Với các ca bệnh đậu mùa khỉ đang gia tăng một cách khó hiểu bên ngoài châu Phi, nơi vi rút lưu hành, các quan chức y tế công cộng đang dùng phương pháp truy vết tiếp xúc, cách ly và tiêm vắc xin để hạn chế sự lây lan của nó.
Các quan chức y tế toàn cầu đã theo dõi hơn 200 trường hợp nghi ngờ và được xác nhận nhiễm vi rút đậu mùa khỉ ở 19 quốc gia kể từ đầu tháng 5. Biến thể gây bệnh đậu mùa khỉ liên quan đến đợt bùng phát hiện tại là chủng Tây Phi, có tỷ lệ gây tử vong khoảng 1%. Chủng Congo gây bệnh nặng hơn với tỷ lệ tử vong lên đến 10%. Song chưa có ca tử vong nào do bệnh đậu mùa khỉ được báo cáo từ đầu tháng 5 đến nay.
Dưới đây là các loại vắc xin và phương pháp điều trị bệnh đậu mùa khỉ hiện có:
Vắc xin
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết vi rút đậu mùa và đậu mùa khỉ có liên quan chặt chẽ với nhau. Theo WHO, thế hệ vắc xin đậu mùa đầu tiên có hiệu quả tới 85% trong việc ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ
Hiện có hai loại vắc xin phòng bệnh đậu mùa.
1. Loại đầu tiên do hãng dược phẩm Bavarian Nordic (Đan Mạch) sản xuất có tên thương hiệu Jynneos, Imvamune hoặc Imvanex tùy khu vực địa lý.
Nó chứa một dạng suy yếu của vi rút vaccinia có liên quan chặt chẽ nhưng ít gây hại hơn so với vi rút gây bệnh đậu mùa và đậu mùa khỉ. Phiên bản sửa đổi của vi rút vaccinia không gây bệnh cho người và không thể sinh sản trong tế bào người.
Vi rút vaccinia là một loại vi rút lớn, phức tạp, có vỏ bọc thuộc họ poxvirus.
Jynneos được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt để ngăn ngừa cả bệnh đậu mùa và bệnh đậu mùa khỉ.
Liên minh châu Âu (EU) phê duyệt Jynneos phòng bệnh đậu mùa, nhưng các bác sĩ có thể kê đơn không theo hướng dẫn trên nhãn cho bệnh đậu mùa khỉ.
Bavarian Nordic cho biết có thể sẽ nộp đơn xin đăng ký mở rộng nhãn với Cục quản lý dược phẩm châu Âu để bao gồm cả bệnh đậu mùa khỉ.
Các tác dụng phụ được báo cáo sau khi tiêm Jynneos gồm đau và sưng tại chỗ tiêm, nhức đầu, mệt mỏi.
2. Loại vắc xin khác cũ hơn có tên ACAM2000, hiện được sản xuất bởi công ty dược sinh học Emergent BioSolutions (Mỹ).
ACAM2000 cũng chứa vi rút vaccinia nhưng nó có khả năng lây nhiễm và có thể nhân lên ở người. Do đó, vi rút vaccinia này có thể được truyền từ người nhận vắc xin sang những người chưa được tiêm vắc xin tiếp xúc gần ở nơi tiêm chủng.
Ngoài các tác dụng phụ liên quan đến tiêm vắc xin như đau nhức cánh tay và mệt mỏi, ACAM2000 cũng được cảnh báo có thể gây ra một loạt các biến chứng nghiêm trọng như viêm cơ tim, mù lòa, thậm chí tử vong.
ACAM2000 cũng không được thiết kế để sử dụng cho một số nhóm người nhất định, chẳng hạn những ai có hệ thống miễn dịch bị tổn hại.
FDA đã phê duyệt ACAM2000 cho những người có nguy cơ cao mắc bệnh đậu mùa, nhưng không được EU cấp phép.
Thuốc kháng vi rút
Các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ thường bắt đầu với sự kết hợp của sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, ớn lạnh, kiệt sức và sưng hạch bạch huyết, có thể kéo dài từ 2 đến 4 tuần và thường tự khỏi.
Theo WHO, đậu mùa khỉ có thời gian ủ bệnh từ 5 đến 21 ngày.
Bệnh nhân có thể được truyền thêm chất lỏng và điều trị các bệnh nhiễm trùng thứ phát. Thuốc kháng vi rút mang tên tecovirimat - có nhãn hiệu là TPOXX do hãng dược phẩm SIGA Technologies (Mỹ) sản xuất - được Mỹ và EU phê duyệt cho bệnh đậu mùa. Trong khi sự cấp phép TPOXX của EU cũng bao gồm cả bệnh đậu mùa khỉ và bệnh đậu bò.
Một loại thuốc khác có nhãn hiệu Tembexa, do công ty Chimerix (Mỹ) phát triển, đã được FDA phê duyệt để điều trị bệnh đậu mùa. Chưa rõ liệu Tembexa có thể giúp ích cho những người mắc bệnh đậu khỉ không.
Cả TPOXX và Tembexa đều được phê duyệt dựa trên các nghiên cứu trên động vật cho thấy chúng có thể hiệu quả, vì cả hai loại thuốc này được phát triển sau khi bệnh đậu mùa ở người đã bị loại bỏ thông qua tiêm vắc xin đại trà.
Vì sao WHO và các nước phải tích trữ vắc xin đậu mùa?
WHO xếp bệnh đậu mùa là một bệnh đã được loại trừ vào năm 1980, nhưng từ lâu có những lo ngại rằng vi rút này có thể được sử dụng như vũ khí sinh học, khiến các quốc gia phải tích trữ vắc xin.
WHO tích giữ 2,4 triệu liều vắc xin tại trụ sở chính ở thành phố Geneve (Thụy Sĩ) từ những năm cuối cùng của chương trình xóa sổ bệnh này. Các nước đã cam kết tài trợ cho cơ quan y tế Liên Hiệp Quốc hơn 31 triệu liều vắc xin bổ sung.
Các quan chức Mỹ cho biết có hơn 1.000 liều vắc xin Jynneos trong kho dự trữ quốc gia và dự kiến mức đó sẽ tăng lên rất nhanh trong những tuần tới. Nước này cũng tích trữ 100 triệu liều ACAM2000.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) thông báo: “Chúng tôi đang hy vọng tối đa hóa việc phân phối vắc xin cho những người mà chúng tôi biết sẽ được hưởng lợi từ nó. Đó là những người đã tiếp xúc với bệnh nhân đậu mùa khỉ, nhân viên chăm sóc sức khỏe, những người tiếp xúc cá nhân rất gần và đặc biệt là những người có thể có nguy cơ cao mắc bệnh nặng".
Sau khi phát hiện một người mắc bệnh đậu mùa khỉ khoảng 2 tuần trước, Mỹ đã đặt mua Jynneos từ Bavarian Nordic.
Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Y sinh (BARDA) – cơ quan chính phủ phụ trách đối phó với đại dịch và khủng hoảng sinh học của Mỹ, ký hợp đồng với Bavarian Nordic để mua Jynneos đông khô.
Hợp đồng có giá trị ban đầu 119 triệu USD, nhưng tổng giá trị có thể tăng thêm 180 triệu USD (lên tới 299 triệu USD) nếu Mỹ muốn mua thêm. Khi đó, số vắc xin mà Mỹ nhận được sẽ là khoảng 13 triệu liều.
Việc chuyển Jynneos sang dạng đông khô sẽ giúp kéo dài hạn sử dụng.
Bavarian Nordic đã làm việc với Mỹ kể từ đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên vào năm 2003.
Đức đã đặt mua 40.000 liều vắc xin của Bavarian Nordic, để sẵn sàng tiêm vắc xin cho những trường hợp cần thiết.
Phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 24.5, Bộ trưởng Y tế Đức - Karl Lauterbach nói rằng các biện pháp như cách ly ít nhất 21 ngày được khuyến nghị cho những người mắc bệnh đậu mùa khỉ là đủ để ngăn chặn dịch bùng phát.
Ông Karl Lauterbach cho biết: “Nếu tình trạng lây nhiễm lan rộng hơn nữa, chúng tôi muốn chuẩn bị sẵn sàng cho việc tiêm vắc xin. Điều đó chưa được khuyến cáo vào thời điểm này nhưng có thể trở nên cần thiết”, đề cập đến chiến lược tiêm vắc xin cho người tiếp xúc với bệnh nhân đậu mùa khỉ.
Karl Lauterbach cho rằng việc bùng phát bệnh đậu mùa khỉ có thể kiềm chế được và không báo hiệu sự bắt đầu của một đại dịch mới, đồng thời nói can thiệp sớm có thể ngăn chặn mầm bệnh trong cộng đồng.
Các quốc gia khác, bao gồm cả Anh và Pháp, cũng đang cung cấp hoặc khuyến nghị tiêm vắc xin cho những ai tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ và nhân viên y tế.
Có công suất sản xuất hàng năm là 30 triệu liều vắc xin, Bavarian Nordic nói với Reuters rằng nhiều quốc gia đã tiếp cận họ và muốn mua vắc xin mà không cung cấp thông tin chi tiết. Người phát ngôn Bavarian Nordic cho biết họ không cần mở rộng sản xuất vắc xin.