Trang Straits Times cho biết, do Úc và Mỹ chưa giải quyết được vấn đề về chi phí, nên công tác chuyển một số lượng lính thủy đánh bộ Mỹ đến đóng tại căn cứ quân sự Darwin ở miền bắc Úc đang bị chậm trễ.

Mỹ, Úc bất đồng về chi phí triển khai quân tới căn cứ Darwin

Cẩm Bình | 07/08/2016, 08:04

Trang Straits Times cho biết, do Úc và Mỹ chưa giải quyết được vấn đề về chi phí, nên công tác chuyển một số lượng lính thủy đánh bộ Mỹ đến đóng tại căn cứ quân sự Darwin ở miền bắc Úc đang bị chậm trễ.

Kế hoạch chuyển một số lượng lính thủy đánh bộ Mỹ sang vùng lãnh thổ phía bắc của Úc được Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố vào năm 2011. Đây được xem là một phần quan trọng trong chiến lược “xoay trục” sang Châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ.

Theo kế hoạch ban đầu, để đối phó với sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, đến năm 2017, Mỹ sẽ chuyển 2.500 lính thủy đánh bộ đến đóng tại căn cứ Darwin (Úc).

Tuy nhiên tính đến thời điểm hiện tại, con số lính thủy đánh bộ Mỹ được chuyển đến chỉ mới có 1.250, và phải đến năm 2020 thì mới có thể đạt đến 2.500

Bất đồng về chi phí

Công tác triển khai quân bị chậm trễ là do hai bên chưa quyết định được rằng ai sẽ trả những chi phí hoạt động của lính Mỹ tại đây.

Khoản tiền mà chưa bên nào chịu trả vào khoảng 20 đến 30 triệu AUD (khoảng 15 đến 23 triệu USD) một năm. Đây là khoản chi cho các dịch vụ sinh hoạt phục vụ binh lính Mỹ trong suốt thời gian 25 năm đóng quân tại Úc theo Hiệp định Bố trí lực lượng Mỹ-Úc (U.S- Australia Force Posture Agreement) ký năm 2014.

Khi được hỏi, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne khẳng định hai bên vẫn đang cố gắng đảm bảo rằng sẽ có 2.500 lính thủy đánh bộ Mỹ sẽ hiện diện tại căn cứ Darwin vào năm 2020.

“Mỹ và Úc vẫn đang cùng làm việc để thực hiện hiệu quả các sáng kiến trong hiệp định bố trí lực lượng, trong đó vấn đề cùng đóng góp chi phí hoạt động cũng sắp đi đến thống nhất”, Bộ trưởng Marise cho biết.

Hai nước vốn đã đồng ý đóng góp một khoản tiền từ 2 đến 3 tỷ AUD (từ 1,5 đến 2,3 tỷ USD) để nâng cấp đường băng máy bay, các tòa nhà và nhiều cơ sở hạ tầng khác trong căn cứ Darwin, nhưng một số chi phí hoạt động khác lại còn tranh cãi.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne khẳng định hai bên vẫn đang cố gắng đảm bảo rằngsẽ có 2.500 lính thủy đánh bộ Mỹ sẽ hiện diện tại căn cứ Darwin vào năm 2020 - Ảnh: ABC News

Hầu hết các chi phí hoạt động còn gây tranh cãi là khoản tiền chi cho xây dựng nhà ở và cung cấp tiện ích sinh hoạt (điện, xử lýnước thải) cho binh lính.

Cả hai nên hành động vì an ninh khu vực và lợi ích chung

Theo giới chức Úc, nước này không giống như Nhật Bản hay Hàn Quốc, những quốc gia tài trợ phần lớn chi phí hoạt động cho binh lính Mỹ đang đóng tại nước họ. Nhiều quan chức Úc còn lấy ví dụ Singapore chấp nhận chi 2,25 tỷ AUD (17,2 tỷ USD) để nâng cấp các cơ sở huấn luyện mà binh lính nước này sử dụng tại Úc.

Chuyên gia Ashley Townshend thuộc Trung tâm nghiên cứu Mỹ (ĐH Sydney) cho biết, trong vấn đề Mỹ triển khai lính đánh thủy đánh bộ đến Úc, hai nước đều có thiện chí, nhưng lại có quan điểm khác nhau.

Theo chuyên gia Townshend, “vì Úc luôn là nước ủng hộ Mỹ nhiệt thành và luôn tham gia với Mỹ trong các xung đột mà Mỹ tham gia, nên nước này nghĩ rằng sự hiện diện của Mỹ tại căn cứ quân sự Darwin không thể giống như tại Nhật Bản, Philippines hay Hàn Quốc”.

“Quả thực, kế hoạch để lực lượng Mỹ đóng tại đây phù hợp với lợi ích của Úc, nhưng chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều để Mỹ có thể triển khai quân đến đây và những nỗ lực này cần được công nhận. Trong khi đó, phía Mỹ lại cứ nghĩ rằng chúng tôi cần họ hơn là họ cần chúng tôi”, chuyên gia Townshend cho biết.

Mặc dù bất đồng về chi phí giữa Mỹ và Úc ít được chú ý đến và cũng không phải là mối đe dọa lâu dài cho quan hệ hai nước, nhưng nhiều nhà phân tích đã lên tiếng cảnh báo rằng bất đồng này có thể gửi đi “những thông điệp sai” đến với những nước trong khu vực.

Theo ông Andrew Shearer, cựu cố vấn an ninh của hai thủ tướng Úc là John Howard và Tony Abbott, đánh giá bất đồng giữa Mỹ- Úc về vấn đề này “thật đáng tiếc”, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc càng ngày càng có những hành động quyết đoán hơn trên Biển Đông.

“Cả hai nên nhường một bước và tập trung vào cục diện khu vực lớn hơn”, ông Shearer nói.

Còn theo chuyên gia Townshend, trường hợp của Mỹ khác với trường hợp của Singapore.

Chuyên gia Townshend cho biết, “chúng ta không thể so sánh 2 trường hợp này, nhưng cả 2 đều là để bảo đảm an ninh khu vực và lợi ích chung”.

Cẩm Bình (theo Straits Times)
Bài liên quan
Ông Trump chọn tỷ phú giỏi đầu tư làm Bộ trưởng Tài chính Mỹ
Đài CNN dẫn lời Tổng thống đắc cử Donald Trump ngày 22.11 thông báo chọn tỷ phú Scott Bessent làm Bộ trưởng Tài chính Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ, Úc bất đồng về chi phí triển khai quân tới căn cứ Darwin