Chủ đầu tư công trình Trường tiều học Lưu Hữu Phước (xã Ninh Hoà, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) khẳng định, vấn đề giải quyết tiền nợ vật tư của nhà thầu đối với các hộ cung cấp vật tư xây dựng công trình của nhà nước là ngoài thẩm quyền của đơn vị.

Vụ chủ thầu nợ tiền vật tư ở Bạc Liêu: Có ngoài thẩm quyền giải quyết của chủ đầu tư?

Sông Lương | 27/02/2023, 15:30

Chủ đầu tư công trình Trường tiều học Lưu Hữu Phước (xã Ninh Hoà, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) khẳng định, vấn đề giải quyết tiền nợ vật tư của nhà thầu đối với các hộ cung cấp vật tư xây dựng công trình của nhà nước là ngoài thẩm quyền của đơn vị.

Loạt bài gồm Bạc Liêu: Người bán vật tư kêu cứu vì bị nhà thầu nợ tiền; Vụ chủ thầu nợ tiền vật tư ở Bạc Liêu: Nhà thầu chính bị tố cáo; Vụ chủ thầu nợ tiền vật tư ở Bạc Liêu: Cần làm rõ hành vi cho mượn hồ sơ năng lực để đấu thầu đăng trên Một Thế Giới phản ánh việc nhiều hộ kinh doanh vật tư xây dựng ở Bạc Liêu hiện đứng ngồi không yên khi lâm vào cảnh bán vật tư cho một chủ thầu xây dựng công trình, đến nay đã nhiều tháng trôi qua vẫn chưa được thanh toán.

1.jpg
Nhiều người đến công trình đòi nợ bà Tú (áo đỏ)

Ngày 27.2, trao đổi với PV, ông Đinh Hoàng Anh, Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình xây dựng cơ bản huyện Hồng Dân khẳng định công trình Trường tiểu học Lưu Hữu Phước (xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) do Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Thanh Hảo (Công ty Thanh Hảo) trúng thầu và ông Hoàng Anh chỉ ký hợp đồng với Công ty Thanh Hảo.

Riêng việc Công ty TNHH một thành viên Châu Minh Tuấn (Công ty Châu Minh Tuấn), đơn vị trực tiếp thi công Trường tiểu học Lưu Hữu Phước nói không phải là đội thi công xây dựng mà mượn pháp nhân của Công ty Thanh Hảo để đấu thầu thì ông Hoàng Anh nói rằng ông không nắm. “Tôi không biết, việc đó ngoài thẩm quyền của tôi, tôi ký hợp đồng với Công ty Thanh Hảo thì tôi làm việc với họ”, ông Hoàng Anh nói. Đồng thời, ông cho rằng bản thân ông không biết và không liên quan gì đến các khoản nợ của đơn vị thi công với các hộ cung cấp vật tư.

Khi được hỏi, các hộ kinh doanh bán vật tư để phục vụ công trình xây dựng của nhà nước, với góc độ là chủ đầu tư, Ban QLDA công trình xây dựng cơ bản huyện Hồng Dân có hướng giải quyết như thế nào, ông Hoàng Anh nói: “Vấn đề đó ngoài thẩm quyền, nên tôi không trả lời được”.

2(1).jpg
Đường vào Trường tiểu học Lưu Hữu Phước, nơi có những lùm xùm về việc nhà thầu nợ tiền vật tư

Ông Trà Văn Ghi (ngụ huyện Phước Long), người bị nhà thầu nợ hơn 600 triệu đồng, bức xúc: "Nếu đại diện chủ đầu tư nói là không có thẩm quyền giải quyết khoản nợ liên quan đến xây dựng công trình của nhà nước, vậy ai mới là người có thẩm quyền giải quyết khoản nợ của tôi.

Trong khi đó, bên tôi cung ứng vật tư để xây dựng công trình của nhà nước thì số tiền mà chủ đầu tư giải ngân hiện đã đi đâu mà đơn vị thi công không thanh toán trả cho tôi. Việc nhà thầu nợ tiền bên tôi thì chủ đầu tư đã biết ngay từ ban đầu, vậy tại sao không có biện pháp ngăn chặn từ ban đầu để nhà thầu chiếm dụng vốn, không có khả năng trả nợ".

Công trình xây dựng Trường tiểu học Lưu Hữu Phước (xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) do Ban QLDA đầu tư xây dựng cơ bản huyện Hồng Dân làm chủ đầu tư và đơn vị trúng thầu là Công ty Thanh Hảo chứ không phải Công ty Châu Minh Tuấn. Công trình có tổng mức đầu tư trên 10 tỉ đồng. Đến nay, công trình đã hoàn thành, được chủ đầu tư quyết toán hơn 85% nhưng nhà thầu chưa trả số tiền mua vật tư cho nhiều hộ kinh doanh hơn 1 tỉ đồng.

Nói về việc cho mượn hồ sơ pháp nhân để đấu thầu, một cán bộ lãnh đạo có chuyên môn về đấu thầu cho biết: “Nếu là đội thi công thì đúng quy định, còn không đủ năng lực thi công mà mượn hồ sơ pháp nhân của người khác tham gia đấu thầu là sai. Trường hợp này, đơn vị trúng thầu phải chịu trách nhiệm về mặt pháp luật, bởi hợp đồng với chủ đầu tư là do họ ký kết.

Tuy nhiên, cần phải xem lại, người mua vật tư để phục vụ công trình đó hay là công trình nào khác. Trường hợp người bán vật tư để phục vụ công trình đó và có người ký xác nhận thì đơn vị trúng thầu phải chịu trách nhiệm. Đơn vị trúng thầu phải có trách nhiệm đôn đốc người trực tiếp thi công để trả tiền vật tư, nếu họ không trả thì đơn vị thi công phải chịu trách nhiệm về pháp luật”.

Đoạn Clip ghi lại cảnh bà Tú chửi chủ nợ

Trước đó, vì còn nợ tiền vật tư nên nhiều hộ dân đã kéo đến công trình Trường tiểu học Lưu Hữu Phước để ngăn không cho đơn vị thi công là Công ty Châu Minh Tuấn thực hiện các hạng mục còn lại. Quá trình đòi nợ, đôi bên đã xảy ra cự cãi, bà Nguyễn Thị Tú, đại diện Công ty Châu Minh Tuấn khẳng định sẽ không trả tiền cho chủ nợ. Đồng thời, người phụ nữ này còn dùng những lời lẽ thô tục để chửi bới, thách thức chủ nợ.

Thầy Phùng Văn Ghe, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lưu Hữu Phước cho biết: "Tiến độ công trình này đến nay đã gần 12 tháng nhưng chưa bàn giao cho đơn vị sử dụng. Trong giờ học sinh đang học nhưng họ lại gây mất trật tự, chửi thề thì tôi không hài lòng, bởi trường học là nơi văn hóa, việc cự cãi như vậy không thể chấp nhận được. Tôi có xin ý kiến với lãnh đạo rồi, nhưng giờ bà Tú đã như vậy, tôi không biết phải nói sao".

4.jpg
Nơi tập kết vật tư của ông Ghi giờ chỉ là bãi đất trống

Như Một Thế Giới đã thông tin, nhiều hộ kinh doanh ở các huyện Vĩnh Lợi, Phước Long, Hòa Bình (Bạc Liêu) bức xúc phản ánh việc họ bị Công ty Châu Minh Tuấn, là đơn vị thi công công trình Trường tiểu học Lưu Hữu Phước nợ hơn 1 tỉ đồng, đến nay đã nhiều tháng trôi qua nhưng chưa thanh toán. Do đó, những hộ này không chủ động được nguồn vốn, gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh.

Những người bị bà Tú nợ tiền gồm: anh Hoàng Văn Bình (35 tuổi), ngụ xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi; ông Trà Văn Ghi (44 tuổi), ngụ huyện Phước Long và anh Võ Thanh Minh (35 tuổi), ngụ huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu.

Bà Nguyễn Thị Tú, Giám đốc Công ty Châu Minh Tuấn thừa nhận có nợ tiền các trường hợp trên, nhưng vì nhiều lý do nên bà chưa thanh toán các khoản cho các đơn vị cung cấp vật tư.

Ông Đinh Hoàng Anh, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản huyện Hồng Dân xác nhận đơn vị thi công công trình Trường tiểu học Lưu Hữu Phước có nợ tiền mua vật tư.

“Chỗ Công ty Thanh Hảo có giao cho bên kia (Công ty Châu Minh Tuấn - PV) hay không thì chúng tôi không nắm. Chỉ biết là Công ty Thanh Hảo có đưa bộ phận kỹ thuật xuống công trình, còn người họ thuê như thế nào tôi không biết. Bên kia họ thuê nhân công, mua vật tư còn thiếu nợ là có chuyện ấy, người ta có gọi điện và đến gặp tôi hỏi luôn. Tuy nhiên, việc này chúng tôi không thể giải quyết được”, ông Hoàng Anh nói.

Theo Giám đốc Ban QLDA xây dựng huyện Hồng Dân, để giải quyết quyền lợi chính đáng, ông mong muốn những trường hợp có liên quan tập trung lại, trình bày rõ sự việc, sau đó ông sẽ xin ý kiến chỉ đạo từ lãnh đạo UBND huyện.

Bài liên quan
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 1: Giá bấp bênh, diêm dân vẫn quyết không bỏ nghề
Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
một giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ chủ thầu nợ tiền vật tư ở Bạc Liêu: Có ngoài thẩm quyền giải quyết của chủ đầu tư?