Thậm chí, tác động từ báo cáo việc làm của Mỹ còn đang khiến giá vàng thế giới giảm trở lại sau khi đã tăng khá mạnh do ảnh hưởng từ việc Ngân hàng trung ương Anh lần đầu tiên hạ lãi suất trong vòng 7 năm cách đây vài ngày. Vậy, vì sao báo cáo việc làm của Mỹ lại có thể tạo ra ảnh hưởng và tác động lớn đến thế với nền kinh tế thế giới?
Một tin tức tích cực hiếm hoi trong nền kinh tế thế giới vài ngày gần đây, là việc chính phủ Mỹ đã công bố báo cáo tăng trưởng việc làm của mình trong tháng Bảy. Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, trong tháng Bảy nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm được 225.000 việc làm mới trong lĩnh vực phi nông nghiệp, vượt khá xa con số dự đoán trước đó là 180.000.
Ngay lập tức bản báo cáo việc làm đầy khả quan này bắt đầu phát huy tác dụng, khi đồng USD hồi phục mạnh so với 16 đồng tiền chủ chốt khác, còn thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ cũng lập đỉnh mới khi hai chỉ số quan trọng nhất là S&P 500 và Nasdaq đều tăng vượt đỉnh cũ với mức tăng lần lượt là 0,9% và 1,1%. Thậm chí, tác động từ báo cáo việc làm của Mỹ còn đang khiến giá vàng thế giới giảm trở lại sau khi đã tăng khá mạnh do tác động từ việc Ngân hàng trung ương Anh hạ lãi suất xuống một nửa cách đây vài ngày. Vậy, vì sao báo cáo việc làm của Mỹ lại có thể tạo ra ảnh hưởng và tác động lớn đến thế với nền kinh tế thế giới?
Có thể nói, hiếm khi nào người ta lại thấy tầm ảnh hưởng và tác động của báo cáo tăng trưởng việc làm của Mỹ lại lớn như ở thời điểm hiện tại. Giá vàng thế giới tăng mạnh sau khi Ngân hàng trung ương Anh lần đầu tiên hạ lãi suất sau 7 năm, từ mức 0,5% xuống còn 0,25% và được coi là một dấu hiệu xấu đối với nền kinh tế xứ sở sương mù và kinh tế thế giới; Thì ngay lập tức nó đã giảm trở lại sau khi báo cáo việc làm trong tháng Bảy được Bộ Lao động Mỹ công bố.
Không những vậy, báo cáo việc làm đầy khả quan trong tháng Bảy vừa qua còn được xem là một cơ sở khá vững chãi để Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất đồng USD trong thời gian tới; Đồng thời nó cũng được xem là tín hiệu tích cực với tăng trưởng kinh tế toàn cầu vốn đang khá trì trệ. Có thể nói, bức tranh kinh tế toàn cầu vốn đang bị bao phủ bởi một màu xám đã ngay lập tức có dấu hiệu khởi sắc sau khi Mỹ công bố báo cáo tăng trưởng việc làm của mình.
Có nhiều lý do để giải thích vì sao báo cáo tăng trưởng việc làm của kinh tế Mỹ lại có ảnh hưởng lớn trên thế giới, khiến cho hàng tháng báo cáo này luôn nhận được sự quan tâm rất lớn từ hầu hết các chuyên gia và các nền kinh tế khác. Trước hết là các tác động mang tính tâm lý. Nền kinh tế thế giới nói chung và Mỹ nói riêng đã trải qua 6 tháng đầu năm không thực sự khả quan, với sự kiện ảm đạm gần nhất là báo cáo tăng trưởng GDP trong quý II-2016 của Mỹ chỉ đạt 1,2% - Thấp hơn nhiều so với mức dự báo trước đó là 2,6%.
Cùng với việc các nền kinh tế lớn khác như Anh, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc hay Nhật Bản vẫn đang trong tình trạng trì trệ, thì rõ ràng mức tăng trưởng vượt xa dự đoán của báo cáo việc làm của Mỹ là một tin tức tốt hiếm hoi. Nó cho thấy khả năng kinh tế Mỹ hồi phục mạnh trở lại trong 6 tháng cuối năm là khá lớn, và có thể kéo theo sự tăng trưởng của kinh tế thế giới.
Nhưng lý do quan trọng nhất vẫn là ảnh hưởng của báo cáo việc làm với tăng trưởng của kinh tế Mỹ. Tùy thuộc vào các chỉ số trong báo cáo việc làm hàng tháng, mà người ta có thể dự đoán được kinh tế Mỹ sẽ có tốc độ tăng trưởng ra sao trong những tháng sắp tới. Và báo cáo tháng Bảy vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố là rất khả quan.
Với việc tạo thêm được 225.000 việc làm trong tháng Bảy (vượt xa mức dự báo trước đó là 180.000), thì mức tăng trưởng việc làm bình quân trong 3 tháng gần nhất của Mỹ là 190.000 – Một con số khá cao. Đây là mức tăng trưởng việc làm bình quân cao nhất trong nhiều tháng trở lại đây, và nó có thể dự báo rằng kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng ổn định trong một vài tháng kế tiếp.
Kể cả những chỉ số khác trong báo cáo việc làm tháng Bảy cũng khá khả quan. Chẳng hạn như tỷ lệ thất nghiệp vẫn không thay đổi ở mức 4,9% so với tháng trước. Việc số lượng việc làm mới được tạo ra tăng lên mức rất cao là 225.000 trong một tháng, mà tỷ lệ thất nghiệp trong nền kinh tế vẫn không thay đổi, được xem là một tín hiệu tốt, vì nó cho thấy đang có nhiều người sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động hơn. Vì chính phủ Mỹ không xem một người là chính thức thất nghiệp trừ khi người đó chủ động tìm kiếm việc làm trong suốt 4 tuần.
Ngoài số làm việc mới được tạo ra vượt mức dự báo, thì một yếu tố quan trọng hàng đầu khác trong báo cáo việc làm tháng Bảy của Mỹ, là mức tăng tiền lương. Trong tháng Bảy, lương trung bình mỗi giờ của người lao động Mỹ đã tăng nhanh hơn dự kiến, tăng 0,3% so với tháng trước và 2,6% so với năm ngoái. Thu nhập trung bình theo tuần của hộ gia đình Mỹ cũng tăng lên. Đây được xem là một tín hiệu lạc quan cho việc tăng trưởng chi tiêu của người dân – Vốn là một yếu tố rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ.
Hiện chi tiêu người tiêu dùng Mỹ đang đóng góp tới hơn 70% vào hoạt động của nền kinh tế, là động lực tăng trưởng quan trọng nhất của kinh tế Mỹ. Lý do khiến tăng trưởng GDP trong quý II - 2016 của Mỹ chỉ đạt 1,2% so với mức dự đoán 2,6% là do đầu tư kinh doanh giảm khiến cho chi tiêu của người dân cũng giảm theo. Nói cách khác, khi cả số lượng việc làm mới được tạo ra cùng tiền lương trung bình đều tăng, thì không có lý do gì có thể khiến kinh tế Mỹ không có được tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian tới. Đó là ý nghĩa chính và quan trọng nhất của báo cáo việc làm hàng tháng của nền kinh tế số một thế giới.
Tuy nhiên, không phải lúc nào những dự đoán rút ra từ các chỉ số trong báo cáo việc làm hàng tháng này cũng chính xác. Trên thực tế đó mới chỉ là một trong số những yếu tố cần thiết để đánh giá chính xác mức tăng trưởng của kinh tế Mỹ mà thôi.
Mức tăng trưởng khả quan về số lượng việc làm mới được tạo ra trong báo cáo tháng Bảy này, trên thực tế không quá ấn tượng nếu so với một vài thời điểm khác trong năm. Điển hình là báo cáo tình hình của tháng Ba 2016, khi đó nền kinh tế Mỹ cũng tạo ra được số việc làm mới lên tới 215.000 trong lĩnh vực phi nông nghiệp, tỷ lệ người tham gia thị trường lao động trong tháng Ba còn lên tới 63% so với mức 62,8% của tháng Bảy. Nhưng nó vẫn không giúp cho nền kinh tế Mỹ có tốc độ tăng trưởng GDP khả quan trong quý I cũng như quý II.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg/CafeF)