Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã có công văn gửi CLB bóng đá TP.HCM nhắc nhở HLV Vũ Tiến Thành vì chê Cúp quốc gia 2023 như giải phường, xã.

VPF cần nhìn lại mình hơn là nhắc nhở HLV Vũ Tiến Thành

Đặng Hoàng | 02/04/2023, 10:48

Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã có công văn gửi CLB bóng đá TP.HCM nhắc nhở HLV Vũ Tiến Thành vì chê Cúp quốc gia 2023 như giải phường, xã.

Trong công văn, VPF cho rằng việc so sánh, nhận định công tác tổ chức giải với ngôn từ không phù hợp của HLV Vũ Tiến Thành gây ảnh hưởng uy tín, hình ảnh giải đấu nói chung và CLB TP.HCM nói riêng; vi phạm các quy định về phát ngôn trong quy chế bóng đá chuyên nghiệp và quy định kỷ luật hiện hành.

Năm 2020, khi còn là Chủ tịch kiêm HLV Sài Gòn FC, ông Vũ Tiến Thành đã góp ý VPF nên bỏ quy định cấm các đội bóng V-League không được sử dụng 3 ngoại binh khi thi đấu với các đội Hạng nhất (Một Thế Giới có nhắc đến trong bài: Cúp quốc gia như giải phường xã: VPF lại “đẻ ngược”). Ông Thành cũng nhấn mạnh, bóng đá thế giới, các đội dưới phải nhìn lên trên mà chiến đấu, không như ở Việt Nam, VPF lại muốn các CLB trong hệ thống bóng đá chuyên nghiệp nhìn xuống mà đá.

Thế nhưng ông Thành không chỉ góp ý VPF luôn muốn “xuống” như thế này.

VPF không thể ứng xử theo kiểu bề trên”

Tháng 6.2021, trong cuộc họp trực tuyến của VPF với đại diện 27 CLB bóng đá V-League và Hạng nhất, do đại dịch COVID-19, VPF đưa ra phương án lùi V-League 2021 đến tháng 2.2022.

HLV Vũ Tiến Thành khi đó là Chủ tịch CLB Phố Hiến đã nói rõ quan điểm rằng VPF cần đưa ra nhiều phương án cho các CLB góp ý thì hợp lý hơn. Vì giả sử đến tháng 2.2022 không đá được thì sao? Không có nhiều đội bóng đủ sức nuôi quân và tập chay suốt hơn nửa năm trời nhưng không chắc tháng 2.2022 có thể ra sân. Kinh phí phát sinh ở mỗi CLB để duy trì quyền lợi cho VPF thì ai sẽ chịu?

May mà dưới sự điều hành của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiêm Chủ tịch VFF Lê Khánh Hải, thường trực VFF đã quyết định hủy V-League 2021, có nghĩa là VFF “bác” kiến nghị lùi giải. Đó là phương án mà VPF hoàn toàn không nghĩ đến quyền lợi cùng sự sống còn của các CLB, thay vào đó chỉ nghĩ đến quyền lợi và trách nhiệm của VPF đối với nhà tài trợ.

Tháng 9.2021, cũng tại cuộc họp trực tuyến của VPF với đại diện 27 CLB V-League, Hạng nhất, ông Thành đã phát biểu: “VPF không thể ứng xử theo kiểu bề trên. VPF cố tình áp đặt và thậm chí o ép quyền lợi của CLB. Lợi nhuận cho CLB từ bảng quảng cáo trên sân hay bản quyền truyền hình là gần như không có. Mỗi mùa bóng, một CLB tham gia V-League phải tốn trên dưới hàng trăm tỉ đồng, trong đó bao gồm đóng phí cho VPF nhưng CLB nhận lại chỉ có vài trăm triệu đồng...”.

Do đại dịch COVID-19, các CLB đều rơi vào hoàn cảnh khó khăn, vì vậy ông Thành đề nghị VPF không nên thu lệ phí của 27 CLB (V- League là 500 triệu đồng, Hạng nhất khoảng một nửa). Ông Thành cho rằng: “Tiền thu lệ phí của 27 CLB V-League và Hạng nhất theo tôi biết thực chất VPF thường dùng một phần để hỗ trợ lại cho VFF trong công tác quản lý chung, giống như “nộp tô” nhưng nên chăng cần phải xem xét lại vấn đề này một cách thấu đáo. Vì ngay Chính phủ, Nhà nước cũng còn xuất quỹ ngân sách để hỗ trợ lại cho người dân gặp khó trong dịch COVID-19 thì cớ gì VPF lại thu của các CLB”.

Ngày 15.10.2021, tại Hội nghị tổng kết các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia 2021, ông Thành với tư cách là Giám đốc bóng đá Trung tâm đào tạo trẻ PVF, Chủ tịch CLB Phố Hiến đã phát biểu khá nhiều vấn đề đóng góp cho VPF.

Ông Thành đề nghị VPF cần xây dựng ngay bộ quy tắc ứng xử cho mùa giải mới. Ông Thành đưa ra những ví dụ có thật như một chủ tịch CLB V-League có chân trong ban chấp hành VFF công khai chửi trọng tài sau trận đấu, hay một trợ lý HLV của 1 đội bóng phía Nam phản ứng gay gắt với những hành vi khó coi, hết sức phản cảm. Tuy nhiên không hiểu giám sát báo cáo kiểu gì mà không xử lý, mãi đến khi dư luận lên tiếng và vòng đấu sau diễn ra thì mới có án.

Những ứng xử thiếu văn hóa như vậy tồn tại như một thách thức mà VPF hoặc không dám đụng đến hoặc phải chờ “ngâm cứu” rất lâu mới có ý kiến, theo ông Thành, là do thiếu một bộ quy tắc ứng xử quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của từng thành viên tham dự giải (từ chủ tịch CLB, giám đốc điều hành, trưởng đoàn, HLV, cầu thủ, bác sĩ cho đến y tế, lái xe; từ ban điều hành giải, giám sát, trọng tài cho đến ban tổ chức các sân, lực lượng phục vụ cho công tác tổ chức trận đấu...).

Về tài chính, ông Thành cho rằng khi đề cập đến vấn đề này VPF thường kêu khó vì những ràng buộc từ nhà tài trợ chính cho giải, nhưng VPF lại lấy chính điều đó chèn ép các CLB là không thỏa đáng. Ông Thành đề nghị cần có một cuộc họp riêng về câu chuyện kinh tế bóng đá này để giải bài toán hài hòa quyền lợi của đôi bên càng sớm càng tốt. Theo ông Thành, không nên để các CLB cứ mãi bị chèn ép và phải “phục vụ” cho những lợi ích của VPF, trong khi lợi ích của mình gần như chẳng có tác dụng tích cực nào.

Ngoài ra, ông Thành cũng đề nghị VPF nên xem trọng Cúp quốc gia hơn, đừng tổ chức cho có như thể thức hiện nay khiến nhiều đội chưa đá đã muốn bỏ, mất hay. Ông Thành cũng nhấn mạnh VPF không thể dừng V-League, Hạng nhất vì các giải trẻ, SEA Games.

“VPF điều hành độc đoán để lợi ích nhóm”

Ngày 6.1.2022, tại cuộc họp cổ đông thường niên VPF, Chủ tịch CLB Phố Hiến - Vũ Tiến Thành cùng Chủ tịch CLB Hải Phòng - Văn Trần Hoàn và Giám đốc điều hành CLB HAGL - Nguyễn Tấn Anh đã có nhiều góp ý cho VPF. Nổi bật là chuyện Hội đồng quản trị VPF nên tăng từ 4 người lên 9 thành viên, vì quy định cho phép số lượng nhân sự từ 9 - 11 người.

Tuy nhiên, sự mâu thuẫn xảy ra khi đề xuất này bị người trong cuộc nhận định là “biến tướng” qua lời nói của Chủ tịch HĐQT VPF Trần Anh Tú. Ông Vũ Tiến Thành bất mãn nên bỏ họp ra về. Trả lời truyền thông, ông Vũ Tiến Thành nói: “VPF điều hành độc đoán để lợi ích nhóm”!

Ông Thành nói thêm: “Vào cuộc họp, chúng tôi đều chung kỳ vọng VPF trong năm 2022 sẽ tốt hơn so với năm ngoái, nhằm tránh xảy ra những tranh cãi với các CLB. Tôi góp ý với đề nghị là chọn thêm 5 thành viên vào Hội đồng quản trị, bởi hiện tại chỉ còn 4 người. Các cổ đông sẽ đóng góp cho VPF tốt hơn, đúng tinh thần của VPF: “Cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ quyền lợi, hướng tới tương lai, vươn ra thế giới”.

Tuy nhiên, ông Trần Anh Tú dẫn dắt cuộc họp lại nói ai đồng ý thêm 3 người thì giơ tay, dù trước đó có sự đồng ý là thêm 5 người. Tôi nói thẳng tại cuộc họp là anh Tú vẫn giữ tư duy áp đặt cho các đội. Ông Trần Anh Tú điều hành đại hội cổ đông như công ty gia đình, không tôn trọng ý kiến các thành viên, luôn có tư duy áp đặt theo kiểu ra quyền cho các cổ đông. Nên nhớ, VPF không phải của riêng ai, ông Trần Anh Tú chỉ là đại diện vốn của VFF mà đang muốn biến VPF thành công ty gia đình. Tôi xin lỗi và bỏ về”.

Giải thích về nhận định “lợi ích nhóm”, ông Thành cho biết: “HĐQT VPF có 7 thành viên nhưng nghỉ 3 người gồm: ông Trần Mạnh Hùng, Lê Minh Dũng, Nguyễn Tiến Dũng. Bốn người còn lại là ông Trần Anh Tú, Nguyễn Quốc Hội, Nguyễn Minh Ngọc và bà Đinh Thị Thu Trang. Cả 4 thành viên này đều là người của VFF. Do đó, ông Thành muốn chọn thêm 5 thành viên để có sự phản biện, tránh sự biểu quyết một chiều (4 thành viên VFF sẽ quá bán khi bỏ phiếu nếu chỉ có 7 người ở HĐQT VPF).

Trước thực trạng này, theo đăng ký, ngày 7.1.2022, ông Thành sẽ trình bày tham luận những tồn tại và các giải pháp tổ chức V-League nhằm góp ý cho VPF, nhưng ông Thành đã hủy khi ông Trần Anh Tú điều hành VPF một cách độc đoán.

***

Và như chúng ta đã biết, ngày 31.3.2023, trên cương vị HLV CLB TP.HCM, ông Thành lại chê công tác tổ chức, điều hành Cúp quốc gia của VPF như giải phường, xã.

Có nghĩa là xuyên suốt 3 năm qua, dù trên cương vị nào, ông Vũ Tiến Thành nhiều lần công khai phê phán đồng thời góp ý thẳng thắn, mang tính xây dựng để VPF tốt hơn.

Thế nhưng VPF có thay đổi?

VPF vẫn tạo ra hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam rất là “quái gở”; vẫn dừng V-League, Hạng nhất vì các giải trẻ, SEA Games; vẫn ra quy định “tài trợ độc quyền” bóp nghẹt khả năng kêu gọi tài chính, ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn của các CLB; Cúp quốc gia vẫn “nhìn xuống” thay vì thế giới là “nhìn lên”; Cúp quốc 2023 đã khởi tranh nhưng vẫn chưa có nhà tài trợ... HĐQT VPF vẫn là 7 người với quá bán là người của VFF, trong đó ông Trần Anh Tú vừa là Chủ tịch HĐQT VPF vừa là Phó chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn...

Vậy thì những góp ý công khai và trực tiếp đến VPF của ông Thành đúng hay sai?

VPF cần nhìn lại mình hơn là nhắc nhở ông Vũ Tiến Thành!

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
8 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
VPF cần nhìn lại mình hơn là nhắc nhở HLV Vũ Tiến Thành