Việt Nam sẽ quyết tâm ngăn chặn, chấm dứt và tiến tới loại bỏ tình trạng khai thác IUU.

Việt Nam khẳng định ngăn chặn, tiến tới loại bỏ tình trạng khai thác IUU

Tuyết Nhung | 29/10/2022, 08:08

Việt Nam sẽ quyết tâm ngăn chặn, chấm dứt và tiến tới loại bỏ tình trạng khai thác IUU.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã tiếp Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), do ông Roberto Cesari - Trưởng Bộ phận IUU (Tổng Vụ các vấn đề về biển và thủy sản) làm trưởng đoàn.

ptt-lvt-1666956264301356767636.jpg
Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đã và đang nỗ lực cao nhất để giải quyết tốt nhất các nội dung kiến nghị của EC - Ảnh: VGP

Theo Phó thủ tướng, chính sách và định hướng của Việt Nam là khuyến khích ngư dân đăng ký ngành nghề khai thác thân thiện với môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững.

Việt Nam đang rất tích cực triển khai hoạt động bảo tồn biển, thả giống, phục hồi, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản; triển khai cấp hạn ngạch giấy phép khai thác, đã có kế hoạch ngắn hạn, dài hạn để từng bước giảm cường lực khai thác cân bằng với nguồn lợi thuỷ sản.

"Việt Nam khẳng định lại cam kết mạnh mẽ và thể hiện nỗ lực của các cấp quản lý cùng với cộng đồng ngư dân, doanh nghiệp Việt Nam quyết tâm ngăn chặn, chấm dứt và tiến tới loại bỏ tình trạng khai thác IUU", Phó thủ tướng nêu rõ.

Tuy nhiên, nghề cá Việt Nam là nghề cá nhiệt đới, đa loại, diễn biến ngư trường trên Biển Đông chịu sự tác động của nhiều yếu tố; nguồn lực của Việt Nam còn hạn chế. Do vậy, chống khai thác IUU là một nhiệm vụ cần có nhiều nỗ lực, lộ trình và thời gian để đạt được mục tiêu chấm dứt và loại bỏ tình trạng khai thác IUU một cách bền vững.

Theo đó, Phó thủ tướng đề nghị EC và các nước thành viên EU tiếp tục hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ kĩ thuật kịp thời, tính tới yếu tố đặc thù của nghề cá Việt Nam trong việc thực hiện các khuyến nghị của EC về IUU. Đồng thời cũng đề nghị EC ghi nhận các nỗ lực chống khai thác IUU và các kết quả tích cực Việt Nam đã đạt được và sớm gỡ bỏ cảnh báo thẻ vàng cho Việt Nam.

Về phía EU, ông Roberto Cesari khẳng định chống khai thác IUU là ưu tiên ngày càng cao trong chương trình nghị sự của EU. Với cách tiếp cận không khoan nhượng với khai thác IUU, EU coi đây là ưu tiên hàng đầu trong hợp tác của cả khối và từng quốc gia thành viên với các nước đối tác.

Ông cũng ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc huy động cả hệ thống chính trị thực hiện các biện pháp quyết liệt, bài bản chống khai thác IUU thời gian qua.

Qua thực tế kiểm tra, đoàn công tác của EU đã được chứng kiến những tiến bộ, cải thiện đáng kể trong triển khai thực hiện chống IUU. Đoàn ghi nhận những bước tiến lớn trong việc minh bạch thông tin, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nghề cá tại 28 địa phương có biển.

Đoàn công tác cho rằng, Việt Nam đã có sự quyết liệt ở cấp Trung ương, ban hành nhiều quy định pháp luật, cơ chế, chính sách để chống khai thác IUU, nhưng việc triển khai thực hiện ở cấp cơ sở vẫn còn yếu. Trong thời gian tới, Việt Nam cần có cơ chế giám sát hiệu quả với những quy định pháp lý chặt chẽ, đảm bảo thực thi nhất quán, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; nâng cao chế tài, đảm bảo đủ sức răn đe, xử phạt thật nghiêm mọi vi phạm.

Bên cạnh đó, cần có kế hoạch quản lý nguồn lợi thủy sản tổng thể, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu nguyên liệu thủy sản để chế biến xuất khẩu; chấm dứt hẳn tình trạng ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài. Dự kiến trong thời gian 6 tháng, đoàn công tác sẽ tiếp tục có chuyển kiểm tra, đánh giá tại Việt Nam.

Tổng cục Thủy sản cho biết, hiện tổng số tàu cá toàn quốc là 91.716 chiếc. Tính đến nay, công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá đã có tiến bộ, đạt 95,27%, tăng hơn 5% so với trước.

Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát; đặc biệt là tại các khu vực vùng biển trọng điểm. Từ quý 4/2021 đến nay đã kiểm tra, kiểm soát gần 80.000 lượt tàu cá.

Các địa phương như: Quảng Ngãi, Tiền Giang, Khánh Hòa đã giảm đáng kể các vụ việc tàu cá vi phạm. Đặc biệt là Phú Yên từ năm 2021 đến nay chưa phát hiện vụ việc vi phạm.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống khai thác hải sản trái phép, không khai báo và không theo quy định (IUU) ngày 20.9 vừa qua, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã khẳng định việc gỡ "thẻ vàng", tuyệt đối không để EC rút "thẻ đỏ" là rất cấp bách, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đến đời sống của ngư dân, ngành xuất khẩu thủy sản cũng như uy tín, thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế.

Phó thủ tướng cho rằng, kết quả đạt được có tiến bộ so với trước. Tuy nhiên, những kết quả đạt được là chưa đáp ứng yêu cầu. Việc cấp giấy phép khai thác thủy sản đối với đội tàu chưa đạt yêu cầu (đạt 96,7% đối với tàu dài từ 15m trở lên, đối với khối tàu dưới 15m mới đạt tỉ lệ 46,6%).

Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trong năm 2022 còn chậm (mới tăng được 5%). Đặc biệt, còn để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Việc truy xuất nguồn gốc thủy sản còn nhiều tồn tại.

Theo Phó thủ tướng, đây là vấn đề lớn, nếu không khắc phục được thì không những không gỡ được "thẻ vàng" mà còn có nguy cơ bị nâng lên cảnh báo "thẻ đỏ". Các địa phương cần khẩn trương chỉ đạo các tổ chức, cơ sở, đội nhóm và từng ngư dân phải khắc phục bằng được những tồn tại trong thời gian sớm nhất.

Việt Nam bị EC cảnh báo "thẻ vàng" từ ngày 23.10.2017. Sau gần 5 năm, Chính phủ, Bộ NN&PTNT cùng các Bộ/ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực gỡ cảnh báo này.

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, sự nỗ lực của cả ngành khai thác thủy sản Việt Nam thời gian qua vẫn chưa đủ để EU xem xét tháo gỡ thẻ vàng. Kết quả kiểm tra của EC cuối tháng 10 năm nay chưa thể dự đoán kết quả theo chiều hướng nào.

Bài liên quan
Cà Mau: Kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm về chống khai thác IUU
Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho ngư dân hoạt động đánh bắt xa bờ và kiên quyết xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam khẳng định ngăn chặn, tiến tới loại bỏ tình trạng khai thác IUU