Việt Nam bác bỏ mọi yêu sách trái luật pháp quốc tế ở Biển Đông, sau khi Trung Quốc và Philippines tranh cãi về cái gọi là "quyền lịch sử" tại khu vực.
Theo dòng thời sự

Việt Nam lên tiếng sau tranh cãi giữa Philippines và Trung Quốc về Biển Đông

P.V 23/03/2024 12:30

Việt Nam bác bỏ mọi yêu sách trái luật pháp quốc tế ở Biển Đông, sau khi Trung Quốc và Philippines tranh cãi về cái gọi là "quyền lịch sử" tại khu vực.

Ngày 23.3, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết quan điểm của Việt Nam đối với phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 14.3 và tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines ngày 17.3 về vấn đề Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng tái khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế, cũng như có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình được xác lập phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm (UNCLOS) 1982.

pham-thu-hang-5392.jpg
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng

Liên quan đến các yêu sách ở Biển Đông trái luật pháp quốc tế, vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển của Việt Nam được xác lập phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, lập trường của Việt Nam là luôn rõ ràng, nhất quán và đã được khẳng định nhiều lần, theo đó Việt Nam kiên quyết phản đối và bác bỏ tất cả các yêu sách này.

“Việt Nam mong muốn các quốc gia liên quan thực sự tôn trọng và tuân thủ các quy định của UNCLOS 1982, cùng đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định và tìm kiếm các giải pháp cơ bản, lâu dài ở Biển Đông”, bà Hằng nhấn mạnh.

Ngày 14.3, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc "có quyền lịch sử" trên Biển Đông, khi bình luận về phát ngôn của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos liên quan đến yêu sách "đường đứt đoạn" Bắc Kinh đơn phương vẽ ra.

Ông Uông Văn Bân cáo buộc Manila "xuyên tạc" quan điểm của Bắc Kinh và sử dụng vấn đề Biển Đông để "lôi kéo cường quốc bên ngoài nhằm gây mất ổn định, đe dọa hòa bình khu vực".

Đáp lại, ngày 17.3, Bộ Ngoại giao Philippines ra tuyên bố Philippines có chủ quyền từ lâu và đã thực thi kiểm soát hành chính trên các thực thể trong Biển Đông, trong đó có bãi cạn Scarborough cùng một số thực thể thuộc quần đảo Trường Sa. Manila bác bỏ khái niệm "quyền lịch sử" của Bắc Kinh cũng như những yêu sách Trung Quốc đưa ra trên Biển Đông.

Căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc gần đây gia tăng ở Biển Đông, với nhiều vụ đối đầu, va chạm giữa tàu công vụ hai nước.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam lên tiếng sau tranh cãi giữa Philippines và Trung Quốc về Biển Đông