Doanh nghiệp logistics Việt Nam yếu kém bắt nguồn từ nhận thức về chi phí logistics còn thấp. Điều này vô hình chung đã làm tăng chi phí logistics ở Việt Nam.

Vực dậy doanh nghiệp logistics từ nhận thức về chi phí

Tuyết Nhung | 29/11/2020, 15:25

Doanh nghiệp logistics Việt Nam yếu kém bắt nguồn từ nhận thức về chi phí logistics còn thấp. Điều này vô hình chung đã làm tăng chi phí logistics ở Việt Nam.

Yếu từ nhận thức

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa phát huy được những lợi thế mà ngành logistics đem lại, thậm chí có doanh nghiệp chưa nhìn thấy hết vai trò quan trọng của logistics trong việc cắt giảm chi phí sản xuất kinh doanh.

logistics(1).jpg
Doanh nghiệp logistics Việt Nam đa phần có quy mô vừa và nhỏ - Ảnh: Internet

Trên thực tế, logistics có quan hệ chặt chẽ giữa marketing, sản xuất, tồn kho, vận tải và phân phối. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chưa biết kết hợp các phân khúc trên thành chuỗi, mà lại quản lý rời rạc và thiếu hiệu quả. Đó là trong nội tại doanh nghiệp, còn chưa kể đến mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong chuỗi phân phối cũng chưa gắn kết, dẫn đến tăng chi phí logistics.

Cụ thể, phần lớn các doanh nghiệp chưa ý thức được vai trò của mỗi loại kho hàng như sơ cấp, thứ cấp, kho trung tâm nên chỉ có thể giảm được chi phí vận tải nhưng lại làm tăng chi phí tồn kho. Các doanh nghiệp logistics cũng chưa có thói quen sử dụng các dịch vụ thuê ngoài như: đại lý khai thuế hải quan, đại lý kế toán và các dịch vụ thuê ngoài 3PL,... điều này dẫn đến thiếu vốn và không đủ trình độ chuyên nghiệp.

Không những vậy, năng lực của doanh nghiệp logistics trong nước còn yếu, hạn chế về quy mô doanh nghiệp và vốn, trong khi kinh nghiệm và trình độ quản lý, khả năng áp dụng công nghệ thông tin cũng như trình độ nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động quốc tế và một nguyên nhân quan trọng là không đủ đầu mối nguồn hàng do Việt Nam chủ yếu xuất FOB (nghĩa là người bán hàng hoàn thành trách nhiệm khi hàng đã được xếp lên boong tàu) và nhập CIF (nghĩa là người bán hàng chịu chi phí thuê tàu, bảo hiểm đến cảng dỡ hàng).

Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logicstis Việt Nam (VLA) cho biết hiện nay Việt Nam có khoảng 4.000 doanh nghiệp logistics chuyên nghiệp và có mạng lưới dịch vụ quốc tế, trong đó TP.HCM chiếm 54% doanh nghiệp. Đa số các doanh nghiệp đều có quy mô nhỏ và thiếu hụt chất lượng nhân sự. Những yếu tố này chính là rào cản cho doanh nghiệp cạnh tranh ngay cả trên sân nhà, chưa nói đến thị trường khu vực và thế giới.

Một cuộc khảo sát tại 97 doanh nghiệp hoạt động logistics tại Báo cáo Logistics Việt Nam 2020 cho biết doanh nghiệp logistics có từ 50 - 199 lao động chiếm tỷ trong cao nhất là 28%. Tiếp đến là doanh nghiệp có 10 - 49 lao động chiếm 21% và có 4% doanh nghiệp có số lượng lao động trên 1.000 người. Về số năm hoạt động, có 37% doanh nghiệp đã hoạt động từ 10-20 năm, 25% doanh nghiệp hoạt động từ 6 - 10 năm và có khoảng 3% doanh nghiệp đã hoạt động được trên 50 năm.

Báo cáo cũng cho biết về doanh thu, số doanh nghiệp có doanh thu từ khoảng 101 - 500 tỉ đồng chiếm tỷ trọng cao nhất là 32%, chiếm tỷ trọng ít nhất 8% là các doanh nghiệp có doanh thu từ 51 - 100 tỉ đồng.

Về việc ứng dụng công nghệ, chỉ có 40% doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ cho hoạt động cốt lõi, còn lại thì toàn áp dụng những giải pháp đơn lẻ như quản lý giao nhận quốc tế, quản lý kho hàng, quản lý vận tải, ... Có thể nói năng lực tài chính, khoa học công nghệ và nguồn nhân lực đang là hạn chế lớn nhất của doanh nghiệp logistics Việt Nam. Những yếu tố này đang làm cho chi phí logistics ở Việt Nam tăng cao.

Đặt mục tiêu sáp nhập

Năm 2020, doanh nghiệp logistics gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong 9 tháng đầu năm 2020 có 485 doanh nghiệp vận tải, kho bãi giải thể. Từ tháng 5 thì có tới không dưới 20% doanh nghiệp giảm hoạt động kinh doanh, chưa thể phục hồi.

Theo đó, mục tiêu hiện tại của các doanh nghiệp là cải tiến hoạt động kinh doanh, tổ chức doanh nghiệp và đào tạo nâng cao trình độ nguồn nhân lực cho giai đoạn tới. Bên cạnh đó, kỳ vọng của các doanh nghiệp cũng được đặt ra với các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) sau khi một số nước như: Nhật Bản, Mỹ, châu Âu... muốn rút khỏi Trung Quốc để tránh phụ thuộc vào chuỗi cung ứng một thị trường và hiện nay nhiều đối tác cũng quan tâm đến thị trường Việt Nam.

Vì vậy, các doanh nghiệp trong nước kỳ vọng sẽ tạo đột phá bằng việc hợp tác với các doanh nghiệp lớn ở nước ngoài, ví dụ như: Emergent Cold Vietnam và Preferred Freezer vừa có quyết định sáp nhập với Lineage Logistics - Tập đoàn lớn nhất thế giới về chuỗi cung ứng lạnh.

Bài liên quan
Doanh nghiệp hàng không Việt Nam chỉ chiếm 12% thị phần logistics
"Ba doanh nghiệp hàng không Việt Nam đang chiếm 12% thị phần logistics hàng không, trong khi đó các hãng nước ngoài (58 hãng) chiếm tới 80% trong việc xuất khẩu quốc tế. Đây là vấn đề đáng suy nghĩ..."

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vực dậy doanh nghiệp logistics từ nhận thức về chi phí