Nền kinh tế Trung Quốc đã có dấu hiệu phục hồi sau khi bị COVID-19 tàn phá nặng nề trong đầu năm nay. Quy định kiểm soát hà khắc được nới lỏng, nhà máy tái hoạt động và nhu cầu sử dụng điện tăng cao trở lại.

Vành đai và Con đường ‘đâm vào ngõ cụt’ vì COVID-19

28/04/2020, 11:17

Nền kinh tế Trung Quốc đã có dấu hiệu phục hồi sau khi bị COVID-19 tàn phá nặng nề trong đầu năm nay. Quy định kiểm soát hà khắc được nới lỏng, nhà máy tái hoạt động và nhu cầu sử dụng điện tăng cao trở lại.

Lao động Trung Quốc không thể ra nước ngoài khi nhiều quốc gia hạn chế nhập cảnh để phòng dịch bệnh - Ảnh: Tân Hoa Xã

Tuy nhiên, những dự án trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) trên khắp châu Á, châu Âu, châu Âu phải đối mặt với hàng loạt trở ngại do dịch bệnh đem lại.

Tại Indonesia, công trình tuyến đường sắt cao tốc Jakarta - Bandung dài 150 km gặp hai vấn đề lớn: cung cấp nguyên vật liệu nhập từ Trung Quốc chậm trễ, lao động Trung Quốc (tính cả chuyên gia) chưa thể sang làm việc.

Lao động Trung Quốc chiếm khoảng 1/5 tổng số lao động xây dựng công trình. Ước tính có 300 người không qua được Indonesia mặc dù việc xây dựng vẫn đang tiếp tục.

Không chỉ đường sắt cao tốc, dự án đập thủy điện cắt ngang rừng nhiệt đới Batang Toru ở đảo Sumatra cũng đình trệ vì hạn chế nhập cảnh.

Ủy ban Quản lý - Giám sát tài sản nhà nước Trung Quốc (SASAC) thừa nhận COVID-19 tạo ra khó khăn lớn cho BRI. Theo Trưởng phòng công tác tuyên truyền thuộc SASAC Hạ Khánh Phong: “Các quốc gia bị dịch bệnh ảnh hưởng siết chặt quy định kiểm soát, nên chuỗi công nghiệp và cung ứng toàn cầu chịu tác động ở mức độ khác nhau. Doanh nghiệp quốc doanh do trung ương quản lý đang gặp tình trạng chậm thực hiện hợp đồng đang có hiệu lực, sụt giảm đơn hàng mới, rủi ro về nguồn cung nguyên liệu thô”.

Số liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc cho thấy trong 2 tháng đầu năm 2020, nước này đưa 39.000 lao động ra nước ngoài - giảm đến 29.000 người so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến cuối tháng 2 số lao động ở nước ngoài đạt 778.000 - giảm 188.000 người so với 1 năm trước. Quy định kiểm soát nghiêm ngặt để chống dịch tại nhiều nước khiến triển vọng ngắn hạn của những dự án BRI trở nên u ám.

COVID-19 cản bước BRI - Ảnh: AP

Yêu cầu lao động nước ngoài cách ly làm vài dự án thuộc Hành lang Kinh tế Trung Quốc- Pakistan (CPEC, một bộ phận của BRI) “đóng băng” suốt 8 tuần. Bangladesh thông báo tạm dừng toàn bộ công trình cầu, đường, nhà máy điện trong khuôn khổ BRI.

Dự án phát triển thành phố biển Colombo cũng khó lòng hoàn thành đúng tiến độ. Chính quyền Sri Lanka đã quyết định cấm hoàn toàn việc nhập khẩu hàng hóa không thiết yếu, cắt giảm nhập thiết bị và máy móc xây dựng Trung Quốc nhằm bảo toàn dự trữ ngoại hối, tránh cho đồng nội tệ mất giá.

Giới phân tích dự đoán hợp tác BRI trong năm 2020 sẽ “trật bánh” bởi tác động tiêu cực kéo dài. Tổ chức Economist Intelligence Unit (EIU) lưu ý đến nguy cơ các nền kinh tế mới nổi ôm nợ vì dự án trì hoãn, chi phí tăng cao, đồng thời cảnh báo tương lai bất định của hàng loạt dự án mà Trung Quốc mới ký với Myanmar, Nigeria, Thổ Nhĩ Kỳ từ tháng 1.2020.

Cẩm Bình (theo SCMP)

Bài liên quan
Nhà sản xuất vắc xin COVID-19 có mặt đầu tiên ở Việt Nam được vinh danh
AstraZeneca vừa chính thức trở thành 1 trong 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2024, trong đó, công ty ở vị trí thứ 5 toàn ngành dược và thứ 35 trong số những nơi làm việc tốt nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vành đai và Con đường ‘đâm vào ngõ cụt’ vì COVID-19