Chiều 27.6, ông Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết biến thể phụ BA.5 của Omicron đã xâm nhập vào Việt Nam.

Việt Nam ghi nhận biến thể phụ BA.5 của Omicron

Dạ Thảo | 27/06/2022, 18:00

Chiều 27.6, ông Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết biến thể phụ BA.5 của Omicron đã xâm nhập vào Việt Nam.

Trong cuộc họp cung cấp thông tin y tế về tình hình dịch bệnh COVID-19 được Bộ Y tế tổ chức vào chiều 27.6, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Phan Trọng Lân cho biết đã có biến thể mới của Omicron xâm nhập vào Việt Nam.

Theo ông Phan Trọng Lân, số ca mắc COVID-19 trên thế giới chưa ổn định, lúc tăng, lúc giảm. Con số thống kê ca mắc còn liên quan đến chiến lược xét nghiệm của từng quốc gia và có sự không đồng đều trên các khu vực. Cụ thể như tại châu Phi, Tây Thái Bình Dương hiện đang có sự gia tăng số ca mắc và tử vong.

Các biến thể của vi rút SARS-CoV-2 vẫn đang tiếp tục được đánh giá. Các biến thể phụ của Omicron như BA.4, BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn và có biểu hiện nặng nhưng chưa được nghiên cứu bài bản nên chưa chính thức công bố.

Còn tại Việt Nam, tỷ lệ mắc thấp với chủng lưu hành vẫn là BA.2 cùng biểu hiện nhẹ, trong khi tỷ lệ tiêm chủng dần mức cao hơn. Việt Nam cũng có chiến dịch bảo vệ người nguy cơ cao với hình thức tiêm chủng đa dạng, tiêm chủng ngay tại nhà…

Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá, dịch bệnh vẫn còn phức tạp và khả năng gia tăng trở lại. Biến chủng Omicron hiện là chủ yếu nhưng vẫn chưa phải là cuối cùng. WHO khuyến cáo các quốc gia cần duy trì, tăng cường hệ thống giám sát trọng điểm nguy cơ cao và tiêm phòng vắc xin COVID-19.

phan-trong-kan.jpg
GS.TS Phan Trọng Lân

Ông Phan Trọng Lân cho rằng việc xâm nhập của biến chủng mới là tất yếu khi Việt Nam đang áp dụng các chính sách bình thường mới, mở cửa du lịch, giao thông, đi lại… Khi có xâm nhập chủng mới, ông Lân cảnh báo có thể có nguy cơ lấn lướt chủng cũ. Bộ Y tế sẽ tiếp tục chủ động giám sát, đề xuất điều chỉnh biện pháp chống dịch phù hợp.

"Việc xâm nhập này là tất yếu vì các nước ở châu Âu, Mỹ cũng đã ghi nhận. Với sự giao lưu đi lại như hiện này thì điều này là bình thường. Bộ Y tế tiếp tục giám sát để có điều chỉnh các biện pháp chống dịch an toàn, hiệu quả", GS.TS Phan Trọng Lân nhấn mạnh.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân, đặc biệt là những nhóm có nguy cơ cần tiêm đúng lịch, đủ liều các mũi vắc xin phòng COVID-19 nhắc lại theo khuyến cáo để có thể tăng cường miễn dịch chống lại các biến thể mới của SARS-CoV-2.

Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết hiện nay Bộ đã có đề xuất chưa coi bệnh COVID-19 là bệnh lưu hành bởi Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa phòng chống dịch và quản lý bền vững.

Theo Bộ Y tế, một bệnh được coi là lưu hành khi đáp ứng 4 nhóm tiêu chí: có sự tồn tại thường xuyên tác nhân gây bệnh; tồn tại quần thể cảm nhiễm và ổ chứa tác nhân gây bệnh; bệnh dịch xảy ra ở một nhóm đối tượng cụ thể hoặc quần thể dân số trong địa bàn nhất định; tỷ lệ mắc bệnh có tính ổn định và có thể dự báo được.

Ở tiêu chí số 4, hầu hết các nước trên thế giới đều trong trạng thái số mắc và tử vong chưa ổn định, xu hướng tăng giảm thất thường khi xuất hiện các biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2. Ví dụ như ở Nam Phi và Mỹ, sau 2 tháng dịch xu hướng giảm thì tăng trở lại từ đầu tháng 5 đến nay do lưu hành của các biến thể BA.4, BA.5 và chưa có xu hướng chững lại.

Không những vậy, SARS-CoV-2 có thể tiếp tục xuất hiện biến thể mới. Đồng thời miễn dịch có được (do vắc xin và mắc bệnh) chưa ổn định lâu dài và giảm dần theo thời gian. Do đó, sau khoảng thời gian đủ lớn, dịch COVID-19 có thể bùng phát trở lại bất kỳ lúc nào nên vẫn cần thêm thời gian để theo dõi, đánh giá tính ổn định cũng như sự thay đổi của tác nhân gây bệnh.

Từ thực tế trên, Bộ Y tế đề xuất tạm thời chưa chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B hoặc chưa coi bệnh COVID-19 là bệnh lưu hành. Việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch mang tính linh hoạt và tiến dần tới trạng thái "bình thường mới".

Bài liên quan
Nhà sản xuất vắc xin COVID-19 có mặt đầu tiên ở Việt Nam được vinh danh
AstraZeneca vừa chính thức trở thành 1 trong 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2024, trong đó, công ty ở vị trí thứ 5 toàn ngành dược và thứ 35 trong số những nơi làm việc tốt nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam ghi nhận biến thể phụ BA.5 của Omicron