Liên minh châu Âu đã quyết định mua chung một loại vắc xin và thuốc kháng vi rút để chống lại sự bùng phát bệnh đậu mùa khỉ, một loại vi rút đặc hữu ở châu Phi và thường hiếm gặp ở những nơi khác.

EU mua chung vắc xin và thuốc chống bệnh đậu mùa khỉ, WHO nói 'có thể ngăn chặn dễ dàng'

Sơn Vân | 27/05/2022, 19:12

Liên minh châu Âu đã quyết định mua chung một loại vắc xin và thuốc kháng vi rút để chống lại sự bùng phát bệnh đậu mùa khỉ, một loại vi rút đặc hữu ở châu Phi và thường hiếm gặp ở những nơi khác.

Điều phối viên vắc xin của Thụy Điển vừa cho biết thông tin này.

Sau một số cuộc họp, chúng tôi đã quyết định mua cả vắc xin và thuốc điều trị kháng vi rút”, tờ báo Dagens Nyheter (Thụy Điển) dẫn lời điều phối viên Richard Bergstrom.

Tờ Dagens Nyheter cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ mua vắc xin Imvanex của Bavarian Nordic (hãng dược phẩm Đan Mạch) và thuốc kháng vi rút Tecovirimat từ Siga Technologies (hãng dược phẩm Mỹ).

Dù vậy, ông Richard Bergstrom nói rằng EU vẫn chưa ký hợp đồng với một trong hai công ty này.

"Thế nhưng việc này sẽ diễn ra nhanh chóng. Chúng tôi nên có một hợp đồng sẵn sàng trong một tuần hoặc lâu hơn và có thể một số lượng thuốc hạn chế được giao vào tháng 6", tờ Dagens Nyheter dẫn lời ông.

Imvanex là loại vắc xin phòng bệnh đậu mùa nhưng được Mỹ sử dụng cho cả bệnh đậu khỉ.

Imvanex còn có tên khác là Jynneos hoặc Imvamune tùy khu vực địa lý.

EU phê duyệt sử dụng Imvanex dành cho bệnh đậu mùa, nhưng các bác sĩ có thể kê đơn không theo hướng dẫn trên nhãn cho bệnh đậu mùa khỉ.

Bavarian Nordic cho biết có thể sẽ nộp đơn xin đăng ký mở rộng nhãn với Cục quản lý dược phẩm châu Âu để bao gồm cả bệnh đậu mùa khỉ.

Imvanex chứa một dạng suy yếu của vi rút vaccinia có liên quan chặt chẽ nhưng ít gây hại hơn so với vi rút gây bệnh đậu mùa và đậu mùa khỉ. Phiên bản sửa đổi của vi rút vaccinia không gây bệnh cho người và không thể sinh sản trong tế bào người.

Vi rút vaccinia là một loại vi rút lớn, phức tạp, có vỏ bọc thuộc họ poxvirus.

Các tác dụng phụ được báo cáo sau khi tiêm Imvanex gồm đau và sưng tại chỗ tiêm, nhức đầu, mệt mỏi.

Có công suất sản xuất hàng năm là 30 triệu liều vắc xin, Bavarian Nordic nói với Reuters rằng nhiều quốc gia đã tiếp cận họ và muốn mua vắc xin mà không cung cấp thông tin chi tiết. Người phát ngôn Bavarian Nordic cho biết họ không cần mở rộng sản xuất vắc xin.

Thuốc kháng vi rút Tecovirimat - có nhãn hiệu là TPOXX - được Mỹ và EU phê duyệt cho bệnh đậu mùa. Trong khi sự cấp phép Tecovirimat của EU cũng bao gồm cả bệnh đậu mùa khỉ và bệnh đậu bò.

eu-dong-y-mua-chung-vac-xin-va-thuoc-khang-vi-rut-chong-benh-dau-mua-khi.jpg
Nhiều nước đã và đang đặt mua vắc xin của Bavarian Nordic để phòng bệnh đậu mùa khỉ

Hôm 26.5, Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết có khoảng 200 ca bệnh đậu mùa khỉ và hơn 100 trường hợp nghi ngờ được phát hiện bên ngoài châu Phi.

Bà Maria Van Kerkhove cũng nói thêm rằng đậu mùa khỉ đã được phát hiện ở hơn 20 quốc gia thường không có dịch bệnh lưu hành và dự kiến con số sẽ tăng lên.

Nhiễm biến thể bệnh đậu mùa khỉ liên quan đến đợt bùng phát hiện tại (chủng Tây Phi) có tỷ lệ tử vong khoảng 1%, song chưa có ca chết nào được báo cáo cho đến nay.

Các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ thường bắt đầu với sự kết hợp của sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, ớn lạnh, kiệt sức và sưng hạch bạch huyết, có thể kéo dài từ 2 đến 4 tuần và thường tự khỏi.

Theo WHO, đậu mùa khỉ có thời gian ủ bệnh từ 5 đến 21 ngày.

WHO: ‘Có thể kiểm soát được bệnh đậu mùa khỉ nếu hành động ngay bây giờ’

Hôm 27.5, một quan chức cấp cao của WHO cho biết rằng cần ưu tiên ngăn chặn đậu mùa ở khỉ ở các nước không có dịch bệnh lưu hành, nói rằng điều này có thể đạt được thông qua hành động nhanh chóng.

Bệnh đậu mùa khỉ phổ biến ở các nước châu Phi nhưng sự lây lan sang các nước không có dịch bệnh như ở châu Âu và Mỹ đã làm dấy lên lo ngại.

Sylvie Briand, Giám đốc Quản lý Nguy cơ lây nhiễm của WHO, cho biết: "Nếu áp dụng các biện pháp phù hợp, chúng ta có thể ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ một cách dễ dàng".

Bà nhấn mạnh rằng có cơ hội để ngăn chặn sự lây lan bệnh đậu mùa khỉ thêm, kêu gọi công chúng không nên lo lắng vì tốc độ lây truyền chậm hơn nhiều so với các loại vi rút khác như SARS-CoV-2.

Các quan chức của WHO nói hiện tại không cần phải tiêm vắc xin đại trà mà nên tiêm chủng có mục tiêu cho những người tiếp xúc gần với bệnh nhân đậu mùa khỉ.

Rosamund Lewis, trưởng ban thư ký bệnh đậu mùa thuộc Chương trình Khẩn cấp của WHO, nói: “Điều tra ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, truy vết liên lạc, cách ly tại nhà sẽ là những lựa chọn tốt nhất cho bạn”.

Các nước tích trữ và đặt mua vắc xin phòng bệnh đậu mùa khỉ

WHO xếp bệnh đậu mùa là một bệnh đã được loại trừ vào năm 1980, nhưng từ lâu có những lo ngại rằng vi rút này có thể được sử dụng như vũ khí sinh học, khiến các quốc gia phải tích trữ vắc xin.

WHO tích giữ 2,4 triệu liều vắc xin tại trụ sở chính ở thành phố Geneve (Thụy Sĩ) từ những năm cuối cùng của chương trình xóa sổ bệnh này. Các nước đã cam kết tài trợ cho cơ quan y tế Liên Hiệp Quốc hơn 31 triệu liều vắc xin bổ sung.

Các quan chức Mỹ cho biết có hơn 1.000 liều vắc xin Jynneos trong kho dự trữ quốc gia và dự kiến ​​mức đó sẽ tăng lên rất nhanh trong những tuần tới. Nước này cũng tích trữ 100 triệu liều ACAM2000.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) thông báo: “Chúng tôi đang hy vọng tối đa hóa việc phân phối vắc xin cho những người mà chúng tôi biết sẽ được hưởng lợi từ nó. Đó là những người đã tiếp xúc với bệnh nhân đậu mùa khỉ, nhân viên chăm sóc sức khỏe, những người tiếp xúc cá nhân rất gần và đặc biệt là những người có thể có nguy cơ cao mắc bệnh nặng".

Sau khi phát hiện một người mắc bệnh đậu mùa khỉ khoảng 2 tuần trước, Mỹ đã đặt mua Jynneos từ Bavarian Nordic.

Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Y sinh (BARDA) –  cơ quan chính phủ phụ trách đối phó với đại dịch và khủng hoảng sinh học của Mỹ, ký hợp đồng với Bavarian Nordic để mua Jynneos đông khô.

Hợp đồng có giá trị ban đầu 119 triệu USD, nhưng tổng giá trị có thể tăng thêm 180 triệu USD (lên tới 299 triệu USD) nếu Mỹ muốn mua thêm. Khi đó, số vắc xin mà Mỹ nhận được sẽ là khoảng 13 triệu liều.

Việc chuyển Jynneos sang dạng đông khô sẽ giúp kéo dài hạn sử dụng.

Bavarian Nordic đã làm việc với Mỹ kể từ đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên vào năm 2003.

Đức đã đặt mua 40.000 liều vắc xin của Bavarian Nordic, để sẵn sàng tiêm vắc xin cho những trường hợp cần thiết.

Phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 24.5, Bộ trưởng Y tế Đức - Karl Lauterbach nói rằng các biện pháp như cách ly ít nhất 21 ngày được khuyến nghị cho những người mắc bệnh đậu mùa khỉ là đủ để ngăn chặn dịch bùng phát.

Ông Karl Lauterbach cho biết: “Nếu tình trạng lây nhiễm lan rộng hơn nữa, chúng tôi muốn chuẩn bị sẵn sàng cho việc tiêm vắc xin. Điều đó chưa được khuyến cáo vào thời điểm này nhưng có thể trở nên cần thiết”, đề cập đến chiến lược tiêm vắc xin cho người tiếp xúc với bệnh nhân đậu mùa khỉ.

Karl Lauterbach cho rằng việc bùng phát bệnh đậu mùa khỉ có thể kiềm chế được và không báo hiệu sự bắt đầu của một đại dịch mới, đồng thời nói can thiệp sớm có thể ngăn chặn mầm bệnh trong cộng đồng.

Các quốc gia khác, bao gồm cả Anh và Pháp, cũng đang cung cấp hoặc khuyến nghị tiêm vắc xin cho những ai tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ và nhân viên y tế.

Ngày 26.5, Anh cho biết đã mua hơn 20.000 liều vắc xin do Bavarian Nordic sản xuất. 

Tây Ban Nha hôm 25.5 cũng thông báo sẽ mua vắc xin này nhưng không nói rõ số liều. 

Canada đã bắt đầu định vị trước Jynneos từ kho dự trữ khẩn cấp quốc gia trên toàn quốc, với một lô hàng nhỏ vắc xin được gửi đến thành phố Quebec vào ngày 23.5.

Bài liên quan
Bán nhà giá 1 euro cho người Mỹ thất vọng với kết quả bầu cử
Một ngôi làng trên đảo Sardinia của Ý đã nhìn ra cơ hội tiềm năng khi chính trị gia Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
EU mua chung vắc xin và thuốc chống bệnh đậu mùa khỉ, WHO nói 'có thể ngăn chặn dễ dàng'