Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã tạm hoàn tất. Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, cái được nhất khi Việt Nam gia nhập TPP chính là sức ép, là thách thức. Bởi khi đã vào TPP thì buộc phải tự mình thay đổi, nếu không sẽ phải trả giá.

Vào TPP, cái được lớn nhất của Việt Nam chính là sức ép!

Một Thế Giới | 06/10/2015, 14:00

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã tạm hoàn tất. Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, cái được nhất khi Việt Nam gia nhập TPP chính là sức ép, là thách thức. Bởi khi đã vào TPP thì buộc phải tự mình thay đổi, nếu không sẽ phải trả giá.

Mới đây, các quốc gia quanh khu vực Thái Bình Dương gồm Mỹ, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore, Mexico và Việt Nam hoàn tất đàm phán thương mại Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). 
Theo đó, nhiều hàng rào thuế quan sẽ bị cắt bỏ cũng như thiết lập những quy chuẩn chung trong các ngành. Điều này có ảnh hưởng đến tất cả các mặt của đời sống kinh tế của các quốc gia.
Liên quan đến vấn đề này, PV Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi  với chuyên gia kinh tế Bùi Trinh.
Đàm phán TPP vừa mới kết thúc, ông nhìn nhận thế nào về cơ hội của Việt Nam?

TPP là vấn đề thương mại, chúng ta phải có khả năng xuất khẩu thì mới có cơ hội. TPP lại có quy định rất chặt chẽ về xuất xứ hàng hóa nên theo tôi, cơ hội cho Việt Nam là không nhiều. Trong khi Việt Nam không có sản phẩm phụ trợ, cơ bản là nhập khẩu từ Trung Quốc.

Một bên các cơ quan quản lý cứ đàm phán còn trong nước thì doanh nghiệp không biết được thông tin gì. Ai cũng nói doanh nghiệp phải tự tìm hiểu, nhưng đâu phải cái gì cũng có thể tự tìm hiểu và giải quyết được. 
Đàm phán cốt lõi phải để cho doanh nghiệp biết chứ đâu phải đàm phán để chơi, đàm phán riêng chính quyền với nhau? Nhất là những vấn đề xuất xứ mãi gần đây mới được tiết lộ.

Cốt lõi của đàm phán là gia nhập TPP, để chúng ta xuất khẩu được thì phải truyền thông, gặp gỡ để cho doanh nghiệp biết được TPP là cái gì, doanh nghiệp phải biết đầu vào bao nhiêu phần trăm trong xuất xứ hàng hóa. Có như thế thì doanh nghiệp mới có thể kịp thời thay đổi trong hoạt động của mình.

Đàm phán vào TPP cũng hướng đến mục tiêu xuất khẩu. Tuy nhiên, cái lan tỏa từ xuất khẩu đến thu nhập của Việt Nam ngày càng thấp đi. Như vậy, dù có xuất khẩu được cũng không có ý nghĩa nhiều, chỉ được mỗi vấn đề lao động. Hiện nay chúng ta sa đà vào TPP nhưng quên mất vấn đề tiêu dùng mới là quan trọng nhất. Đất nước chúng ta là đất nước gia công, đã là gia công mà cứ đi hướng vào xuất khẩu là định hướng chưa đúng.

Theo tôi biết thì 32% đóng góp vào GDP là cá thể, 5% là hợp tác xã, doanh nghiệp Nhà nước khoảng 20%... trong khi khối doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 10%. Chúng ta phải quan tâm đến phía cung, phải có những sản phẩm của mình đi vào chuỗi giá trị. Tái cơ cấu là phải làm cái này. Phải định hướng lại cấu trúc kinh tế, tăng hàm lượng của Việt Nam trong sản phẩm. Chứ nếu không, hàm lượng của Việt Nam trong chuỗi giá trị thấp thì cũng chẳng thu lợi được gì.

Như vậy, Việt Nam sẽ chịu rất nhiều thách thức, cạnh tranh?

Vấn đề thách thức lâu nay đã bàn rất nhiều và rõ ràng. Thách thức cho Việt Nam cực nhiều, cả từ bên ngoài và cả những yếu kém bên trong, ở nhiều lĩnh vực. 
Tuy nhiên, tôi lại nghĩ cái được nhất khi Việt Nam vào TPP chính là sức ép, là thách thức. Bởi khi đã vào TPP thì buộc phải tự mình thay đổi, nếu không sẽ phải trả giá. Thay đổi cả ở phía doanh nghiệp lẫn phía cơ quan quản lý.
Trong cuộc chơi, anh nào có tiềm lực kinh tế càng mạnh thì càng có lợi. Vào TPP, chúng ta muốn xuất khẩu thì phải có khoảng 40% xuất xứ đầu vào từ các nước tham gia TPP. 
Rõ ràng, chúng ta dùng càng nhiều nguyên liệu của họ để xuất khẩu thì các nước kia có lợi, còn ta chỉ được hưởng mỗi sức lao động.Từ đó, nếu chúng ta càng tăng được hàm lượng của Việt Nam trong sản phẩm thì chúng ta càng có lợi.

Vậy theo ông, chúng ta cần phải cải cách cụ thể những gì?

Tham gia TPP, chúng ta không thể cứ giữ phương thức làm ăn như cũ. Cần phải thay đổi thật sự toàn diện thể chế chứ không phải chỉ có nói không.

Không chỉ các doanh nghiệp cần cạnh tranh mạnh mẽ mà các cơ quan quản lý cũng phải có những thay đổi về chính sách đối với doanh nghiệp, đầu tư mạnh mẽ cho doanh nghiệp nội. 
Các cơ quan công quyền cần phải thay đổi thái độ đối với doanh nghiệp, ứng xử trên thái độ ngang bằng chứ không thể giữ thái độ ở trên nhìn xuống như trước.

Hệ thống luật pháp cũng rất rườm rà, có rất nhiều Thông tư dưới luật làm cho doanh nghiệp hoảng hốt. Điều đó cũng nảy sinh tình trạng tham nhũng vặt, thanh tra kiểm tra suốt ngày làm khổ doanh nghiệp rất nhiều. Cần phải bỏ cái này vì làm xói mòn lòng tin của doanh nghiệp.

Hoặc như vấn đề tăng lương mới đây, rất vô lý. Doanh nghiệp làm chỉ có 30% thặng dư, tăng lương thêm 10% nữa thì còn gì thặng dư, doanh nghiệp rất khó sống. Muốn tăng lương phải đi cùng với sức lao động chứ không thể muốn tăng thế nào là tăng…
Xin cảm ơn ông!

Hoàng Long

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vào TPP, cái được lớn nhất của Việt Nam chính là sức ép!