Lúc đỉnh điểm cuộc khủng hoảng nguồn cung vắc xin ở châu Âu vào tháng 3.2021, vắc xin COVID-19 chỉ tiêm một liều của Johnson & Johnson (J&J) đã được chào hàng như một kẻ thay đổi cuộc chơi. Thế nhưng 2 tháng sau khi triển khai, vắc xin này có tỷ lệ tiếp nhận thấp nhất trong 4 loại đã được EU phê duyệt.

Vắc xin COVID-19 tiêm 1 liều của Mỹ từ thay đổi cuộc chơi đến thất sủng, bị châu Âu thờ ơ

Nhân Hoàng | 23/06/2021, 14:47

Lúc đỉnh điểm cuộc khủng hoảng nguồn cung vắc xin ở châu Âu vào tháng 3.2021, vắc xin COVID-19 chỉ tiêm một liều của Johnson & Johnson (J&J) đã được chào hàng như một kẻ thay đổi cuộc chơi. Thế nhưng 2 tháng sau khi triển khai, vắc xin này có tỷ lệ tiếp nhận thấp nhất trong 4 loại đã được EU phê duyệt.

Các vấn đề về nguồn cung, lo ngại về an toàn, việc cung cấp vắc xin đối thủ được cải thiện và chiến lược tiêm chủng của các quốc gia đều góp phần kìm hãm việc sử dụng J&J.

Bất chấp lợi thế hậu cần rõ ràng là chỉ cần tiêm một mũi duy nhất và có yêu cầu bảo quản ít nghiêm ngặt hơn so với vắc xin Pfizer (Mỹ) - BioNTech (Đức) và Moderna (Mỹ), Liên minh châu Âu (EU) chỉ sử dụng khoảng một nửa số liều J&J đã được phân phối, tỷ lệ tiếp nhận thấp hơn nhiều so với các loại vắc xin COVID-19 của đối thủ, bao gồm cả AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) vốn cũng phải khắc phục các vấn đề về an toàn và nguồn cung.

Đó là tin xấu với J&J và cũng đặt ra câu hỏi về hiệu quả chiến dịch tiêm chủng của EU, vì cơ quan quản lý thuốc khối này khẳng định vắc xin Mỹ tiêm một liều có thể cứu mạng người.

Đặc biệt, các vấn đề về nguồn cung đã khiến tâm trạng ở EU trở nên tồi tệ, nơi đã quyết định không đưa ra lựa chọn đặt hàng 100 triệu liều vắc xin J&J bổ sung.

Các nguồn tin của EU nói rằng, nếu đặt hàng, số liều bổ sung rất có thể sẽ được tặng cho các nước ngoài khối. J&J cũng gặp khó khăn ở thị trường Mỹ.

"Hy vọng số lượng sẽ tăng lên theo thời gian"

Ba tháng trước, tình hình rất khác. "Một liều vắc xin có thể tạo ra sự khác biệt về tốc độ triển khai", ủy viên y tế EU - Stella Kyriakides cho biết vào 11.3, ngày vắc xin J&J được chấp thuận sử dụng ở EU.

Thời điểm đó, hoạt động tiêm chủng của khối 27 quốc gia đang gặp khó khăn, phần lớn là do nguồn cung dự kiến ​​từ AstraZeneca bị cắt giảm lớn. Thế nên vắc xin của J&J, ban đầu dự kiến ​​sẽ đến vào đầu tháng 4, được coi là rất quan trọng để thúc đẩy tiêm chủng.

Bất chấp việc triển khai tiêm vắc xin bị trì hoãn hai tuần, các quan chức EU vẫn tỏ ra lạc quan. Nhà lập pháp hàng đầu của UE về các vấn đề y tế, Peter Liese, cho biết vào ngày 12.4 rằng: “Vắc xin này sẽ đẩy nhanh tốc độ ở EU”.

Thế nhưng 2 tháng sau, chỉ có khoảng 12 triệu liều vắc xin J&J được chuyển đến EU trong số 55 triệu liều dự kiến ​​vào cuối tháng 6. Các vấn đề sản xuất tại nhà máy Emergent BioSolutions (nhầm lẫn thành phần vắc xin J&J và AstraZeneca khiến 15 triệu liều bị hỏng) ở Baltimore, thành phố lớn nhất bang Maryland, Mỹ đã khiến EU từ chối khoảng 20 triệu liều vắc xin trong tháng này và khối không hy vọng J&J sẽ đạt được mục tiêu giao hàng.

Trong số các liều được cung cấp, chỉ khoảng một nửa (khoảng 6 triệu liều) đã được sử dụng, theo dữ liệu từ Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu (ECDC), mức tiếp nhận thấp nhất trong số 4 loại vắc xin COVID-19 được Cơ quan quản lý dược phẩm Châu Âu (EMA) phê duyệt.

Để so sánh, tính đến ngày 23.6, hơn 90% trong số khoảng 250 triệu vắc xin do Pfizer - BioNTech giao đã được sử dụng và gần 85% trong số hơn 30 triệu liều Moderna được dùng.

Khoảng 75% trong số gần 70 triệu liều vắc xin đã giao của AstraZeneca đã được tiêm ở EU.

Tại Pháp, quốc gia đông dân thứ hai EU, tỷ lệ sử dụng vắc xin J&J bằng một nửa mức trung bình của khối (chỉ bằng 22% số liều được giao vào giữa tháng 6.2021), trong khi tỷ lệ dùng số vắc xin Pfizer - Moderna đạt trên 80% và hơn 60% với AstraZeneca, theo một quan chức Bộ Y tế Pháp.

Khoảng cách thậm chí còn lớn hơn khi xem xét việc dự trữ vắc xin hai liều cần được quản lý cẩn thận để đảm bảo có sẵn liều thứ hai trong khoảng thời gian quy định. Những biện pháp phòng ngừa như vậy là không cần thiết với vắc xin J&J một liều.

van-xin-covid-19-tiem-1-lieu-cua-my-tu-ke-thay-doi-cuoc-den-that-sung(1).jpg
Vắc xin COVID-19 của J&J gặp khó cả ở Mỹ lẫn châu Âu dù chỉ cần tiêm 1 liều

Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu từ chối bình luận về mức tiếp nhận vắc xin J&J thấp, đồng thời cho biết ủy ban và các chính phủ "dĩ nhiên là thất vọng về số lượng giao hàng, nhưng hy vọng rằng số lượng này sẽ tăng lên theo thời gian".

J&J đã nhiều lần cho biết sẽ cung cấp 200 triệu liều vắc xin COVID-19 do EU đặt hàng, nhưng từ chối bình luận về mục tiêu quý 2/2021 và mức tiếp nhận thấp.

"Vắc xin cho các đảo"

Một lý do cho việc sử dụng thấp là vắc xin J&J đã bị tạm dừng trong một thời gian ngắn ở Mỹ và gặp phải một số hạn chế, do liên kết của nó với sự đông máu rất hiếm gặp nhưng có khả năng gây tử vong.

Vắc xin của AstraZeneca đã phải đối mặt với những rào cản tương tự liên quan đến an toàn và những hạn chế nghiêm ngặt hơn với việc sử dụng nó ở EU, nhưng vẫn có tỷ lệ sử dụng cao hơn.

Các vấn đề an toàn tiềm ẩn của vắc xin AstraZeneca chỉ xuất hiện sau khi nó được sử dụng cho nhiều người ở châu Âu, còn các tác dụng phụ có thể xảy ra của vắc xin J&J đã được biết đến ngay cả trước khi triển khai trên lục địa này, sau khi tiêm ở Mỹ.

Guido Rasi, cựu Giám đốc EMA và hiện là cố vấn cho chính phủ Ý về trường hợp khẩn cấp COVID-19, cho biết: “Không có lý do về chiến lược nào cho việc sử dụng vắc xin này thấp”.

Ông Guido Rasi nói một trong những lời giải thích cho việc tiếp nhận thấp là do vắc xin J&J được cung cấp sau các mũi tiêm khác, khi nhiều người dễ bị tổn thương nhất đã được tiêm chủng, khiến việc sử dụng nó ít cấp thiết hơn.

Trớ trêu thay, lợi thế về hậu cần cũng có thể làm giảm việc sử dụng vắc xin J&J vì các nhà chức trách đã tìm cách triển khai nó ở những vùng xa xôi hơn với ít người hơn.

Guido Rasi nói: “vắc xin COVID-19 tiêm một liều duy nhất, nó được xem là thích hợp hơn khi sử dụng ở những nơi mà việc tiêm vắc xin hai lần sẽ khó khăn hơn, chẳng hạn như các hòn đảo và những vùng khó tiếp cận hơn của đất nước”.

Tại Mỹ, những lo ngại về an toàn cùng nhu cầu tiêm vắc xin của J&J thấp đã khiến quá trình triển khai chậm lại, khiến gần một nửa trong số 21 triệu liều được sản xuất cho nước này không được sử dụng, thậm chí 13 lô sắp hết hạn cuối tháng 6. Xem chi tiết tại đây.

Vắc xin J&J dùng cùng công nghệ vector virus như AstraZeneca.

Hiệu quả của vắc xin Johnson & Johnson trong thử nghiệm lâm sàng thấp hơn Pfizer và Moderna. Vắc xin của Johnson & Johnson đạt hiệu quả 66.3% trong các thử nghiệm lâm sàng phòng ngừa bệnh COVID-19 ở người chưa có bằng chứng nhiễm bệnh trước đó, được xác nhận ở phòng thí nghiệm. Mọi người có bảo vệ tốt nhất 2 tuần sau khi tiêm chủng.

Vắc xin của Johnson & Johnson có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa tình hình nhập viện và tử vong ở những người đã bị bệnh.

Bằng chứng ban đầu cho thấy vắc xin Johnson & Johnson có thể giúp bảo vệ khỏi tình trạng lây nhiễm không triệu chứng.

Bài liên quan
Vắc xin J&J tiêm 1 mũi thừa mứa ở Mỹ, sắp hết hạn 13 lô sau khi bị tạm dừng vì vấn đề an toàn
Những lo ngại về an toàn với vắc xin COVID-19 của Johnson & Johnson (J&J) cùng nhu cầu tiêm vắc xin đang bị đánh dấu đã khiến quá trình triển khai tại Mỹ chậm lại, khiến gần một nửa trong số 21 triệu liều được sản xuất cho nước này không được sử dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vắc xin COVID-19 tiêm 1 liều của Mỹ từ thay đổi cuộc chơi đến thất sủng, bị châu Âu thờ ơ