Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đã đặt 3 câu hỏi xoay quanh vụ mua bán AVG của doanh nghiệp nhà nước sử dụng vốn nhà nước là Tổng công ty Mobifone đối với Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn.

Vụ mua bán AVG được đem ra chất vấn Bộ trưởng Trương Minh Tuấn

Nam Phong | 17/11/2017, 13:38

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đã đặt 3 câu hỏi xoay quanh vụ mua bán AVG của doanh nghiệp nhà nước sử dụng vốn nhà nước là Tổng công ty Mobifone đối với Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn.

                    

>> Mobifone đã chi gần 9.000 tỉ đồng để mua 95% AVG

>> Thương vụ MobiFone - AVG: Khi DNNN ngồi xổm lên pháp luật?

>> Ban Bí thư và Thủ tướng yêu cầu thanh tra vụ Mobifone mua AVG

>> Thanh tra toàn diện vụ Mobifone mua 95% AVG

Sáng nay, ngày 17.11, Quốc hội (QH) tiếp tục làm việc với phiên chất vấn. Nhóm vấn đề thứ 3 tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này là về quản lý nhà nước về báo chí, mạng xã hội do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) trả lời chất vấn bắt đầu từ 10 giờ 30.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Trước khi bước vào phần chất vấn, Chủ tịch QH cho biết Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhận được 70 yêu cầu chất vấn của các ĐBQH. Số lượng câu hỏi lớn khiến người điều hành phiên họp đặt ra tình huống nhiều nội dung có thể phải trả lời bằng văn bản.

Các câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Trương Minh Tuấn xoay quanh 3 nhóm vấn đề: Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử; công tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông, về hệ thống dịch vụ truyền thông, việc xã hội hóa các chương trình phát thanh, truyền hình; giải pháp kiểm soát, hạn chế thông tin xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội và định hướng thông tin, tuyên truyền văn hóa, đạo đức xã hội.

Theo chương trình làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng các Bộ: Công an, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo và các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

150 cơ quan báo chí bị xử lý trong năm 2016

ĐBQH Nông Văn Tình (đoàn Nghệ An) đặt câu hỏi chất vấn: Do nhiều nguyên nhân, hiện vẫn còn thông tin sai sự thật, thông tin thiếu chính xác xuất hiện trên báo chí làm giảm uy tín của nghề báo. Thậm chí thông tin sai sự thật sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng nghìn con người. Vậy, Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên?

Trả lời đại biểu Nông Văn Tình, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng đây là vấn đề nhức nhối gần đây. Nhưng vai trò của báo chí từ trước đến nay rất rõ ràng. Báo chí luôn đồng hành tuyên truyền đường lối của Đảng, Nhà nước. Báo chí luôn xuất hiện ở những nơi khó khăn.

Gần đây, sai phạm của báo chí là rất lớn nhưng sai phạm đó không làm biến dạng dòng chảy chính của báo chí.

Năm 2016, Bộ xử phạt gần 150 cơ quan báo chí, nhiều nhất từ trước đến nay. Trong số 150 cơ quan báo chí bị xử lý thì tỷ lệ vi phạm trong việc đăng tải thông tin sai sự thật là rất lớn. Có thời điểm, trong một tháng, có 70 cơ quan báo chí thông tin sai sự thật bị xử phạt. Bộ trưởng Trương Minh tuấn lấy ví dụ như trong vụ nước mắm, Bộ này đã xử lý 50 cơ quan báo chí bị xử lý; vụ cháu bé 12 tuổi ở Gia Lai tự tử, Bộ TT-TT xử lý 12 cơ quan báo chí...

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, năm 2016, Bộ đã xử lý hàng loạt cơ quan báo chí làm sai quy định khi cấp loại thẻ giống thẻ nhà báo, nhiều phóng viên đã lợi dụng những thẻ này để “sách nhiễu” doanh nghiệp. Bộ đã xử lý, thu hồi, thậm chí xử lý một phó tổng biên tập.

Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, việc đăng tải thông tin xuyên tạc, gây hoang mang là hành vi bị cấm trong điều 9, luật Báo chí 2016. Bộ TT&TT thường xuyên phối hợp với Ban Tuyên giáo để theo dõi, xử lý các vi phạm báo chí, đặc biệt nội dung liên quan thông tin báo chí và hoạt động báo chí.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định theo quy định luật báo chí, các cơ quan báo chí có quyền lập cơ quan đại diện. Không có phóng viên thường trú sẽ không cập nhật được thông tin hay, nhanh, kịp thời. Phóng viên thường trú không chỉ khen mà phản bác, góp ý để địa phương tốt hơn.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn sáng nay - Ảnh: Nam Phong

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đánh giá vai trò cơ quan thường trú, PV thường trú là rất lớn. Hầu hết PV thường trú là người địa phương nên nhiều PV công tâm, có nhiều bài viết hay, phản ánh đầy đủ mọi mặt địa phương.

“Tôi không đồng tình PV thường trú cứ phải khen địa phương. Khen đúng nhưng phải biết chê, chê cho thích đáng, giúp địa phương khắc phục yếu kém để vươn lên”, Bộ trưởng nói.

1 tuần, 1 doanh nghiệp nhận tới 50 đề nghị quảng cáo báo chí

Bộ trưởng Tuấn cũng thừa nhận gần đây có tình trạng báo chí, nhất là tình trạng PV thường trú vi phạm pháp luật, hù doạ DN. Bộ đã kiên quyết xử lý các trường hợp không đúng tôn chỉ, mục đích như xử phạt vi phạm hành chính, đình bản hoạt động, xử lý PV thường trú, nhưng tình trạng này, cảm giác gần đây không giảm.

Theo Bộ trưởng Tuấn, nguyên nhân bắt nguồn từ việc lựa chọn phóng viên thường trú không đủ tiêu chuẩn. Có phóng viên tìm mọi kẽ hở của địa phương để phản ánh; Phóng viên thường trú câu kết cộng tác đi hù dọa, đi gọi quảng cáo.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cho hay, ông từng nhận được phản ánh của một doanh nghiệp, chỉ trong một tuần, doanh nghiệp này nhận được tới 50 đề nghị quảng cáo từ các cơ quan báo chí. Nhiều doanh nghiệp bị gọi quảng cáo, bị hù dọa nhưng chọn giải pháp “chấp nhận để được yên lành, nhưng đâu có được yên lành"...

Cơ sở nào, mà Mobifone sử dụng vốn nhà nước mua AVG?

Gần cuối giờ làm việc buổi sáng, Chủ tịch Quốc hội đã ngắt câu trả lời của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khi ông trả lời các câu hỏi chất vấn của các ĐBQH xoay quanh Đề án 30a về xây dựng Chính phủ điện tử, quản lý báo chí... để các đại biểu tiếp tục đặt câu hỏi.

ĐB Phạm Như Hiệp (đoàn TT-Huế): Về cơ sở dữ liệu quốc gia còn mang tính riêng lẻ, chủ yếu phục vụ công tác văn thư lưu trữ, để tiếp cận cách mạng KHCN 4.0 thì vẫn còn nhiều vấn đề, Bộ trưởng cho biết tại nước ta xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia như thế nào và việc khai thác liên thông sử dụng dữ liệu quốc gia này ra sao?

Về truyền hình, có ý kiến cử tri cho rằng, các chương trình thiếu nhi phát trên các kênh hiện nay chưa phù hợp với lứa tuổi các em, nặng về giải trí, nhẹ về tuyên truyền phẩm chất đạo đức, cử tri mong Bộ TT&TT và các bộ ngành quan tâm vấn đề này hơn nữa, Bộ trưởng cho biết giải quyết vấn đề này như thế nào?

ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội): Báo chí đang đóng vai trò rất lớn trong chống tiêu cực, đôi khi đọc được trên báo những bài viết việc đời thường nhưng rất xúc động, cay cay sống mũi, đóng góp của báo chí vô cùng to lớn, không ai phủ nhận.

Tuy nhiên tìm bài viết đưa tin về người tốt việc tốt quá hiếm so với những cái xấu, xã hội ta hiện nay đâu thiếu cái đẹp, có tờ báo khi đọc toàn hãm hiếp, chém giết, đi vào khai thác thổi phồng những tình tiết nhỏ, làm hoen ố bức tranh đẹp của các cá nhân đáng tôn trọng, những tổ chức đáng tự hào, ở đây không phải là sai nhưng không hiểu được người viết những vấn đề này về lương tâm cảm nhận như thế nào? Bộ trưởng có nhận thấy đây là vấn đề báo chí hiện nay không?

ĐB Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau): Tôi xin gửi tới Bộ trưởng 3 câu hỏi liên quan tới công tác quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và truyền thông đối với hoạt động tổ chức dịch vụ truyền thông của một doanh nghiệp nhà nước sử dụng vốn chủ sở hữu là nhà nước ở Tổng công ty Mobifone. Trong vụ chuyển nhượng cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn toàn cầu (AVG): 1- Từ nhu cầu nào và dựa trên cơ sở nào, mà Mobifone sử dụng vốn nhà nước mua AVG? 
2- Giá trị đích thực trong vụ chuyển nhượng là bao nhiêu? 
3- Từ khi mua AVG về Mobifone, hoạt động của AVG ra sao, hiệu quả có tương xứng với đồng vốn bỏ ra hay không?

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận): Với báo chí, việc phát hiện xử lý vi phạm thời gian qua, Bộ trưởng đã trả lời rất quyết liệt. Tuy nhiên, bên cạnh việc phát hiện xử lý vi phạm thì 1 việc quan trọng là làm thế nào để động viên báo chí, phóng viên nâng cao vai trò góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước, đề nghị Bộ cho biết Bộ có kế hoạch chiến lược nào để nâng cao vai trò của báo chí trong phòng chống tham nhũng?

Dư luận quan tâm tình trạng lợi dụng quyền tự do báo chí, tự do dân chủ để có hành vi xâm phạm lợi ích nhà nước, lợi ích chính đáng của công dân, theo Bộ trưởng, tình trạng này có nghiêm trọng không, giải pháp của Bộ là gì?

Chiều nay, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn tiếp tục phần trả lời chất vấn của mình.

Nam Phong

            
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ mua bán AVG được đem ra chất vấn Bộ trưởng Trương Minh Tuấn