Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa chính thức kết thúc đàm phán. Nội dung của Hiệp định này gồm 5 đặc điểm chính và 30 chương với các lộ trình cam kết đi kèm, và các thành viên, trong đó có Việt Nam sẽ phải tuân thủ những nội dung của Hiệp định.

30 nội dung chính của Hiệp định TPP mà Việt Nam vừa gia nhập

Một Thế Giới | 06/10/2015, 10:36

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa chính thức kết thúc đàm phán. Nội dung của Hiệp định này gồm 5 đặc điểm chính và 30 chương với các lộ trình cam kết đi kèm, và các thành viên, trong đó có Việt Nam sẽ phải tuân thủ những nội dung của Hiệp định.

Ngày 5.10.2015, Bộ trưởng của 12 nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm Ốt-xtrây-lia, Bru-nây, Ca-na-đa, Chi-lê, Nhật Bản, Ma-lai-xi-a, Mê-hi-cô, Niu Di-lân, Pê-ru, Xinh-ga-po, Hoa Kỳ và Việt Nam, đã tuyên bố kết thúc đàm phán. 
Kết quả đàm phán là một hiệp định chất lượng cao, tham vọng, toàn diện và cân bằng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; hỗ trợ tạo ra và duy trì việc làm; thúc đẩy việc đổi mới, năng suất và tính cạnh tranh; nâng cao mức sống; giảm nghèo tại các nước; và nâng cao minh bạch hóa, quản trị tốt cũng như bảo hộ lao động và bảo vệ môi trường. 
Để độc giả có thể hiểu rõ hơn các vấn đề được đề cập trong Hiệp định, Báo Điện tử Một Thế Giới xin tóm lược nội dung Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP):
5 đặc điểm chính của Hiệp định TPP:
Có 5 đặc điểm chính làm TPP trở thành một hiệp định mang tính bước ngoặc của thế kỷ 21, tạo ra một tiêu chuẩn mới cho thương mại toàn cầu trong khi vẫn đề cập tới các vấn đề mang tính thế hệ mới. Các đặc điểm đó bao gồm:
1. Tiếp cận thị trường một cách toàn diện. Hiệp định TPP cắt giảm thuế quan và các hàng rào phi thuế về căn bản đối với tất cả thương mại hàng hóa và dịch vụ và điều chỉnh toàn bộ các lĩnh vực về thương mại trong đó có thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư nhằm tạo ra các cơ hội và lợi ích mới cho doanh nghiệp, người lao động và người tiêu dùng của các nước thành viên.
2. Tiếp cận mang tính khu vực trong việc đưa ra các cam kết. Hiệp định TPP tạo thuận lợi cho việc phát triển sản xuất và dây chuyền cung ứng, cũng như thương mại không gián đoạn, đẩy mạnh tính hiệu quả và hỗ trợ thực hiện mục tiêu về tạo việc làm, nâng cao mức sống, thúc đẩy các nỗ lực bảo tồn và tạo thuận lợi cho việc hội nhập qua biên giới cũng như mở cửa thị trường trong nước. 
3. Giải quyết các thách thức mới đối với thương mại. Hiệp định TPP thúc đẩy việc đổi mới, năng suất và tính cạnh tranh thông qua việc giải quyết các vấn đề mới, trong đó bao gồm việc phát triển nền kinh tế số và vai trò ngày càng tăng của các doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế toàn cầu. 
4. Bao hàm toàn bộ các yếu tố liên quan đến thương mại. Hiệp định TPP bao gồm các yếu tố mới được đưa ra để bảo đảm rằng các nền kinh tế ở tất cả các cấp độ phát triển và doanh nghiệp thuộc mọi quy mô đều có thể hưởng lợi từ thương mại. 
Hiệp định bao gồm các cam kết nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiểu rõ về Hiệp định, tận dụng được những cơ hội mà Hiệp định mang lại và nêu lên những thách thức đáng chú ý tới chính phủ các nước thành viên. 
Hiệp định cũng bao gồm những cam kết cụ thể về phát triển và nâng cao năng lực thương mại để đảm bảo rằng tất cả các Bên đều có thể đáp ứng được những cam kết trong Hiệp định và tận dụng được đầy đủ những lợi ích của Hiệp định.
5. Nền tảng cho hội nhập khu vực. Hiệp định TPP được ra đời để tạo ra nền tảng cho việc hội nhập kinh tế khu vực và được xây dựng để bao hàm cả những nền kinh tế khác xuyên khu vực châu Á – Thái Bình Dương. 
Tóm tắt 30 chương chính của Hiệp định TTP:
1. Các điều khoản ban đầu và định nghĩa chung
Nhiều thành viên TPP đang có các hiệp định với nhau. Chương về Các điều khoản ban đầu và định nghĩa chung giải thích rõ mối quan hệ giữa TPP với các hiệp định thương mại quốc tế đang có giữa các Bên, trong đó có Hiệp định WTO, các hiệp định song phương và khu vực. Chương này cũng đưa ra các định nghĩa cho các thuật ngữ được sử dụng trong nhiều hơn một chương của Hiệp định. 
2. Thương mại hàng hóa
Các Bên tham gia TPP nhất trí xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế quan và các hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa công nghiệp và xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế quan cũng như các chính sách mang tính hạn chế khác đối với hàng hóa nông nghiệp.
3. Dệt may
Các Bên tham gia TPP nhất trí xóa bỏ thuế quan đối với hàng dệt may – ngành công nghiệp đóng vai trò quan trọng vào tăng trưởng kinh tế tại một số thị trường của các nước TPP. 
Hầu hết thuế quan sẽ được xóa bỏ ngay lập tức, mặt dù thuế quan đối với một số mặt hàng nhạy cảm sẽ được xóa bỏ với lộ trình dài hơn do các Bên thống nhất. 
4. Quy tắc xuất xứ    
12 nước Thành viên TPP đã thống nhất về một bộ quy tắc xuất xứ chung để xác định một hàng hóa cụ thể “có xuất xứ” và do vậy được hưởng thuế quan ưu đãi trong TPP. 
5. Quản lý hải quan và thuận lợi hóa thương mại
Các Bên TPP đã nhất trí về các quy tắc nhằm thúc đẩy việc tạo thuận lợi cho thương mại, nâng cao tính minh bạch hóa trong các thủ tục hải quan và bảo đảm tính chính trực trong việc quản lý hải quan.
6. Các biện pháp vệ sinh, kiểm dịch động thực vật
Các nước TPP đã chia sẻ mối quan tâm trong việc bảo đảm các quy định dựa trên căn cứ khoa học mang tính minh bạch, không phân biệt đối xử, và tái khẳng định quyền của các nước trong việc bảo đảm an ninh lương thực và bảo vệ sức khỏe vật nuôi và cây trồng tại nước mình.
7. Hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT)
Các thành viên TPP đồng ý hợp tác để đảm bảo rằng các quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật không tạo ra rào cản không cần thiết đối với thương mại. 
8. Phòng vệ thương mại
Chương Phòng vệ thương mại thúc đẩy minh bạch hóa và quy trình thủ tục trong các vụ kiện phòng vệ thương mại thông qua việc công nhận các thực tiễn tốt nhất nhưng không ảnh hưởng đến các quyền và nghĩa vụ của các thành viên TPP trong WTO. 
9. Đầu tư
Các thành viên TPP đã đưa ra các nguyên tắc yêu cầu các chính sách và bảo hộ đầu tư công bằng và không phân biệt đối xử nhằm bảo đảm nguyên tắc cơ bản của luật pháp, trong khi vẫn bảo đảm khả năng của Chính phủ các thành viên để đạt được các mục tiêu chính sách công hợp pháp. 
10. Thương mại dịch vụ qua biên giới
TPP bao gồm các nghĩa vụ cốt lõi trong WTO và các hiệp định thương mại yêu cầu không Thành viên TPP nào có thể yêu cầu một nhà cung cấp dịch vụ từ một quốc gia khác thiết lập một văn phòng hoặc liên kết hoặc cư trú trong lãnh thổ của mình để được cung cấp dịch vụ. Thị trường các nước là mở hoàn tòan đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Các Thành viên TPP cũng đồng ý quản lý các biện pháp áp dụng chung theo cơ chế hợp lý, khách quan và công bằng; và chấp nhận các yêu cầu về minh bạch hóa trong xây dựng các quy định mới về dịch vụ. 
11. Dịch vụ tài chính
Chương Dịch vụ tài chính của TPP cung cấp các cơ hội mở cửa thị trường đầu tư và qua biên giới quan trọng, trong khi đảm bảo rằng các Thành viên TPP duy trì quyền quản lý đầy đủ đối với các tổ chức và thị trường tài chính, thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp khủng hoảng. 
12. Nhập cảnh tạm thời của khách kinh doanh
Khuyến khích các cơ quan có thẩm quyền của các thành viên TPP cung cấp thông tin về việc nộp đơn xin nhập cảnh, để đảm bảo rằng phí nộp đơn là hợp lý, đưa ra quyết định đối với đơn xin nhập cảnh và thông tin cho các ứng viên nộp đơn về quyết định là sớm nhất có thể. 
13. Viễn thông
Các Thành viên TPP chia sẻ sự quan tâm trong việc đảm bảo mạng lưới viễn thông hiệu quả và đáng tin cậy tại mỗi quốc gia. 
14. Thương mại điện tử
Các Thành viên TPP cam kết đảm bảo rằng các công ty và người tiêu dùng có thể tiếp cận và chuyển dữ liệu, với các mục tiêu chính sách công hợp pháp.
15. Mua sắm chính phủ
Các Thành viên TPP cùng quan tâm tới mở cửa thị trường mua sắm chỉnh phủ rộng lớn của nhau thông qua các quy tắc công bằng, minh bạch, có thể dự đoán, và không phân biệt đối xử.
16. Chính sách cạnh tranh
Các Thành viên TPP cùng quan tâm bảo đảm một khung khổ cạnh tranh bình đẳng trong khu vực thông qua những quy định yêu cầu các Thành viên TPP duy trì hệ thống luật pháp cấm những hành vi kinh doanh phi cạnh tranh, cũng như những hoạt động thương mại gian lận và lừa đảo, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. 
17. Doanh nghiệp nhà nước (SOEs)
Các Thành viên TPP đồng ý bảo đảm rằng các SOEs hoặc đơn vị độc quyền sẵn có không có những hoạt động phân biệt đối xử đối với các doanh nghiệp, hàng hóa, dịch vụ của các Thành viên khác
18. Sở hữu trí tuệ
Chương Sở hữu trí tuệ (IP) trong TPP điều chỉnh các lĩnh vực về bằng sáng chế, nhãn hiệu, bản quyền, bí mật thương mại, các hình thức khác của quyền sở hữu trí tuệ, và việc thực thi các quyền về sở hữu trí tuệ, cũng như các lĩnh vực mà các Thành viên đồng ý hợp tác.
19. Lao động
Tất cả các Thành viên TPP đều là thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và thừa nhận mối liên hệ giữa quyền của người lao động với thương mại. 
20. Môi trường
Các Thành viên TPP chia sẻ một cam kết mạnh mẽ nhằm bảo vệ và bảo tồn môi trường, bao gồm cả việc các thành viên làm việc với nhau nhằm giải quyết các thách thức về môi trường.
21. Hợp tác và Nâng cao năng lực
Chương Hợp tác và Nâng cao năng lực thiết lập một Ủy ban về Hợp tác và Nâng cao năng lực nhằm phát hiện và rà soát các khu vực có tiềm năng hợp tác và xây dựng năng lực trên cơ sở tự nguyện và sự sẵn có của các nguồn lực.
22. Cạnh tranh và Tạo thuận lợi kinh doanh
Chương này tạo nên các cơ chế chính thức nhằm rà soát tác động của TPP lên sức cạnh tranh của các Thành viên thông qua các cuộc đối thoại giữa các chính phủ và giữa chính phủ với doanh nghiệp và cộng đồng.
Tập trung tham gia sâu vào chuỗi cung ứng khu vực nhằm đánh giá sự phát triển, tận dụng lợi thế của các cơ hội mới, và giải quyết bất cứ các thách thức có thể nổi lên khi Hiệp định TPP có hiệu lực.
23. Phát triển
Các thành viên TPP tìm kiếm giải pháp nhằm đảm bảo Hiệp định TPP sẽ là một hình mẫu của sự hội nhập thương mại và kinh tế tiêu chuẩn cao, và đặc biệt nhằm đảm bảo mọi Thành viên TPP có thể thu được các lợi ích từ hiệp định, có đầy đủ năng lực để thực thi các cam kết của mình và nổi lên như các nền kinh tế thịnh vượng hơn và thị trường mạnh mẽ hơn cho tất cả các thành viên. 
24. Doanh nghiệp vừa và nhỏ 
Các nước TPP chia sẻ mối quan tâm đến việc thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa vào thương mại và bảo đảm rằng các doanh nghiệp nhỏ và vừa chia sẻ các lợi ích của Hiệp định TPP.
25. Gắn kết môi trường chính sách
Giúp mở ra một môi trường thông thoáng, bình đẳng và dễ dự đoán dành cho các doanh nghiệp hoạt động trên các thị trường TPP bằng cách khuyến khích minh bạch hóa, công bằng và hợp tác giữa các chính phủ để đạt được một phương thức tiếp cận chính sách một cách gắn kết. 
26. Minh bạch hóa và Chống tham nhũng
Các bên tham gia TPP phải đảm bảo rằng, trong chừng mực có thể, luật pháp, quy định và các quy chế hành chính có liên quan tới bất kỳ vấn đề nào được quy định bởi Hiệp định TPP sẽ được công bố công khai và tiếp nhận các nhận xét. 
Các Bên cũng cam kết sẽ áp dụng hiệu quả các quy định và luật pháp về chống hối lộ. 
27. Các điều khoản về hành chính và thể chế
Xây dựng một khung thể chế thông qua đó các Bên có thể đánh giá và hướng dẫn việc thực hiện hoặc hoạt động của Hiệp định, đặc biệt bằng việc thành lập Ủy ban TPP, bao gồm các Bộ trưởng hoặc các quan chức cấp cao, giám sát hoạt động và quá trình thực thi Hiệp định và định hướng phát triển tương lai. 
28. Giải quyết tranh chấp
Các Bên TPP có mục tiêu là giải quyết các tranh chấp thông qua tham vấn và khi cần thiết có thể thông qua các Ban hội thẩm công bằng, không thiên vị.
29. Ngoại lệ 
Chương về Ngoại lệ mang lại các linh hoạt cho các Bên trong Hiệp định TPP để đảm bảo đầy đủ quyền lợi chung, bao gồm lợi ích an ninh cơ bản và các phúc lợi công. 
30. Các điều khoản cuối cùng
Chương về Các điều khoản cuối cùng là về những hình thức mà Hiệp định TPP sẽ có hiệu lực, những hình thức sửa đổi cam kết, những quy tắc xây dựng tiến trình để các nước và vùng lãnh thổ khác có thể gia nhập TPP sau này, các hình thức rút ra khỏi Hiệp định và ngôn ngữ chính được sử dụng để công bố. 
Duyên Duyên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
9 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
30 nội dung chính của Hiệp định TPP mà Việt Nam vừa gia nhập