Các nhà nghiên cứu không biết chắc tại sao cá voi sát thủ lại truy đuổi tàu thủy. Có thể đó là trò chơi mới mà chúng phát minh ra hoặc có thể là phản ứng trả thù với loài người.

Vì sao cá voi sát thủ gần đây liên tục tấn công tàu bè trên biển?

Anh Tú | 27/05/2023, 17:22

Các nhà nghiên cứu không biết chắc tại sao cá voi sát thủ lại truy đuổi tàu thủy. Có thể đó là trò chơi mới mà chúng phát minh ra hoặc có thể là phản ứng trả thù với loài người.

cavoi.jpg
Cá voi sát thủ là loài thông minh

Một nhóm ba cá voi sát thủ đã tấn công một chiếc thuyền ở eo biển Gibraltar vào đầu tháng này, làm nó bị hư hại nặng đến nỗi bị chìm ngay sau đó. Sự cố ngày 4.5 là lần thứ ba cá voi sát thủ (Orcinus orca) đánh chìm tàu ngoài khơi bờ biển Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha trong 3 năm qua.

Alfredo López, một thành viên thuộc Nhóm nghiên cứu về cá kình Đại Tây Dương (GTOA), là người chuyên theo dõi quần thể cá voi sát thủ Iberia. Lopez cho biết quần thể cá kình ở khu vực này bắt đầu tấn công tàu thuyền, thường là bằng cách cắn vào bánh lái. Gần 20% các cuộc tấn công này gây ra thiệt hại đủ để tàu thuyền không thể hoạt động. Đồng thời, ông thừa nhận: “Đó là một hành vi hiếm gặp chỉ được phát hiện gần đây”.

Các nhà nghiên cứu không biết chắc tại sao cá voi sát thủ lại truy đuổi tàu thủy. Theo López, có hai giả thuyết. Giả thuyết thứ nhất là cá voi sát thủ đã sáng tạo ra một trò chơi mới, điều mà các loài khác trong họ cá heo thường làm. López giải thích giống như ở người, các trò chơi mới của cá voi sát thủ thường do những con non khởi xướng. Giả thuyết thứ hai, các cuộc tấn công có thể là phản ứng của chúng để trả thù những gì đã chịu đựng trong quá khứ liên quan đến một chiếc thuyền.

Vụ việc đầu tiên được biết đến xảy ra vào tháng 5.2020 tại eo biển Gibraltar, một khu vực có nhiều tàu bè qua lại. Kể từ đó, GTOA đã ghi nhận 505 trường hợp cá voi sát thủ phản ứng thù địch với  tàu thuyền. López cho biết, đôi khi chúng chỉ đơn giản là tiếp cận các tàu và chỉ có một ít lần là dùng cơ thể va chạm tàu thuyền. Trong một nghiên cứu được công bố vào tháng 6.2022 trên tạp chí Marine Mammal Science (chuyên nghiên cứu về động vật có vú trên biển), Lopez và các đồng nghiệp đã lập danh mục 49 trường hợp cá voi sát thủ tiếp xúc với thuyền chỉ riêng trong năm 2020. Phần lớn các cuộc tấn công là vào thuyền buồm, chỉ một số ít liên quan đến thuyền đánh cá và thuyền máy. Chiều dài trung bình của các tàu là 12 mét nhỉnh hơn một chút so với một con cá voi sát thủ trưởng thành (có thể dài 9,2 mét).

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng cá voi sát thủ ưu tiên tấn công bánh lái của thuyền, đôi khi cắn vào thân tàu. Những cuộc tấn công như vậy thường làm gãy bánh lái, khiến thuyền không thể điều hướng. Trong ba trường hợp, chúng đã làm hỏng thuyền nặng đến mức bị chìm: Vào tháng 7.2022, chúng đã đánh chìm một chiếc thuyền buồm có 5 người trên đó; Vào tháng 11.2022, chúng khiến một chiếc thuyền buồm chở 4 người bị chìm; Và cuối cùng, trong cuộc tấn công vào đầu tháng 5 này, chiếc du thuyền Champagne của Thụy Sĩ đã bị chìm khi được kéo vào bờ. Rất may, trong cả 3 trường hợp trên, mọi người trên tàu đều được giải cứu an toàn.

Vào năm 2020, các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy 9 cá thể cá voi sát thủ khác nhau tấn công một con thuyền; không rõ liệu có thêm các con khác tham gia hay không. Các cuộc tấn công có xu hướng đến từ hai nhóm riêng biệt: một nhóm ba con non thỉnh thoảng có sự tham gia của con thứ tư và một nhóm gồm một con cái đầu đàn (được đặt tên là White Gladis) cùng hai đứa con nhỏ và hai người chị em của nó. Bởi vì White Gladis là con khởi xướng cuộc tấn công, các nhà nghiên cứu suy đoán rằng nó có thể từng bị vướng vào dây câu trước đây nên nó thù địch với những chiếc thuyền có hình dáng tương tự.

Theo López, còn có những con cá voi sát thủ trưởng thành khác trong khu vực bị thương do va chạm hoặc vướng vào thuyền. Ông nói: “Tất cả những điều này khiến chúng ta phải suy nghĩ về thực tế rằng các hoạt động của con người, ngay cả theo cách gián tiếp, là nguồn cơn hành vi bạo lực của loài cá”.

Tuy nhiên, việc giải cứu an toàn được tất cả những người trên thuyền trong các vụ tấn gợi ý cho Deborah Giles rằng những con cá voi sát thủ này không có ác ý tấn công trực tiếp con người. Giles là giám đốc khoa học và nghiên cứu của tổ chức bảo tồn phi lợi nhuận Wild Orca (cá voi sát thủ hoang dã) có trụ sở tại bang Washington (Mỹ). Giles chỉ ra rằng con người đã không ngừng quấy rối cá voi sát thủ ngoài khơi bờ biển Washington và Oregon vào những năm 1960 và 1970.

Theo Giles, chính con người đã bắt những con cá non và mang chúng đi trưng bày tại công viên hải dương. Giles khẳng định: “Đây là những con cá voi đã nhìn thấy con của chúng bị bắt đi và đưa lên xe tải rồi chuyển đi mà chúng không bao giờ được nhìn thấy lại "người thân" nữa. Và những con cá voi này trước đó không bao giờ tấn công tàu thuyền, không bao giờ tấn công con người”.

Mặc dù có thể những con cá voi sát thủ quanh bán đảo Iberia đang phản ứng bạo lực với những chiếc thuyền, nhưng Giles cho rằng không nên quy chụp động cơ trả thù đối với loài vật thông minh này. Theo Giles, hành vi tấn công tàu dường như có thể được chúng truyền dạy cho nhau, nhưng có thể chỉ đơn giản là một trò chơi nhất thời mà không có lý do gì cả.

Cá voi sát thủ là loài thông minh và thường nghĩ ra những trò chơi kỳ lạ. Vào mùa hè và mùa năm 1987, quần thể cá voi sát thủ gần bang Washington thịnh hành mốt đội trên đầu chúng những con cá hồi chết. Không có lý do rõ ràng nào khiến mốt thời trang đội mũ cá hồi trở nên "hot" trong giới cá voi sát thủ, nhưng hành vi này lan  truyền rộng và tồn tại trong vài tháng trước khi lại biến mất.

Quần thể cá voi sát thủ Iberia được coi là cực kỳ nguy cấp, chỉ còn 39 cá thể trong lần điều tra chi tiết được tiến hành lần gần đây nhất (vào năm 2011). Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy quần thể cá voi sát thủ này đi theo sự di cư của con mồi chính của chúng: cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương. Chính tuyến đường di chuyển này đưa chúng đến gần tiếp xúc với thuyền câu của con người cũng như tàu giải trí và hải quân. Các nhà chức trách hàng hải khuyến nghị những người giong thuyền trong khu vực nên giảm tốc độ và cố gắng tránh xa cá voi sát thủ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao cá voi sát thủ gần đây liên tục tấn công tàu bè trên biển?