nhân đậu mùa khỉ.

Karl Lauterbach cho rằng việc bùng phát bệnh đậu mùa khỉ có thể kiềm chế được và không báo hiệu sự bắt đầu của một đại dịch mới, đồng thời nói can thiệp sớm có thể ngăn chặn mầm bệnh trong cộng đồng.

Các quốc gia khác, bao gồm cả Anh và Pháp, cũng đang cung cấp hoặc khuyến nghị tiêm vắc xin cho những ai tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ và nhân viên y tế.

Ngày 26.5, Anh cho biết đã mua hơn 20.000 liều vắc xin do Bavarian Nordic sản xuất. 

Tây Ban Nha hôm 25.5 cũng thông báo sẽ mua vắc xin này nhưng không nói rõ số liều. 

Canada đã bắt đầu định vị trước Jynneos từ kho dự trữ khẩn cấp quốc gia trên toàn quốc, với một lô hàng nhỏ vắc xin được gửi đến thành phố Quebec vào ngày 23.5.

Bài liên quan
Những loại vắc xin và thuốc điều trị bệnh đậu mùa khỉ
Với các ca bệnh đậu mùa khỉ đang gia tăng một cách khó hiểu bên ngoài châu Phi, nơi vi rút lưu hành, các quan chức y tế công cộng đang dùng phương pháp truy vết tiếp xúc, cách ly và tiêm vắc xin để hạn chế sự lây lan của nó.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
WHO: Bệnh đậu mùa khỉ có thể chuyển từ nguy cơ trung bình sang cao với sức khỏe cộng đồng