Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng phục vụ sản xuất gia công, lắp ráp 9 tháng năm 2015 vẫn duy trì ở mức cao như máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; linh kiện điện thoại; nguyên phụ kiện dệt may, da giày. Thông tin được đưa ra tại hội nghị giao ban ngành Công thương hôm qua (5.10).
Ngành Công thương cho biết, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá 9 tháng ước đat 124,6 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2014. Kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 73,3%, tăng 20,7% chiếm tỷ trọng 58,8%; Kim ngạch nhâp khẩu của doanh nghiệp trong nước đạt 51,3 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ 2014.
Như vậy, nhập siêu 9 tháng năm 2015 ước khoảng 3,86 tỷ USD, bằng 3,2% kim ngạch xuất khẩu, tháng 9/2015 ước nhập siêu 100 triệu USD. Trong đó, khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô) xuất siêu 11,9 tỷ USD, các doanh nghiệp trong nước nhập siêu 15,8 tỷ USD.
Trong 9 tháng năm 2015, xuất khẩu ước đạt khoảng 73,2% kế hoạch năm 2015 (kế hoạch là 165 tỷ USD). Khối các doanh nghiệp FDI vẫn duy trì vụ trí dẫn đầu trong việc tạo giá trị xuất khẩu, tỷ trọng ngày càng tăng, xuất khẩu của khối FDI (không kể dầu thô) 9 tháng năm 2015 chiếm 68%. Xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước giảm cho thấy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước còn khó khăn.
Tăng trưởng xuất khẩu 9 tháng năm 2015 thấp hơn tăng trưởng xuất khẩu 9 tháng năm 2014, do giá xuất khẩu giảm.
Các mặt hàng xuất khẩu có sự tham gia của khối FDI như máy vi tính, điện tử và linh kiện… có mức tăng trưởng xuất khẩu không mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy sau một thời gian tăng trưởng cao, các mặt hàng này đã có sự tăng trưởng ổn định. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, giầy dép, đồ gỗ vẫn giữ mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung.
Đặc biệt, xuất khẩu gạo 9 tháng đầu năm nay giảm 9,12% (chỉ đạt 4,53 triệu tấn), nguyên nhân do các thị trường nhập khẩu giảm.
Tuy nhiên, trong quý 3, mức độ xuất khẩu gạo đã khả quan và tín hiệu đáng mừng nhất là VN vừa trúng thầu xuất khẩu 450.000 tấn gạo sang Philippines. Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận định : lượng hợp đồng xuất khẩu thời gian tới sẽ tăng mạnh so quý 3 nên quý 1/2016. Lượng tồn kho gạo hiện nay chỉ còn khoảng 1,4 triệu tấn, lượng thóc gạo thu hoạch vụ vừa qua không nhiều. Vì vậy, từ nay đến cuối năm, sẽ không phải lo công tác thị trường mà chỉ lo điều hành cân đối cung cầu sát với thực tế.
Hiệp hội này cũng dự báo: “việc cân đối lượng hàng cho xuất khẩu sẽ căng thẳng. Chỉ trong vòng mấy ngày qua, giá gạo tăng 300 đồng/kg và tình hình này tiếp tục tăng khi chúng ta phân bổ hợp đồng”, ông Huỳnh Minh Huệ, tổng thư ký cho biết.
Đánh giá chung về tình hình xuất, nhập khẩu 9 tháng 2015, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho răng tình hình khả quan, phấn khởi , mức tăng trưởng cao hơn quý trước, tháng trước. “Nhập siêu không phải hiện tượng của năm nay, chúng ta đã có dự báo. Bộ Công thương vẫn đang đạt được mục tiêu, chính sách và giải pháp và dự kiến giữ được ở mức dưới 5% như Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, cần tiếp tục tích cực cải cách môi trường kinh doanh để nâng cao, hoàn thiện đầu tư kinh doanh doanh, xuất nhập khẩu, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp không chỉ hội nhập mà còn trong đầu tư”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nói.
Vĩnh Nguyên